Ngày 28/2, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng kiểm tra các bộ, ngành trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Các Bộ trưởng vào cuộc chưa đều

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt vấn đề, đà của cải cách đang làm rất tốt, tạo ra động lực mạnh cho sự phát triển. Nhưng các đề xuất phải chuyển sang cắt giảm thực sự.

“Chúng ta có vẻ đã thấy phấn khởi rồi, nhưng phấn khởi sướng râm ran lâu lắm, không thích. Nếu chúng ta dừng lại thì việc lấy lại đà sẽ rất khó. Như Thủ tướng nói, nếu cỗ xe phát triển đã bắt đầu chuyển động mà dừng lại thì rất nguy hiểm”, ông Thiên nói và cho rằng, kết quả đạt được thời gian qua mới chỉ là nền tảng cơ bản.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn bày tỏ băn khoăn khi việc cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) rất chậm.

“Tại sao lại chậm, ở đây có vấn đề gì về lợi ích không? Có câu chuyện TTHC không tốt vẫn được duy trì hay không?” ông Thiên đặt loạt câu hỏi và đề nghị Tổ Công tác cùng các bộ “mổ xẻ” vấn đề này bởi TTHC vẫn là khâu gây nặng nề cho doanh nghiệp nhiều.

Cũng theo ông Thiên, cần làm rõ trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để không thể trì hoãn được việc cải cách, tránh việc đá bóng lên, đá bóng xuống.

“Tôi đi địa phương nhiều có tình trạng trên trải thảm đẹp lắm nhưng dưới lại rải đinh nhiều. Đến tỉnh nào cũng nói kiên quyết phải nhổ từng cái đinh một, nhỗ đến cái đinh cuối cùng, nhưng đinh đóng rồi khó nhổ lắm, và còn phụ thuộc trên có cho nhổ đinh hay không.

Chúng ta hì hục gỡ những cái do chúng ta tạo ra và coi đó là thành tích vĩ đại thì không được. Không làm được là nguy hiểm, còn làm được là bình thường và phải làm được”, ông Thiên nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: TN

Đồng ý các bộ bắt đầu cải cách, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, chưa đồng đều, phần lớn còn đang dừng lại ở  “có phương án”, có “ý tưởng” mà chưa có phương án cụ thể.

"Ở đâu có lãnh đạo bộ, đặc biệt là Bộ trưởng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, thì ở đó có kết quả tốt, chuyển biến nhanh. Có nghĩa, các Bộ trưởng vào cuộc chưa đồng đều. Chúng ta điểm lại để biết Bộ nào đang ở đâu, ngành nào đang ở đâu, biết được Bộ nào quyết liệt, quyết tâm thực sự”.

Ông Cung dẫn, Bộ Công thương rất quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng từ khi bắt đầu chuyển động đến khi ra được nghị định cũng phải mất 6-7 tháng. Mà chỉ khi có nghị định thì xã hội mới được hưởng, nếu không vẫn chỉ là các phương án.

“Nếu không làm nhanh thì đến cuối năm cũng chỉ có một vài Bộ làm được”, Viện trưởng CIEM sốt ruột, “Tổ công tác và các Bộ cần chuyển động nhanh hơn, cường độ mạnh hơn tới lúc đó mới đạt được kết quả”.

Theo ông Cung, thay đổi này, không có nghĩa là bỏ quản lý Nhà nước mà là thay đổi phương pháp, phương thức quản lý Nhà nước.

Không được cài cắm câu chữ bẫy doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chỉ ra, kiểm tra chuyên ngành còn nhiều, chồng chéo, nhiêu khê nhưng phát hiện vi phạm, sai phạm thông qua kiểm tra chuyên ngành lại rất ít (chỉ 0,16%).

“Một doanh nghiệp đôi khi phải chạy từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh rồi lại ra Hà Nội làm thủ tục”, ông Thừa nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho hay, ngay cả khi năm 2018 đã giảm được thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ trên 30% xuống 15% thì tỉ lệ này vẫn cao hơn trung bình các nước là 7%.

Toàn cảnh buổi kiểm tra. Ảnh: TN

Phát biểu tại kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, năm 2018, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu tập trung đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, rất chú trọng nâng cao năng suất lao động, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương với tinh thần cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục, danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

Trong năm 2017, một số bộ đã cắt giảm rất tốt. Nhưng một số bộ mới công bố cắt giảm mà chưa có giải pháp cụ thể. Số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng đã giảm so với trước đây, song vẫn còn khá nhiều.

Nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng, cụ thể, như yêu cầu “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đạo đức tốt’, “phải có trình độ”, “phải sạch sẽ”, “phải thoáng mát”… gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Chúng ta tránh việc các quy định về điều kiện kinh doanh cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nói là họ bị bẫy, cơ quan chức năng vui vẻ thì qua, không vui thì bắt ngay cũng được. Vậy nên cần xem xét, có hướng sửa cho việc này”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tinh thần là không mở toang cửa, vẫn phải bảo đảm an ninh, quốc phòng, sức khỏe con người… nhưng không vì thế mà ràng buộc, trói buộc doanh nghiệp bằng những điều kiện không cần thiết.

Ông Dũng cũng cho hay, từ 15/3, Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể tại từng bộ, ngành và lần này sẽ xuống tận huyện, tận địa phương, bởi sự nhiêu khê của thủ tục nó nằm ở nhiều ngóc ngách lắm.

"Chúng ta phải dẹp bỏ các văn bản 'núp bóng' để tạo ra các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh phải chủ yếu nằm ở các nghị định hướng dẫn thi hành luật, hạn chế triệt để việc ban hành các thông tư", Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh.

Hương Giang