Trong một tuyên bố, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc nêu rõ: Sau khi hoàn thành cuộc điều tra của Ủy ban Giám sát Quốc gia, một viện kiểm sát ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, phía Bắc Trung Quốc, đã đệ trình vụ việc của Tang lên Tòa án Nhân dân trung cấp của thành phố.

Các công tố viên cáo buộc Tang Shuangning lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình là người đứng đầu bộ phận giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc, Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Tập đoàn China Everbright... để thu được số tiền lớn một cách bất hợp pháp từ tài sản công.

Ông ta cũng bị cáo buộc lợi dụng quá mức các chức vụ khác nhau để biển thủ công quỹ, tìm kiếm lợi nhuận cho người khác trong các vấn đề như thăng tiến công việc và vay vốn, đồng thời nhận về một số tiền đặc biệt lớn cũng như các vật có giá trị từ người khác.

Tuyên bố của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết, các công tố viên đã thông báo cho bị cáo về quyền hợp pháp và nghe ý kiến của luật sư bào chữa.

Cơ quan công tố cho rằng, cựu quan chức này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô và nhận hối lộ.

Tang Shuangning, 69 tuổi, trở thành Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy Tập đoàn China Everbright - một tập đoàn tài chính nhà nước vào tháng 6/2007. Trước đó, ông từng giữ chức phó chủ tịch cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu Trung Quốc vào năm 2003. Ông Tang nghỉ hưu vào tháng 12/2017.

Tang Shuangning bị điều tra vào tháng 7 năm 2023, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bắt giữ vào tháng 1 năm 2024 vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, pháp luật.

Trong tuyên bố ngày 6/1, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc, ông Tang Shuangning không thực hiện chức trách nhiệm vụ và nhận hối lộ.

Cách đây hơn 10 năm, cái tên Tang Shuangning đã được chú ý trong một cuộc điều tra tham nhũng của Cơ quan Giám sát Thị trường chứng khoán Mỹ (SEC).

Năm 2013, SEC đã tiến hành điều tra Ngân hàng JP Morgan Chase (của Mỹ), vì nghi ngờ tuyển dụng con của một số quan chức trong ngành Tài chính Trung Quốc, trong đó có con trai của Tang Shuangning, nhằm giành được hợp đồng kinh doanh ở đất nước này.

Cụ thể, Ngân hàng JP Morgan Chase đã tuyển dụng Tang Xiaoning và sau đó, đã giành được một loạt hợp đồng với Tập đoàn China Everbright.

leftcenterrightdel
 China Everbright Group - một tập đoàn tài chính nhà nước là tâm điểm của bê bối tham nhũng. Ảnh: caixinglobal

Liên quan tới Tập đoàn China Everbright, người kế nhiệm của Tang Shuangning là Li Xiaopeng (giữ chức Chủ tịch Tập đoàn từ 2017 đến 2022) cũng đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái và bị bắt giữ do "vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật".

Kết quả điều tra cho thấy, Li Xiaopeng đã nhận quà và tiền, đồng thời "tìm cách cản trở cuộc điều tra về vụ án".

Vụ việc của Tang Shuangning được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành một chiến dịch tăng cường nhằm loại bỏ các quan chức tham nhũng trong lĩnh vực tài chính.

Gần đây nhất, trong cuộc họp về công tác kiểm tra kỷ luật quốc gia ngày 08/04, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc Lý Hy đã nhấn mạnh tăng cường giám sát và kiểm tra, tập trung vào các lợi ích cơ bản nhất của đất nước.

Hoạt động kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ quan liên quan đến công tác kinh tế và thể chế tài chính. Cuộc họp  xác định đợt kiểm tra kỷ luật thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX sẽ nhằm vào cấp ủy Đảng và các cơ quan ban ngành, tổ chức tài chính như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên...
Ngọc Anh