Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ HTQT với PV Báo Thanh tra nhân dịp đầu xuân!

Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của công tác này, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra vào ngày 12/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã nêu 6 bài học quý, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, phải tăng cường HTQT về PCTN.

+ Một năm mới đã đến! Cho đến thời điểm này, để nói về công tác HTQT về PCTN trong năm 2020 gói gọn trong 10 từ, ông muốn nói điều gì?

- Ông Nguyễn Tuấn Anh: Chuyển biến tích cực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

+ Điều đó có “quá sức” không khi dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống trong năm qua, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tuấn Anh: Năm 2020 là năm có bối cảnh đặc biệt do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, dẫn đến việc nhiều hoạt động hợp tác theo kế hoạch hoạt động đối ngoại đã được phê duyệt, đặc biệt là các hoạt động hợp tác song phương, không thực hiện được. Điều này đặt công tác hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ trước yêu cầu phải nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” để đảm bảo duy trì thông suốt các quan hệ hợp tác đã được thiết lập và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên của các tổ chức, cơ chế, diễn đàn hợp tác mà Thanh tra Chính phủ là thành viên hoặc là đại diện của Việt Nam tham gia với tư cách thành viên.

Việc chuyển đổi sang hình thức hội họp trực tuyến một cách nhanh chóng và dần đi vào ổn định đã cho thấy sự chủ động, tính năng động của các công chức làm công tác HTQT và sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

Khẳng định trên được thể hiện rõ nét qua việc Thanh tra Chính phủ đăng cai tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 16 của ASEAN-PAC thông qua hình thức hội nghị trực tuyến, trong vai trò Chủ tịch ASEAN-PAC nhiệm kỳ 2020 - 2021; phối hợp với đối tác Pháp tổ chức thành công 2 hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm của Pháp về kê khai tài sản, thu nhập của công chức; tham gia trên 20 cuộc họp trực tuyến trong nhiều khuôn khổ hợp tác khác nhau, gồm: UNCAC, Nhóm Công tác về chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC (ACTWG), G20, Nhóm Các cơ quan PCTN khu vực Đông Nam Á (ASEAN-PAC), Sáng kiến Chống tham nhũng châu Á - Thái Bình Dương…

Ngoài ra, cũng trong năm 2020, việc Thanh tra Chính phủ và Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (PACD) ký nâng cấp thành công Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực PCTN, mở ra cơ hội hợp tác trong đào tạo cán bộ và thiết lập quan hệ ở cấp địa phương, đã đưa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan bước vào thời kỳ phát triển mới, góp phần vào thành công của năm kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

leftcenterrightdel
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (bìa phải) đón tiếp và làm việc với Đoàn Đại biểu cấp cao PACD do Chủ tịch PACD dẫn đầu sang thăm, làm việc và ký nâng cấp Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực PCTN giữa hai cơ quan (từ ngày 17-19/2/2020). Ảnh: HTQT 
 

+ Khép lại một năm còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng những kết quả HTQT về PCTN đạt được là đáng khích lệ với sự ghi nhận của bạn bè quốc tế. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những kết quả này?

- Ông Nguyễn Tuấn Anh: Trong năm 2020, Vụ HTQT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm làm cho hoạt động hợp tác quốc tế của Thanh tra Chính phủ nhanh chóng thích ứng với tình hình mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, đảm bảo duy trì sự tham gia tích cực, đầy đủ, có trách nhiệm của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn hợp tác song phương, đa phương về thanh tra, PCTN. Nổi bật là:

Thứ nhất, tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến ASEAN-PAC trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN-PAC (2020 - 2021) của Thanh tra Chính phủ vào ngày 9/12/2020 với chủ đề “Quản trị tốt góp phần PCTN hiệu quả” và sự tham gia của 68 đại biểu là người đứng đầu, người đại diện đến từ cơ quan PCTN của 10 quốc gia ASEAN và 3 tổ chức quốc tế.

Tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép; đồng thời nêu lên những thách thức và sự cần thiết của việc thúc đẩy quản trị tốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh PCTN. Với vai trò Chủ tịch Nhóm luân phiên, Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã điều hành thông qua Biên bản Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 15, Điều khoản tham chiếu sửa đổi của ASEAN-PAC, Dự thảo Kế hoạch công tác của Nhóm giai đoạn 2020 - 2022, logo của Nhóm theo đề xuất từ Thanh tra Chính phủ Việt Nam, thống nhất sự cần thiết và những nội dung chính sửa đổi Bản Ghi nhớ về việc thành lập Nhóm và cùng trao đổi, chia sẻ những tiến triển về công tác PCTN của mỗi quốc gia trong thời gian qua. Kết quả của hội nghị đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của các đại biểu tham dự về đăng cai tổ chức và chủ trì nội dung.

Thứ hai, triển khai có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ thực thi UNCAC, góp phần khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên trong khuôn khổ hợp tác đa phương quan trọng nhất về PCTN hiện nay trên phạm vi toàn cầu.

