Chiều ngày 14/2, tiếp tục chương trình phiên họp 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023.

Khiếu nại, tố cáo có chiều hướng tăng

Thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an.

Theo ông Bình, trong 2 tháng, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng so với kỳ báo cáo trước.

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 962 lượt với 2.201 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 960 vụ việc, trong đó có 557 vụ việc khiếu nại, 93 vụ việc tố cáo, 310 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 56 lượt đoàn đông người.

“Tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp”, ông Bình nhấn mạnh và cho hay, trong kỳ báo cáo có 7 đoàn đông người phức tạp khiếu kiện tại Trung ương. Đáng chú ý có khiếu nại đông người của nhóm khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Vẫn theo ông Bình, trong tháng 12/2022 và tháng 01/2023, tại một số địa phương đã xảy ra 11 vụ việc vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Trong đó, nổi lên 3 vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự cần các cơ quan chính quyền địa phương có giải pháp để giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Đề cập đến công tác tiếp công dân của Quốc hội, ông Bình thông tin, trong 2 tháng, các cơ quan đã tiếp 690 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 687 vụ việc và có 27 lượt đoàn đông người.

Qua tiếp công dân, các cơ quan của Quốc hội đã ban hành văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với 85 vụ việc; hướng dẫn bằng văn bản 41 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 561 vụ việc.

Trước tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp dân, xử lý đơn thư, Ban Dân nguyện kiến nghị đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành cần chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự.

“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ban Dân nguyện, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, khảo sát để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định của pháp luật về dự án điện gió, nhất là quy định về điều kiện an toàn, quy định về bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dự án để đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, chủ đầu tư và người dân bị ảnh hưởng của dự án”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nói. 

Sớm có kết luận vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Dân nguyện đề nghị tiếp tục quan tâm, chỉ đạo một số nội dung.

Trong đó, chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp Trung ương và các cơ quan liên quan sớm có kết luận đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hoàn trả tiền mua trái phiếu của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Phú Thọ khẩn trương giải quyết dứt điểm 3 vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho hay, các cơ quan tố tụng đang tập trung giải quyết vụ án liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.

“Những vụ việc này đang được cơ quan tố tụng tiến hành theo đúng quy định, trình tự pháp luật, trong đó có giải quyết quyền lợi của người tham gia mua trái phiếu của các doanh nghiệp này”, ông Hùng nói.

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị người dân bình tĩnh chờ cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động tố tụng giải quyết thấu đáo các vấn đề phát sinh trong vấn đề này.

Hương Giang