Giai đoạn 2008 - 2014 là giai đoạn đánh dấu những tiến bộ vượt bậc trong công tác pháp chế của TTCP nói chung và Vụ Pháp chế nói riêng. Hoạt động pháp chế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành Thanh tra được xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, toàn diện và có chất lượng nhằm tạo ra một khuôn khổ thể chế thống nhất cho việc triển khai các nhiệm vụ công tác.

Các đạo luật quan trọng của ngành đã được xây dựng và thông qua, bao gồm: Luật Thanh tra năm 2010, Luật Khiếu nại (KN) 2011, Luật Tố cáo (TC) 2011, Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) và Luật Tiếp công dân 2013. Nhiều văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Luật trên cũng đã được khẩn trương xây dựng và ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành như Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định về trách nhiệm giải trình; Nghị định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định quy định chi tiết một số điều của các Luật: Thanh tra, PCTN, KN,TC...

Nhìn lại phần việc đã hoàn thành, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ, đánh giá bước đầu cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng xu hướng thay đổi trong các quan hệ thuộc phạm vi quản lý của ngành Thanh tra và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương. Luật Thanh tra đã được hoàn thiện một bước theo hướng cải cách hành chính nhằm giảm bớt các đầu mối thanh tra chuyên ngành ở các ngành, lĩnh vực để thống nhất quản lý, hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Luật KN cũng đã hoàn thiện hơn trong các quy định về quyền của công dân, tổ chức trong việc KN, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các hiệp định khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Luật TC lần đầu tiên đã ghi nhận và quy định đầy đủ về các biện pháp bảo vệ người TC xuất phát từ yêu cầu nâng cao hiệu quả xử lý TC. Luật PCTN cũng đã bổ sung thêm những biện pháp quan trọng như trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước; các biện pháp tạm thời đối với người có dấu hiệu tham nhũng để xác minh, làm rõ; hoặc nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm... Luật Tiếp công dân cũng đưa ra những quy định nhằm kiện toàn về bộ máy làm công tác tiếp dân và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác này.

Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hàng năm, Vụ Pháp chế luôn chủ động xây dựng kế hoạch về công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó xác định cụ thể các nội dung tuyên truyền, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Vụ đã tổ chức các hội nghị quán triệt Luật Thanh tra 2010, Luật KN, Luật TC, Luật PCTN, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên tới các cán bộ chủ chốt của ngành Thanh tra, của UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, nhân dân về chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN đã có những chuyển biến rõ rệt.

Ngoài ra, thực hiện Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, Vụ Pháp chế đã giúp lãnh đạo TTCP hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành trong việc triển khai Đề án. Trên cơ sở Đề án này, Vụ cũng đã chủ trì xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 về đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục đào tạo từ năm học 2013 - 2014.

Là lãnh đạo vụ trẻ nhất, Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, ngoài những lĩnh vực công tác trên, tập thể và lãnh đạo Vụ Pháp chế còn triển khai nhiều hoạt động khác như góp ý văn bản, tham mưu trả lời phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ, công tác bồi thường Nhà nước, nghiên cứu khoa học...

“Có thể nói, trong những năm qua, với sự chỉ đạo của lãnh đạo TTCP, sự giúp đỡ nhiệt tình có trách nhiệm của các vụ, cục, đơn vị, sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực của toàn thể công chức trong Vụ, các hoạt động của Vụ Pháp chế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng các văn bản pháp luật; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính. Nhờ vậy, TTCP đã kịp thời phát hiện, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, KN,TC, PCTN thông qua hoạt động theo dõi thi hành pháp luật do Vụ Pháp chế tham mưu và thực hiện để từ đó đề xuất các biện pháp khắc phục, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, KN,TC và PCTN”, ông Tuấn khẳng định.

Với những nỗ lực đó, trong những năm qua, tập thể Vụ Pháp chế đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua đáng ghi nhận: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2011), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2014), Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ, Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ (2012), Cờ thi đua của Chính phủ (2013)…

Theo ông Nguyễn Văn Kim, để có được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo TTCP, của lãnh đạo vụ đối với các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó, tập thể lãnh đạo Vụ đã bám sát chương trình, kế hoạch của Ban Cán sự, chỉ đạo của lãnh đạo TTCP để tổ chức triển khai và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, đã có những đổi mới về phương pháp, cách thức thực hiện công việc.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác của Vụ Pháp chế vẫn còn một số khó khăn nhất định. Khó khăn lớn nhất hiện nay của Vụ Pháp chế là số lượng công chức còn mỏng (chỉ có 16 người), trong khi đó, công việc chuyên môn của Vụ nhiều về khối lượng, yêu cầu cao về chất lượng, tiến độ thực hiện. Chế độ, chính sách của Nhà nước về công tác pháp chế cũng như đối với người làm công tác pháp chế cũng còn rất hạn chế. Do đó, đời sống của các công chức làm công tác pháp chế còn gặp khó khăn.

Thời gian tới, với yêu cầu của việc nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN, đặt ra đòi hỏi càng cao đối với công tác pháp chế của ngành Thanh tra. Bên cạnh hoạt động xây dựng thể chế, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng các văn bản pháp luật của ngành để các tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định pháp luật. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, hoạt động kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật cũng như các hoạt động khác của công tác pháp chế. Điều đó đặt ra trách nhiệm, nhiệm vụ của Vụ Pháp chế là rất lớn.

Nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác pháp chế trong thời gian tới, ông Kim cho biết, cần nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp hàng đầu là quan tâm phát triển nhân lực; chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường, bổ sung công chức và tạo điều kiện để công chức pháp chế tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Bên cạnh đó, cần sự đầu tư về kinh phí cho công tác pháp chế, sự phối hợp, chia sẻ của các cục, vụ, đơn vị trong cơ quan, của các bộ, ngành, sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TTCP.

Phương Anh