Chiến lược tập trung vào hiệu quả của các nỗ lực phòng chống tham nhũng cũng như cải thiện quản trị, tính liêm chính trong cơ quan quản lý dịch vụ công và các công ty liên quan đến Chính phủ.

Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (BERNAMA) cho biết, Chiến lược quốc gia chống tham nhũng 2024-2028, thay thế Kế hoạch Chống tham nhũng quốc gia 2019-2023. Đây là một phần quan trọng trong chương trình cải cách của Malaysia nhằm vạch ra các chiến lược cốt lõi một cách toàn diện trong nỗ lực chống tham nhũng ở nước này.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim cho biết, không nên coi nhẹ nạn tham nhũng và tất cả các bên, bao gồm cả người dân, cần đóng vai trò giải quyết vấn đề này.

"Bạn cần luật pháp và luật pháp mạnh mẽ để bảo vệ. Sâu sắc hơn, bạn cần có ý chí và định hướng chính trị rõ ràng", Thủ tướng nói và cho rằng, ngoài Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC), các cơ quan thực thi khác cũng phải có vai trò quan trọng trong việc chống tham nhũng.

“Khi chúng tôi khởi động chương trình nghị sự này, tất nhiên trụ cột vẫn là MACC, nhưng cũng có sự tham gia của Cục Thuế nội địa, Cảnh sát Hoàng gia Malaysia, Cục Di trú, Cục Hải quan và các cơ quan khác".

Theo người đứng đầu Malaysia, các cơ quan nêu trên cần hành động để đảm bảo đất nước này sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ, mà thay vào đó phải quyết tâm hơn trong việc chống tham nhũng.

Ông Anwar Ibrahim nói: “Tôi tin tưởng vào ông Azam [Chủ tịch MACC] và MACC - những người đã được ủy nhiệm và hỗ trợ để chống tham nhũng… bất kể cấp bậc và địa vị của kẻ sai phạm. Họ chống tham nhũng để người dân có được một thông điệp rõ ràng”.

Thủ tướng cho biết, Malaysia không thể được cứu và số phận của người dân không thể được bảo vệ nếu những người nắm quyền, công chức và các cơ quan thực thi cảm thấy có quyền khai thác của cải và quản lý công việc theo "luật rừng".

Cũng theo nhà lãnh đạo Malaysia, mặc dù có những bên đang cố gắng ngăn cản nỗ lực của MACC trong việc chống lại những đối tượng bị nghi ngờ tham nhũng, nhưng trách nhiệm của tất cả mọi người, kể cả thế hệ trẻ, là cứu đất nước và bảo vệ cuộc sống của người dân.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim (người mặc áo trắng) công bố Chiến lược quốc gia chống tham nhũng 2024-2028 tại Putrajaya, ngày 7/5/2024. Ảnh: NSTP/MOHD FADLI HAMZAH 

Ông cũng cho biết, bản thân bị sốc khi biết đất nước thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm do rò rỉ và tham nhũng. “Hãy nghĩ về những vấn đề xóa đói giảm nghèo, trường học, bệnh viện và cơ sở công cộng đổ nát, cũng như số phận của ngư dân, tiểu điền cao su và nông dân trồng lúa… Chúng ta có thể giải quyết hầu hết mọi thứ nếu cứu được đất nước khỏi sự tham lam và lạm dụng quyền lực, địa vị không kiểm soát được", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, “để chống tham nhũng, bạn cần một lực lượng mạnh mẽ, tận tâm và can đảm. Để chống tham nhũng, bạn cần có luật pháp mạnh mẽ”.

Ông Anwar bày tỏ, người dân đang bất an và căm ghét vấn đề tham nhũng trong nước, nhưng không thể phủ nhận rằng vẫn còn một số ít người bảo vệ việc lạm dụng quyền lực vì những người liên quan đều thuộc các nhóm cấp cao, có ảnh hưởng.

Coi trọng tiếng nói của người dân, Thủ tướng Malaysia cho biết, những đóng góp của người dân có thể định hình và tác động đến các chính sách của Chính phủ cũng như cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các quan chức thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu các nhà chức trách cần phải táo bạo, dũng cảm và hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người, lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, cần có những phần thưởng và ưu đãi phù hợp cho cán bộ, công chức hoặc người dân hợp tác để đảm bảo sự thành công của các nỗ lực chống tham nhũng.

5 chiến lược chính được nêu trong Chiến lược quốc gia chống tham nhũng 2024-2028 là giáo dục, trách nhiệm giải trình, tiếng nói, thực thi và khuyến khích, với 60 chiến lược phụ sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm (bao gồm: chính trị gia, hành chính công, mua sắm Chính phủ, thực thi pháp luật, các tổ chức pháp lý và tư pháp, khu vực tư nhân và công chúng).

Malaysia được đánh giá là có nhiều cải thiện trong cuộc chiến chống tham nhũng. Quốc gia này đã tăng 4 bậc (từ 61 lên 57) và đạt điểm cao hơn (từ 47 lên 50) về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố hồi cuối tháng 1/2024.
Hoài Phương