Không phải cưỡi ngựa, xem hoa

+ PV: Thời gian đầu thực hiện nhiệm vụ, Tổ Công tác của Thủ tướng chịu sức ép rất lớn từ các bộ, ngành, thậm chí, các bộ có ý kiến “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?”. Đến nay, câu chuyện đó còn diễn ra không, thưa ông?

Ông Mai Tiến Dũng: Có thể nói, nhiệm vụ của Tổ Công tác của Chính phủ rất khó, rất nặng nề, rất nhạy cảm, chưa có tiền lệ, chưa có thông lệ và cũng chưa có quy định.

Câu chuyện “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi?” là đắn đo, suy nghĩ rất lớn mà trước khi thực hiện việc kiểm tra của Tổ công tác, chúng tôi đã lường trước được rồi.

Cho nên, khi thực hiện, chúng tôi nói rõ rằng, đây là nhiệm vụ Thủ tướng giao, Tổ Công tác không có thẩm quyền phê bình Bộ trưởng mà chỉ chuyển tải thông điệp, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tới Bộ trưởng.

Tổ Công tác không phải là cơ quan thanh tra, kiểm tra, không mang tính bới móc, soi mói mà cùng nhau phối hợp, tìm ra lý do chưa hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo Thủ tướng điều chỉnh, bổ sung để tổ chức thực hiện tốt hơn.

Sau một thời gian ngắn, các Bộ trưởng khác rất mong mỏi Tổ công tác về giúp cho Bộ. Việc truyền tải chỉ đạo của Thủ tướng cũng tạo ra động lực, chỉ đạo quyết liệt hơn của Bộ trưởng và có sức lan tỏa rất tốt.

Câu chuyện “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra, phê bình tôi” giờ đã lãng quên rồi, không còn trong ký ức nữa.

+ PV: Khi giao nhiệm vụ cho Tổ công tác hơn một năm trước, Thủ tướng yêu cầu, phải bắn trúng đích chứ không phải bắn chỉ thiên. Hơn 1 năm qua, theo đánh giá của Bộ trưởng, công việc của Tổ công tác đã bắn trúng đích chưa?

Ông Mai Tiến Dũng: Thời gian qua, việc đó đã đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng. Có thể nói, anh kiểm tra không phải cưỡi ngựa, xem hoa mà kiểm tra có mục tiêu theo từng thời kỳ. Ví dụ đầu tiên khi thành lập Chính phủ mới thì cái quan trọng nhất là phải rà soát lại thể chế.

Giữa năm 2017, khi Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Tổ công tác đi xuống các tập đoàn kinh tế Nhà nước, địa phương để cùng với các đơn vị tháo gỡ vướng mắc.

Tháng 8/2017, Chính phủ có nghị quyết về cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan, Tổ công tác đã làm việc với ngành Hải quan, đi thực tế tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và các bộ ngành có liên quan đến thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Qua kiểm tra chuyên ngành cho thấy, đã bắn đúng chỗ, đi đúng đường. Tức là, trước khi đi kiểm tra, chúng tôi phải nghiên cứu kiểm tra chuyên ngành thế nào? Thủ tướng rất công khai, minh bạch, có cơ quan báo chí và cộng đồng doanh nghiệp đi cùng, nếu Tổ Công tác nói sai, kiểm tra sai thì không được. Còn đã kiểm tra đúng rồi thì yêu cầu các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc.

Tất nhiên chúng tôi mong muốn làm rất nhiều nhưng thời gian chỉ mới có hơn 1 năm thôi. Có thể nói, với sự cố gắng của tập thể Tổ công tác, sự giúp đỡ của các bộ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác đã được phát huy và dần dần hoàn thiện hơn.

Cán bộ không có khả năng, mạnh dạn điều chuyển

+ PV: Thủ tướng từng nói, Chính phủ kiến tạo phải thay ngay những cán bộ không làm được việc? Bộ trưởng cũng nói, văn bản chậm cứ thay người là chạy nhanh. Sau hơn 1 năm hoạt động của Tổ Công tác, Bộ trưởng đã bao giờ tính đến việc phải có chế tài, kiến nghị thay người?

