Cơ quan giám sát chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc đã điều tra 4 “hổ lớn” từ các lĩnh vực bao gồm an ninh, tài chính và doanh nghiệp nhà nước trong tuần qua.

Điều này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của quốc gia trong việc tiếp tục nỗ lực tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 19/3 cho biết.

Thời báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 19/3 dẫn lời các chuyên gia trong nước lưu ý, lĩnh vực tài chính và y tế sẽ trở thành mục tiêu chính của chiến dịch chống tham nhũng năm nay, và cường độ cao của chiến dịch cho thấy sẽ có nhiều quan chức cấp cao bị điều tra hơn so với những năm trước.

4 công chức cấp cao bao gồm cựu quan chức chống khủng bố cấp Thứ trưởng đầu tiên của Bộ Công an Lưu Dược Tiến (Liu Yuejin), cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Trung Quốc Lý Cát Bình (Li Jiping), cựu Tổng Giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) Lý Dũng (Li Yong) và Phó chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Nhân đại tỉnh Hắc Long Giang Lý Hiển Cương (Li Xiangang), theo báo cáo được cơ quan truyền thông chính thức của CCDI công bố hôm 19/3.

Trong đó, Lưu Dược Tiến, 65 tuổi, là quan chức cấp cao đầu tiên của hệ thống công an bị cách chức sau khi kết thúc 2 kỳ họp Nhân đại và Chính hiệp toàn quốc.

Lưu Dược Tiến có thời gian dài phục vụ trong lực lượng công an. Từ tháng 12/2015 đến tháng 6/2020, ông trở thành ủy viên chuyên trách chống khủng bố đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay của Bộ Công an, tương đương cấp Thứ trưởng và được xếp vào đội ngũ lãnh đạo Bộ Công an.

Từ năm 2018 - 2023, ông là Ủy viên Chính hiệp toàn quốc và ủy viên Ủy ban Đối ngoại. Trước đó, vào tháng 6/2020, thông tin về ông đã không còn trên trang web của Bộ Công an, cho thấy ông đã nghỉ công tác tại đây.

Theo CCDI và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc, Lưu Dược Tiến bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng và pháp luật.

Với việc gọi tên Lưu Dược Tiến, số lượng quan chức cấp cao của Trung Quốc do trung ương quản lý bị điều tra vào năm 2024 đã tăng lên 13 người.

Những ngày gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, Điền Vĩ (Tian Wei), một viện sĩ hàn lâm của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là cựu Giám đốc bệnh viện hàng đầu Trung Quốc, Bệnh viện Tích Thủy Đàm Bắc Kinh, đang bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng.

leftcenterrightdel
Điền Vĩ (Tian Wei) - viện sĩ hàn lâm của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và cựu Giám đốc Bệnh viện Tích Thủy Đàm Bắc Kinh. Ảnh: VCG 

Vụ án của Điền Vĩ được cho là liên quan đến một số tiền đáng kể, là một “vụ án mang tính bước ngoặt” trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Theo nguồn tin của tờ Economic Observer (trụ sở tại Bắc Kinh), ông Điền Vĩ bị bắt vào ngày 12/3. Khi tiến hành lục soát trong 6 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng tìm thấy hơn 300 triệu nhân dân tệ tiền mặt (hơn 1.000 tỉ đồng) tại nhà ông này.

Nhiều người trong ngành y cho biết, ông Điền Vĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực chỉnh hình và là một trong những chuyên gia nổi tiếng trong chuyên ngành này.

Báo cáo của CCDI ngày 19/3 viết: “Tham nhũng là căn bệnh ung thư lớn nhất làm suy yếu sức sống và hiệu quả của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chống tham nhũng là cuộc tự cách mạng triệt để nhất”.

Cũng trong ngày 19/3, Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch Lưới trời - "Sky Net 2024", nhằm truy đuổi các quan chức trốn chạy và thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.

Các biện pháp bao gồm trấn áp việc sử dụng các công ty nước ngoài và mạng lưới chuyển tiền ngầm để giấu tiền bất hợp pháp; tiến hành các hoạt động đặc biệt để truy tìm, thu hồi tài sản trong trường hợp nghi phạm và bị cáo bỏ trốn, cùng những trường hợp khác.

"Chiến dịch chống tham nhũng năm nay có cường độ mạnh mẽ, bất kể những đóng góp trước đây của các cá nhân tham nhũng. Dù người đó là ai hay đã đạt được thành tựu gì trong quá khứ, sẽ không có sự khoan hồng. Điều này sẽ đóng vai trò răn đe đáng kể đối với những kẻ phạm tội tiềm năng", Tang Renwu, Hiệu trưởng Trường Quản trị của Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nói với Global Times hôm 19/3.

Ông Tang Renwu cho biết, các hành động thể hiện cam kết của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thực hiện chiến dịch chống tham nhũng đến cùng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Đây là một khía cạnh rất quan trọng trong việc củng cố nền tảng cầm quyền của Đảng.

Ông Tang cho rằng, dựa trên xu hướng hiện nay, số lượng công chức tham nhũng bị nhắm đến trong năm nay có thể vượt quá con số năm 2023.

Năm ngoái, các cơ quan kiểm tra, giám sát kỷ luật quốc gia đã xử lý hơn 1,7 triệu thông tin; đã lập hồ sơ 626.000 vụ án; điều tra, bắt giữ 26.000 cá nhân, xử lý kỷ luật đảng hoặc hành chính 610.000 người. 17.000 kẻ hối lộ cũng đã bị điều tra.

Trong số 610.000 cá nhân bị xử lý kỷ luật có 49 người là quan chức cấp tỉnh, cấp bộ, theo báo cáo của CCDI ngày 19/3.

Một tuyên bố được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX thông qua vào ngày 10/1 đã chỉ ra một số lĩnh vực mục tiêu chính cho năm 2024, bao gồm lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp nhà nước, trường đại học, thể thao, thuốc lá, y dược, mua sắm và tiếp thị ngũ cốc, thống kê.

Ông Tang Renwu tin rằng tài chính là một lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm. Có một số vấn đề sâu xa tồn tại trong lĩnh vực này và tham nhũng tài chính có tác động lớn đến sự ổn định xã hội.

Theo dữ liệu công khai, hơn 100 quan chức trong hệ thống tài chính Trung Quốc đã bị xem xét kỷ luật vào năm 2023, liên quan đến các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán.

Các chuyên gia lưu ý rằng, một mục tiêu khác sẽ là y tế và giáo dục, lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến sinh kế của người dân.

Ngoài ra, với những vụ việc trong vài năm qua, sẽ dẫn đến những cuộc điều tra sâu rộng hơn vào những vấn đề phức tạp hơn trong năm nay, có thể liên quan đến những người đã nghỉ hưu từ lâu, dính líu đến nhiều lĩnh vực.

Báo cáo của CCDI cũng cho biết, bất chấp những thành tựu to lớn đạt được trong vài năm qua, tình hình tham nhũng của Trung Quốc vẫn nghiêm trọng và phức tạp.

Các nhóm và phe phái vẫn là mối đe dọa đối với an ninh chính trị, trong khi việc biển thủ lợi ích chính sách cản trở công tác thực hiện các quyết sách lớn.

Thêm vào đó, sự hình thành các nhóm lợi ích giữa Chính phủ và doanh nghiệp đã dẫn đến tham nhũng trong khu vực, với các phương tiện tham nhũng ngày càng được che giấu tinh vi.
Ngọc Anh