Kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm rất ít

Tại buổi làm việc, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, hiện nay, phần lớn vẫn chủ yếu kiểm tra tiền kiểm, thủ tục kiểm tra còn nhiều bất hợp lý, chồng chéo. Như quy định kiểm dịch thú ý vẫn áp vào thực phẩm đóng gói. Điều này không phù hợp với Luật An toàn thực phẩm. Cho nên, cần bãi bõ quy định này.

Tranh luận lại, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong (Bộ Y tế) cho biết, quá trình sửa đổi kiểm tra chuyên ngành có sản phẩm chồng chéo giữa y tế, nông nghiệp, công thương. “Luật An toàn thực phẩm không quy định kiểm dịch nhưng trong Luật Thú y lại quy định. Bộ Y tế không thể bắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thực hiện”, ông Phong nói.

Còn để thực hiện hậu kiểm, theo ông Phong phải có 2 yếu tố. Một là, ý thức chấp hành pháp luật; hai là, lực lượng quản lý như ở Nhật Bản.

Nhưng “Nhật Bản làm gì có bơm tạp chất vào tôm, làm gì có rau 2 luống, lợn hai chuồng, làm gì có lợn xề thành thịt bò… Ý thức chấp hành pháp luật chúng ta không thể so sánh được”, ông Phong so sánh tiếp, về nguồn lực Nhật Bản có 12 nghìn thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, chỉ ra lượng tiền khổng lồ lấy mẫu để tiến hành hậu kiểm, xét nghiệm. Trong khi, Việt Nam lực lượng chỉ có 400 người, kinh phí khó khăn.

Theo Cục trưởng Phong, Nhà nước tạo điều kiện cho DN là đúng nhưng nếu tư vấn không đúng phải chịu hậu quả.

 

Một năm doanh nghiệp (DN) mất 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỉ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành. Nhiều mặt hàng hai bộ cùng kiểm tra, mà không bao giờ đi cùng nhau, cứ "bộ này về, bộ kia mới đến".
Nghe vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng, “không phải đến mức như thế đâu, Cục trưởng ạ. Cũng không nên bao biện quá chuyện ấy. Mình phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu. Nếu tốt như thế thì DN chả phải kêu”.

 

Theo Bộ trưởng, ở đây muốn nói đến việc kiểm tra còn chồng chéo, kiểm tra nhiều nhưng phát hiện vi phạm lại rất ít, chứ không phải “thả cửa không kiểm soát cho dịch bệnh vào”. “Anh nói anh làm nhiều, anh phát hiện ra bao nhiêu phần trăm, anh biết không? Anh công bố cho báo chí đi”, ông Dũng lưu ý, quan trọng là từ thực tế để phát hiện những bất cập, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung luật, nghị định, thông tư…

DN phản ứng với 5 không

“Bộ Y tế hoàn toàn không bao biện”, Cục trưởng An toàn thực phẩm phân trần, những gì ông trao đổi dựa trên nguyên tắc thẳng thẳn, quyết liệt, đúng thì xử lý. “Ngay khi đi xe máy có nhắn tin tôi cũng dừng lại để trả lời. Cục cũng chỉ làm được đến thế, yêu cầu của DN lớn, có kiến nghị đúng thì xem xét sửa đổi, có kiến nghị không thể đáp ứng”, ông Phong nói.

Về thông tin mặt hàng Chocolate “cõng” đến 13 giấy phép, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tỏ ra bất ngờ. “Tôi không hiểu thông tin này từ đâu. Còn nguyên liệu DN tự kê khai”.

 

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong (Bộ Y tế): Ảnh: TN 

 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, thực phẩm đóng gói nhập khẩu, các nhà sản xuất bên ngoài đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn rồi không phải nhóm bơm tạp chất vào đây.

“Còn sử dụng rau 2, 3 luống, bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để viện giải rằng là sử dụng thủ tục này là cần thiết thì theo tôi cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo vệ cho việc này không gắn với nhau”, ông Cung phản bác.

