Chống tham nhũng là yêu cầu hàng đầu đối với Ukraine để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Hồi tháng 6 năm ngoái - 4 tháng sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra, trong một động thái mang tính biểu tượng cao, EU đã trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập khối.

EU đã đặt ra 7 điều kiện, bao gồm cải cách tư pháp và kiềm chế nạn tham nhũng, để khởi động các cuộc đàm phán về việc gia nhập.

Ukraine đang thực hiện một gói cải cách "từ sự độc lập của ngành Tư pháp đến chống tham nhũng, từ quyền thiểu số đến tự do truyền thông", Chủ tịch EC von der Leyen cho biết trong một sự kiện ở New York, Mỹ, ngày 21/7.

"Tôi phải nói rằng, thật đáng kinh ngạc khi thấy Ukraine đang thực hiện những cải cách này một cách nhanh chóng và quyết tâm như thế nào, bất chấp xung đột. Họ đang bảo vệ đất nước và đang cải cách", bà von der Leyen nói, nhưng không đề cập cụ thể nỗ lực gia nhập khối 27 quốc gia của Ukraine hay chỉ ra bất kỳ biện pháp cải cách cụ thể nào mà bà đang nhắc đến.

Các quan chức cấp cao của EU tháng trước cho biết, Ukraine đang đạt được tiến bộ trong cải cách chính trị để mở đường cho các cuộc đàm phán về tư cách thành viên nhưng vẫn cần đạt được tiến bộ trong 5 lĩnh vực quan trọng.

Một sự kiện lạc quan khác, tháng trước, IMF đã mở một đợt gói cứu trợ trị giá 890 triệu USD dựa trên "tiến bộ mạnh mẽ" của Ukraine trong việc đáp ứng các cam kết cải cách, nhưng cho biết các biện pháp chống tham nhũng và minh bạch khác "cần được tiến hành ngay, không được chậm trễ".

Hồi tháng 5, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đến Thủ đô Kiev của Ukraine trong chuyến đi thứ 5 của bà tới nước này kể từ khi xảy ra xung đột Ukraine - Nga hồi tháng 2/2022.

Đây được xem là chuyến đi mang tính biểu tượng cho mối quan hệ Ukraine - EU do trùng với "Ngày châu Âu" (9/5) - ngày đánh dấu sự ra đời và hình thành của EU. Chuyến thăm tập trung vào thảo luận nỗ lực của Ukraine nhằm đạt được tư cách thành viên EU.

leftcenterrightdel
 Ukraine có nhiều nỗ lực chống tham nhũng với quyết tâm gia nhập EU. Trong ảnh: Tiền do Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) tìm thấy trong cuộc điều tra tại Tòa án Tối cao. Nguồn: Dịch vụ Báo chí của NABU

EU đang tích cực hỗ trợ Chính phủ Ukraine thúc đẩy cải cách tư pháp và chống tham nhũng nhằm tiến tới việc gia nhập khối.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, con đường trở thành thành viên EU của Ukraine còn gập ghềnh và có thể phải đợi nhiều năm nữa.

EC sẽ đưa ra báo cáo đánh giá chính thức vào mùa thu tới. Nếu báo cáo tích cực, nó có thể thúc đẩy giới lãnh đạo EU nhất trí khởi động đàm phán vào tháng 12.

Tuy nhiên, việc gia nhập EU, ngay cả với nước không có xung đột và nền kinh tế phát triển hơn, cũng đã là quá trình khó khăn và đòi hỏi nhiều năm nỗ lực nhằm đáp ứng tiêu chí của EU. Trong khi, bản thân EU cũng đang phải đối mặt với bài toán riêng về cải tổ chi tiêu và thay đổi cách ra quyết định nếu họ mở rộng liên minh.

Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, việc kết nạp thêm thành viên đòi hỏi phải sắp xếp lại khối, khi các thành viên có mức độ hội nhập kinh tế và chính trị khác nhau.

Fabian Zuleeg, Giám đốc Điều hành Trung tâm Chính sách châu Âu, nhóm nghiên cứu tại Brussels, cho rằng: "Chúng ta có niềm tin chung rằng kết nạp Ukraine vào EU là điều rất quan trọng về mặt địa chính trị, song không đồng nghĩa nó sẽ xảy ra. Chưa có kế hoạch thực tế nào được thảo luận".

Hồi tháng 6, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune khẳng định, việc Ukraine gia nhập EU có thể mất nhiều năm, nhắc lại lập trường Kiev phải tuân thủ mọi tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không chấp nhận đặc cách.

Hoài Phương