Ông Mai Tiến Dũng: Văn bản chậm, hiệu quả công tác kém là có hai vấn đề. Một là, năng lực của anh giỏi lại đảo đi, đảo lại, đánh võng. Hai là, anh kém. Vì vậy, nếu chúng ta đã giáo dục chính trị tư tưởng, nhắc nhở mà không được thì bắt buộc phải điều chuyển.

Ngay cả Văn phòng Chính phủ thường xuyên có Tổ Công tác của Bộ trưởng thanh tra, kiểm tra công vụ. Vừa qua, tôi cũng đã sắp xếp điều chuyển một số cán bộ.

Trước đây giao cho anh này từng này nhiệm vụ, nếu không làm được thì giảm bớt nhiệm vụ, giảm cũng không được thì chuyển sang việc khác. Anh có năng lực làm tốt thể chế thì phải tạo điều kiện về khu vực xây dựng thể chế. Anh giỏi về đối ngoại, ngoại ngữ, giao tiếp… thì đưa vào khu vực đối ngoại.  

Cán bộ không có khả năng thì nên mạnh dạn điều chuyển. Chúng tôi làm trên tinh thần rất công tâm, khách quan và công khai.

Thủ tướng nói xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Văn phòng Chính phủ không đáp ứng được yêu cầu của Thủ tướng thì không còn là văn phòng tham mưu cho Thủ tướng nữa, mà không cẩn thận thành rào cản là không được.

Văn phòng Chính phủ cũng quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá tất cả cán bộ, vì đã ứng dụng công nghệ thông tin thì không thể giấu diếm được, ngày nào làm gì đều có lưu vết trên công nghệ thông tin.

Đánh giá công tâm, cán bộ sẽ tự gắn trách nhiệm mà không cần đôn đốc, quẹt thẻ. Hiện cán bộ văn phòng làm việc rất tự giác, đến 9-10h đêm điện vẫn sáng, ngày nghỉ hầu như các vụ đều làm việc.

+ PV:  Còn cá nhân ông, làm việc bên cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - một người rất năng động, đi thực tế địa phương rất nhiều, ông có bao giờ cảm thấy quá tải, áp lực?

Ông Mai Tiến Dũng: Khi được Quốc hội phê chuẩn, gặp báo chí tôi có nói, đây là công việc áp lực lớn. Cho nên, tôi quyết tâm là nắm bắt ngay công việc từ đầu, tạo sự đoàn kết thống nhất của cơ quan nhưng phải đổi mới, không thể khác được.

Thủ tướng quyết tâm như thế thì Văn phòng Chính phủ không thể khác được. Chúng tôi nói với nhau là phải xây dựng Văn phòng Chính phủ hiện đại, chuyên nghiệp, không cần nhiều người, không đao to búa lớn nhưng công việc phải hiệu quả, làm sao tạo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

So với Văn phòng Chính phủ năm 2016 với năm 2017 có tốt không, các bạn cứ đánh giá khách quan. Ngay cả kênh tương tác Chính phủ với người dân, khi trả lời không đúng, người dân có thể chấm điểm, cho điểm 0. Chúng tôi cũng đang viết lại phần mềm này trên trang doanh nghiệp với Chính phủ để doanh nghiệp chấm điểm, đánh giá khách quan.

Còn áp lực không chỉ riêng tôi mà tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều áp lực vì 1 Chính phủ hành động. Hành động là cả hệ thống chứ không phải riêng tôi. Tôi chỉ là hạt cát trong biển cát.

+ PV:  Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tổ Công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra 2 - 3 cơ quan mỗi tháng

Theo kế hoạch vừa được ban hành, năm 2018, mỗi tháng, Tổ Công tác của Thủ tướng sẽ kiểm tra từ 2-3 Bộ, cơ quan, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty. Sau đó, Tổ sẽ xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, gửi xin ý kiến các thành viên và hoàn thiện báo cáo từ ngày 23-28 hàng tháng.

Tổ công tác báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện; những vấn đề lớn có thể được Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp.

Tổ công tác sẽ tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến xây dựng thể chế, xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018.

Cùng với đó, tập trung đôn đốc, kiểm tra các bộ quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh (cắt giảm 50% so với hiện nay) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và các kết luận của Tổ công tác…

Hương Giang