Nổi bật là việc hoàn tất quá trình đánh giá thực thi Công ước của Việt Nam trong Chu trình đánh giá thứ 2 và tổ chức công tác đánh giá việc thực thi UNCAC đối với Cộng hòa Áo (đối với Chương 2 về các biện pháp phòng ngừa và Chương 5 về thu hồi tài sản). Đồng thời, tham gia tích cực và trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác đa phương khác về PCTN, điển hình là ACTWG, Sáng kiến ADB/OECD, AOA…

leftcenterrightdel
 Tại Hội nghị ASEAN-PAC, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép; đồng thời nêu lên những thách thức và sự cần thiết của việc thúc đẩy quản trị tốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh PCTN. Ảnh: HTQT
 

Thứ ba, phối hợp với các đối tác song phương và đa phương triển khai một số hoạt động hợp tác gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, đặc biệt là trong thực hiện pháp luật về PCTN.

Trong năm 2020, Vụ HTQT đã chủ động tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ thúc đẩy quan hệ hợp tác với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cơ quan Cấp cao về kiểm soát minh bạch công - cơ quan quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn tại Pháp tổ chức 2 khóa tập huấn trực tuyến với các nội dung trao đổi về mô hình và kỹ năng tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập theo tiến độ triển khai công tác này ở Việt Nam. Chủ đề của 2 khóa tập huấn tập trung vào tổ chức và hoạt động của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Vụ HTQT phối hợp với Ngân hàng Thế giới lựa chọn kinh nghiệm quốc tế tốt để biên soạn tài liệu giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về PCTN; phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra, Cơ quan Chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức hội thảo tập huấn về xử lý nguy cơ tham nhũng trong đấu thầu cho cán bộ thanh tra cấp tỉnh và Trung ương và Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về phòng ngừa và ứng phó với tham nhũng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thứ tư, tổ chức đón tiếp và làm liệc với Đoàn Đại biểu cấp cao PACD do Chủ tịch PACD dẫn đầu sang thăm làm việc và ký nâng cấp Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực PCTN giữa hai cơ quan (từ ngày 17-19/2/2020):

Điểm mới của Bản Ghi nhớ này là việc hai bên cam kết hợp tác về đào tạo cán bộ và hỗ trợ nhau trong việc thúc đẩy thiết lập quan hệ hợp tác về PCTN ở cấp địa phương. Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất sẽ nâng cấp, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thông qua việc tổ chức các hoạt động chung ở cả 2 quốc gia như tiến hành các nghiên cứu, tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học về PCTN với sự tham gia của các chuyên gia đến từ 2 cơ quan, hoạt động bồi dưỡng và đặc biệt là trao đổi, ủng hộ quan điểm của nhau tại các diễn đàn hợp tác đa phương về PCTN.

leftcenterrightdel
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh (thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Vụ HTQT tại Hội nghị ASEAN-PAC. Ảnh: HTQT 

 

+ Trong năm 2021, Thanh tra Chính phủ sẽ làm gì để góp phần làm sâu sắc hơn nữa và nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới về PCTN, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tuấn Anh: Trong năm 2021, hoạt động đối ngoại của Thanh tra Chính phủ tiếp tục hướng tới mục tiêu củng cố, tăng cường các quan hệ đối tác song phương đã được thiết lập và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về PCTN, qua đó góp phần làm sâu sắc hơn nữa và nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Trong đó, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các cơ quan đối tác thuộc các nước thành viên ASEAN để giúp Thanh tra Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN-PAC 2020-2021; đồng thời, trao đổi đề xuất thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác của mỗi cơ quan (như để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài).

Năm 2021, Vụ HTQT tham mưu Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức các hội thảo, tập huấn trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm về PCTN đến từ các cơ quan đối tác của Pháp, Hàn Quốc, Ngân hàng Thế giới, UNODC... đặc biệt là trọng tâm vào những yêu cầu xây dựng năng lực cán bộ để triển khai các nhiệm vụ về PCTN, như kỹ năng tiến hành xác minh tài sản, thu nhập; quản lý bản kê khai...

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ HTQT. Ảnh: HTQT 
 

Chú trọng đến công tác chuẩn bị, phối hợp với UNODC, các bộ, ngành và cơ quan hữu quan của Việt Nam để chủ trì đăng cai tổ chức thành công Cuộc họp Ban Thư ký ASEAN-PAC lần thứ 17 và hội thảo bên lề với chủ đề “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” với sự tham gia của dự kiến 70 đại biểu đến từ các cơ quan thành viên ASEAN-PAC và các tổ chức quốc tế vào đầu qúy III. Đây là cơ hội quý báu để Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam có dịp chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập từ các bạn đồng nghiệp đến từ các quốc gia trong khu vực và các chuyên gia có kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ UNCAC, đặc biệt là chủ động nghiên cứu nội dung bình luận, khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế đối với Báo cáo Đánh giá thực thi UNCAC của Việt Nam để tham mưu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi các giải pháp PCTN, gắn với triển khai Luật PCTN năm 2018; tiếp tục phối hợp với các chuyên gia Đức hoàn thành việc đánh giá thực thi UNCAC đối với Áo.

Tham dự tích cực, hiệu quả và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên đối với các cơ chế HTQT và khu vực về PCTN mà Chính phủ Việt Nam hoặc Thanh tra Chính phủ là thành viên, bao gồm: Sáng kiến ADB/OECD về PCTN khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ACTWG; Mạng lưới chống tham nhũng và minh bạch APEC (ACT-NET); Hiệp hội Thanh tra châu Á (AOA).

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Anh (Thực hiện)