Sự kiện kéo dài 4 ngày (từ 6 - 10/5/2024) với chủ đề "Tăng cường hoàn thiện thể chế và thúc đẩy tính minh bạch: Một biện pháp chống tham nhũng ở Khối Thịnh vượng chung Châu Phi", thu hút hơn 120 đại biểu.

Hội nghị do Ban Thư ký Khối Thịnh vượng chung và Chính phủ Ghana phối hợp tổ chức, quy tụ các thành viên của Hiệp hội Các cơ quan chống tham nhũng ở Khối Thịnh vượng chung Châu Phi, các quan chức chính phủ cấp cao, các tổ chức quốc tế có liên quan, các nhà hoạch định chính sách và các đối tác phát triển để giải quyết những ưu tiên chính nhằm đạt được Mục tiêu phát triển bền vững 16 (SDG16).

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt, thảo luận về tác động của tham nhũng đối với sự phát triển bền vững ở Châu Phi cũng như các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Hội nghị được tổ chức hàng năm kể từ khi thành lập Hiệp hội Các cơ quan chống tham nhũng ở Khối Thịnh vượng chung Châu Phi vào năm 2011. Hiệp hội thúc đẩy sự hợp tác, học hỏi và chia sẻ các kinh nghiệm tốt nhất giữa các quốc gia thành viên. Điều này tăng cường hợp tác khu vực, giúp các chính phủ phát triển và thực hiện các chiến lược chống tham nhũng hiệu quả.

Hội nghị thường niên năm nay tại Ghana có sự tham gia của các đại diện từ Botswana, Kenya, Namibia, Nam Phi, Eswatini, Malawi, Rwanda, Togo, Gabon, Mauritius, Seychelles, Uganda, Ghana, Sierra Leone, Mozambique, Zambia…

Bà Maame Yaa Addo-Danquah, Giám đốc Điều hành của Văn phòng về tội phạm kinh tế và có tổ chức (EOCO) trong cuộc họp báo trước sự kiện cho biết, Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo là diễn giả chính trong buổi khai mạc và Phó Tổng thống Ghana, Tiến sĩ Mahamudu Bawumia sẽ có bài phát biểu về số hóa như một công cụ chống tham nhũng, báo hiệu sự sẵn sàng của Ghana trong việc tận dụng công nghệ trong các nỗ lực chống tham nhũng của mình.

Đây là lần thứ hai Ghana đăng cai sự kiện quan trọng này và có sự tham dự của các bên liên quan khác như các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và các đối tác quốc tế.

Bà Addo-Danquah cũng tái khẳng định những thành tựu của Ghana trong việc thúc đẩy tính liêm chính và trách nhiệm giải trình trên lục địa, từ đó tạo tiền đề cho hành động hợp tác chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
21 nước châu Phi hội tụ tại Accra, Ghana để tham dự Hội nghị khu vực lần thứ 14, diễn ra từ ngày 6 - 10/5/2024, dành cho người đứng đầu các cơ quan chống tham nhũng. Ảnh: thecommonwealth.org 

Kể từ năm 2011, tổng cộng 13 cuộc họp đã được tổ chức.

Vào năm 2023, một hội nghị được tổ chức tại Mahe, Seychelles với chủ đề “Thống nhất Khối Thịnh vượng chung châu Phi trong cuộc chiến chống tham nhũng” và được Tổng thống Wavel Ramkalawan của Cộng hòa Seychelles chính thức khai mạc.

Năm 2022, Hội nghị Khu vực lần thứ 12 được tổ chức tại Thủ đô Kigali, Rwanda với chủ đề “Chống tham nhũng vì quản trị nhà nước tốt và phát triển bền vững ở Châu Phi”.

Các hội nghị đều đã khẳng định tham nhũng tác động mạnh mẽ tới kinh tế và phá hủy nền chính trị. Muốn chiến đấu với tham nhũng cần có sự can đảm.

Theo bà Patricia Scotland, Tổng Thư ký Khối Thịnh vượng chung: “Vấn nạn này không phải là điều không thể tránh khỏi, vì vậy chúng ta nên chủ động ngăn chặn. Không đơn giản chỉ để thực hiện mục tiêu giảm tham nhũng, hối lộ và dòng tài chính bất hợp pháp đặt ra trong Mục tiêu phát triển bền vững 16, mà là bởi nếu không giải quyết tham nhũng thì chúng ta không thể thực hiện bất kỳ mục tiêu phát triển bền vững nào”.

Trên toàn cầu, tham nhũng đã dẫn đến những dòng tài chính bất hợp pháp, gây thiệt hại khoảng 1,26 nghìn tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển.

Châu Phi mất hơn 50 tỷ USD mỗi năm bởi các dòng chảy bất hợp pháp, tương đương với tất cả các hỗ trợ phát triển chính thức hàng năm cung cấp cho lục địa này.

Sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” cũng đã tổng kết rằng, Tiểu vùng Sahara châu Phi đã nhận được gần 2 nghìn tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và hỗ trợ phát triển chính thức từ năm 1980 đến năm 2018, nhưng đã mất hơn 1 nghìn tỷ USD cho dòng chảy tài chính bất hợp pháp.
Ngọc Anh