Viện trưởng Viện CIEM cho biết, thủ tục này DN kêu đã 5 năm rồi. “Tôi cho là phàn nàn của họ là đúng, hoàn toàn chính xác”, ông Cũng nhấn mạnh, phản ứng của DN với thủ tục kiểm tra chuyên ngành xoay quanh 5 không: Không hợp pháp hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ Quốc tế.

Phân tích rõ hơn, theo TS Cung, không minh bạch thể hiện ở chỗ thủ tục quy định bao nhiêu hồ sơ, khi nộp nhân viên thụ lý yêu cầu nhiều hồ sơ khác ngoài quy định. Ví dụ như yêu cầu hợp đồng dán nhãn tiếng Việt, những yêu cầu đó không liên quan gì đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không để “bộ này về, bộ kia mới đến”

“Anh Cung nói không phù hợp với thông lệ quốc tế thì tôi đã có báo cáo rồi, duy nhất Nhật Bản và một số nước phát triển châu Âu, trong ASEAN có Singapore đúng là không có việc tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Còn lại tất cả từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm. Nên không thể nói là không phù hợp với thông lệ quốc tế”, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tranh luận lại.

 

Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Nhật Bắc

 

Ông Phong nói tiếp, “còn nói không minh bạch, yêu cầu dán nhãn bằng tiếng Việt, khi có phản ánh như thế chúng tôi đã yêu cầu cụ thể thế nào, nếu đúng như vậy thì xử lý nghiêm, ai yêu cầu như thế, nhưng chúng tôi cũng không nhận được phản hồi”. Đồng thời cho hay, những gì ông nêu ra là để “chia sẻ, cơ quan quản lý Nhà nước cực kỳ áp lực”. Cục trưởng An toàn thực phẩm đề nghị, Tổ công tác đưa ra phương thức thay đổi phù hợp hơn.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, các bộ, ngành có nhiều đổi mới, sáng tạo, thực hiện rất quyết liệt, nhưng áp lực chi phí cho DN quá lớn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính để giảm chi phí chính thức và không chính thức.

Theo Bộ trưởng, các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản theo hướng 1 văn bản điều chỉnh kiểm tra nhiều mặt hàng thay vì 1 mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản; rà soát, thu hẹp danh mục, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; công khai, minh bạch; tiến tới quy định rõ mặt hàng nào kiểm tra tiền kiểm, mặt hàng nào kiểm tra hậu kiểm. “Nên mạnh dạn chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Chứ cứ lo cái này, lo cái kia, lo nhiều quá, chúng ta ốm mất”, ông Dũng nói.

Cùng với đó, không độc quyền trong kiểm định, giám định nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; khắc phục tình trạng 1 mặt hàng nhiều bộ kiểm tra chuyên ngành. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Tổ Công tác sẽ đề xuất, 1 mặt hàng chỉ 1 bộ chủ trì kiểm tra và chịu trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành để vừa không phải “bộ này về, bộ kia đến”, vừa giảm chi phí, thời gian cho DN….

 

Kén tằm, hạt hướng dương cũng 2 bộ kiểm tra

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, áp lực chi phí của DN (DN) rất lớn. Riêng để kiểm tra chuyên ngành, hàng năm, DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng.

Đáng nói, còn rất nhiều thủ tục chồng chéo. Tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2 - 3 lần chiếm 58%, trong 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại kiểm tra 3 lần. Thậm chí, một mặt hàng chocolate “cõng” đến 13 loại giấy phép. Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải 2 bộ kiểm tra hay có những mặt hàng phải thực hiện theo 4 văn bản của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn.

“Như vậy có hợp lý không? Tôi nghĩ DN làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng”, Bộ trưởng cho rằng, có rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý.

Ông Dũng còn chỉ ra tình trạng độc quyền trong đánh giá xuất nhập khẩu “Có những bộ chỉ giao cho 1 cơ quan kiểm định, giám định. Từ đó cho thấy chi phí kiểm định rất lớn, hàng hóa phải vận chuyển từ bắc vào nam, từ nam ra bắc để kiểm định, giám định”, Bộ trưởng lưu ý thêm, chúng ta kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ 0,1%.

 

 

Thảo Nguyên