Theo Hãng tin Yonhap, ông Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ (DP - đảng đối lập chính của Hàn Quốc), bắt đầu tuyệt thực vào ngày 31/8 trong một căn lều trước Quốc hội, để phản đối cái mà ông gọi là Chính phủ "bất tài và bạo lực" của Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Các chính sách của Chính phủ mà ông phản đối bao gồm quản lý yếu kém về kinh tế, những mối đe dọa đối với quyền tự do báo chí và không phản đối việc xả thải Fukushima, cùng nhiều lý do khác.

Ông Lee đã chuyển địa điểm tuyệt thực vào bên trong văn phòng của mình vào ngày 13/9 khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn.

Vào ngày 17/9, các quan chức Đảng Dân chủ đã gọi xe cấp cứu đến tòa nhà chính của Quốc hội theo đề nghị của các bác sĩ để nhanh chóng đưa ông Lee đến bệnh viện.

Tuy nhiên, các nhân viên y tế và xe cứu thương đã trở về sau khi ông Lee từ chối cấp cứu và nhất quyết tiếp tục tuyệt thực.

Đảng Dân chủ cho biết, lãnh đạo của họ đã phải nhập viện cấp cứu do suy kiệt sau 19 ngày tuyệt thực.

Ông Lee gần như bất tỉnh sau khi lượng đường trong máu giảm mạnh và được đưa đến bệnh viện gần đó lúc 7h10 sáng 18/9.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Người phát ngôn Đảng Dân chủ Park Sung-joon cho biết, không rõ liệu ông Lee có thể tiếp tục nhịn ăn hay không và đảng có kế hoạch theo dõi chặt chẽ tình trạng của ông sau khi các biện pháp khẩn cấp được thực hiện.

Kim Gi-hyeon, người đứng đầu Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền, đã kêu gọi ông Lee ngừng nhịn ăn, nói rằng sẵn sàng nói chuyện với lãnh đạo phe đối lập về các vấn đề chính sách.

Đảng Quyền lực Quốc dân bày tỏ lấy làm tiếc vì sự việc và mong muốn ông Lee nhanh chóng bình phục, đồng thời hối thúc ông trở lại Quốc hội để tập trung lo các vấn đề sinh kế cho người dân.

leftcenterrightdel
Ông Lee Jae-myung, lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc, phát biểu tại cuộc mít tinh vận động tranh cử Tổng thống ở Seoul ngày 8/3/2022. Ảnh: REUTERS/Kim Hong-Ji 

Ông Lee Jae-myung từng là Thị trưởng thành phố Seongnam từ năm 2010 - 2018.

Hành động tuyệt thực của ông Lee diễn ra trong bối cảnh bản thân ông đang bị điều tra về các cáo buộc tham nhũng.

Cũng trong ngày 18/9, vài giờ sau khi ông Lee được chuyển đến bệnh viện, cơ quan công tố cho biết, đã đề xuất lệnh bắt giữ ông Lee với các tội danh hối lộ, lợi dụng tín nhiệm và các cáo buộc khác xung quanh vụ bê bối phát triển bất động sản khi ông còn là Thị trưởng Seongnam.

Các công tố viên cho biết, ông Lee bị cáo buộc vi phạm liên quan đến khoản lỗ 20 tỷ won (15 triệu USD) do Tập đoàn Phát triển Seongnam gây ra trong thời gian ông làm thị trưởng.

Ông cũng bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến một công ty bị nghi ngờ chuyển tiền bất hợp pháp 8 triệu USD sang Triều Tiên, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2019 đến tháng 1/2020, thay mặt cho tỉnh Gyeonggi.

Tại đó, cơ quan công tố nghi ngờ rằng 3 triệu USD đã được dùng để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến thăm Bình Nhưỡng theo kế hoạch của ông Lee, trong khi phần còn lại dành cho chương trình hỗ trợ trang trại thông minh của tỉnh Gyeonggi ở Triều Tiên.

Ông cũng bị cáo buộc đã cung cấp các ưu đãi cho một nhà phát triển tư nhân đối với dự án bất động sản ở quận Baekhyeon-dong, thành phố Seongnam.

Bên cạnh đó là cáo buộc hối lộ xung quanh những khoản tài trợ của công ty cho Câu lạc bộ Bóng đá thành phố Seongnam FC và các cáo buộc tham nhũng phát sinh từ một dự án phát triển khác trong nhiệm kỳ thị trưởng của ông.

Ông Lee đã phủ nhận mọi hành vi sai trái, gọi các cáo buộc là "bịa đặt" và các cuộc điều tra mang động cơ chính trị.

Tòa án Seoul cần Quốc hội gồm 300 thành viên, nơi Đảng Dân chủ chiếm đa số, tước bỏ quyền miễn trừ bắt giữ đối với ông Lee để xem xét đề xuất của cơ quan công tố.

Trước đó, hồi tháng 2, Quốc hội đã bác bỏ đề nghị của các công tố viên về lệnh bắt giữ ông Lee.
Ngọc Anh