Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định tại báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021 (từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/7/2021), công tác PCTN trên địa bàn thời gian qua tiếp tục được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, bài bản, có hiệu quả hơn so với trước. Tình hình tiêu cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, tự kiểm tra nội bộ đã tập trung trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn có nguy cơ phát sinh tham nhũng. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được tiến hành khẩn trương, đúng tiến độ, đúng pháp luật. Hiệu quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn một số mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần chấn chỉnh, khắc phục đó là: Hiệu quả công tác phổ biến, tuyên tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN nhìn chung chưa cao so với yêu cầu. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa tập trung chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong kế hoạch công tác PCTN hằng năm. Việc triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN năm 2018 còn lúng túng, nhất là việc triển khai áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế...

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên là do: Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về PCTN của cơ quan thanh tra cấp sở và cấp huyện chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình thực tiễn do thiếu biên chế chuyên trách. Việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN đối với người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới tuy có quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao so với yêu cầu. Một số quy định mới của Luật PCTN năm 2018 chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng.

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân

 Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, có hiệu quả các hoạt động trọng tâm thực hiện Đề án 861/TTg trong năm 2021. Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Đề án 861/TTg trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021 - 2022. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về PCTN theo quy định.

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN

Chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, bảo đảm có hiệu quả các nhiệm vụ, biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trọng tâm là biện pháp phòng ngừa đã được quy định cụ thể trong Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Gắn việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng với việc quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.

Người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành phải gương mẫu, quyết liệt, coi trách nhiệm chỉ đạo công tác PCTN là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý nghiêm các trường hợp thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, giám sát, kiểm tra để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, điều tra phát hiện, xử lý các vụ việc, người có hành vi tham nhũng

Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thanh tra theo kế hoạch; kịp thời chỉ đạo thanh tra đột xuất những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chỉ đạo xem xét, giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ người phát hiện, người tố giác, người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chú trọng thực hiện thường xuyên công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Thực hiện kiên quyết các biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng.

Tăng cường quản lý Nhà nước; quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có liên quan; phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể, cơ quan báo chí và nhân dân trong PCTN

Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCTN, tập trung vào việc ban hành văn bản chỉ đạo; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

Tăng cường quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác PCTN, nhất là trong việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đồng thời chú trọng thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan chuyên trách về PCTN.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận, các đoàn thể, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và nhân dân giám sát, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo quy định của pháp luật.


Huyền Anh