Thông báo về việc thành lập cơ quan giám sát chống tham nhũng mới được đưa ra vài ngày sau khi Bắc Kinh kết thúc Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 15 - 18/7/2024) dưới sự chủ trì của Bộ Chính trị. Hội nghị có sự tham dự của 199 ủy viên chính thức và 165 ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hội nghị đã bế mạc hôm 18/7 với việc công bố hàng trăm mục tiêu chính sách trong 5 năm tới, bao gồm cả việc “đưa tất cả các hoạt động tài chính vào dưới sự giám sát”.

Trong bài đăng ngày 22/7 trên trang web của CCDI cho biết, một cơ quan chống tham nhũng mới được thành lập tập trung vào lĩnh vực tài chính.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ CCDI cho hay, ông Wang Weidong, 56 tuổi, nguyên là lãnh đạo chống tham nhũng ở Tây Tạng, trở thành Bí thư Đảng ủy của “Ủy ban Công tác kiểm tra kỷ luật và giám sát tài chính Trung ương”.

Theo bài viết trên trang web của CCDI, ông Wang Weidong cam kết, cơ quan kiểm tra kỷ luật và giám sát mới sẽ “kiên quyết gánh vác trách nhiệm chính trị”, đảm bảo lĩnh vực tài chính của đất nước tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của Đảng.

Trang web của CCDI dẫn lời ông Wang cho biết: “[Chúng tôi sẽ] tăng cường giám sát chính trị là ưu tiên hàng đầu… tập trung vào việc thực hiện các quyết định và thỏa thuận quan trọng của Ủy ban Trung ương Đảng về công tác tài chính”.

“[Chúng tôi sẽ] nhanh chóng phát hiện ra bất kỳ sai lệch nào [so với các quyết định của Đảng và] cố gắng thực hiện các biện pháp chấn chỉnh”.

leftcenterrightdel
 Ông Wang Weidong, 56 tuổi, nguyên là lãnh đạo chống tham nhũng ở Tây Tạng, được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy của “Ủy ban Công tác kiểm tra kỷ luật và giám sát tài chính Trung ương”. Ảnh: weibo/SCMP

Theo SCMP, ông Wang là người gốc Sơn Tây, tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại Đại học Tài chính và Kinh tế Đông Bắc năm 1991.

Ông Wang đã trải qua hai thập kỷ rưỡi đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình tại cơ quan quản lý Văn phòng Chính phủ Quốc gia trực thuộc Hội đồng Nhà nước.

Ông rời cơ quan này vào năm 2016 và bắt đầu giữ chức vụ Phó Tổng Thư ký CCDI trong 3 năm.

Từ tháng 5/2019 cho đến tháng 3 năm nay, ông là lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật khu vực Tây Tạng trước khi trở lại CCDI trong vai trò giám sát lĩnh vực tài chính.

Cùng với việc công bố các kế hoạch sâu rộng nhằm tăng cường tài chính cho các chính quyền địa phương khó khăn, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì còn tuyên bố sẽ “đưa mọi hoạt động tài chính vào dưới sự giám sát” bằng cách tạo ra luật tài chính mới.

Hội nghị cũng cam kết nỗ lực hơn nữa để trấn áp tham nhũng ở những khu vực có “quyền lực tập trung, nguồn vốn dồi dào và nguồn lực phong phú”.

Thời gian qua, việc giải quyết nạn tham nhũng trong lĩnh vực tài chính được chính quyền Trung Quốc chú trọng, đây cùng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của CCDI 2 năm gần đây.

Kết quả, CCDI đã bắt giữ hơn 100 giám đốc điều hành tài chính cấp cao vào năm ngoái và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này trong năm nay để thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm làm trong sạch khu vực tài chính của Trung Quốc, biến quốc gia này thành một “siêu cường tài chính”.

Theo thống kê của SCMP, tổng cộng có 32 nhà quản lý tài chính, chủ ngân hàng và giám đốc tài chính cấp cao của Trung Quốc đã bị bắt giữ trong 6 tháng đầu năm nay.

Ngày 23/7, CCDI và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp để truyền đạt và nghiên cứu tinh thần của Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX.

Tại đây, ông Lý Hy, Bí thư CCDI nhấn mạnh, các cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát là lực lượng quan trọng thúc đẩy sự quản lý toàn diện, chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và gánh vác những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa kiểu Trung Quốc.

Bởi vậy, các cơ quan kiểm tra kỷ luật, giám sát phải nghiên cứu, thực hiện đầy đủ, chính xác, toàn diện tinh thần của Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX; coi đây là nhiệm vụ chính trị lớn hiện nay và trong giai đoạn sắp tới; tăng cường lãnh đạo tổ chức, sắp xếp, triển khai thận trọng, bảo đảm việc rút kinh nghiệm được thực hiện một cách kỹ lưỡng và chi tiết.


Hoài Phương