Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức cho biết, thực hiện Quy định 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại (KN), tố cáo (TC) của người dân trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị đã từng bước được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Đặc biệt, việc kiểm tra giám sát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành, đơn vị đã chủ động việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự.

TP đã tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, KN, TC của dân.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Quang Đức cho biết, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiến hành làm việc, đối thoại, tiếp công dân theo quy định, trong đó trực tiếp tiếp 22 vụ việc với người dân.

Đây là các vụ việc được người dân khiếu kiện kéo dài, có tính chất điển hình, các gia đình chính sách thương binh liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.

Một số vụ việc tiếp công dân điển hình sau rất nhiều năm mới được giải quyết đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng của nhân dân.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng đã đối thoại 15 kỳ cuộc với đông đảo quần chúng nhân dân tại các hội nghị đối thoại với các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và các cơ quan doanh nghiệp, tầng lớp trí thức trên địa bàn TP… Các ý kiến đã được Bí thư Thành ủy phúc đáp, giải quyết ngay tại các hội nghị.

Đối với các cấp ủy, các ngành TP, các đơn vị đã chủ động phân công và công khai lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo.

Đồng thời, tổ chức đối thoại, vận động thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ bức xúc của nhân dân, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý, giải quyết KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân.

Các bí thư cấp ủy đã thực hiện tốt công tác tiếp dân theo quy định. Nhiều kiến nghị của công dân đã được lãnh đạo cấp ủy địa phương giải quyết kịp thời…

Theo thống kê, qua 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tổng số cuộc tiếp dân định kỳ, đột xuất/số lượt công dân được tiếp tại các đơn vị là: Cấp xã 117.232/657.986; cấp huyện 41.407/57.234; cấp TP 11.519/16.633.

Trong thời gian báo cáo, người đứng đầu, cấp ủy các cấp đã thụ lý giải quyết 72.317 vụ việc thuộc thẩm quyền. Trong đó, đã giải quyết 71.526 vụ việc.

Phản ánh, kiến nghị của công dân ngày càng phức tạp

leftcenterrightdel
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức báo cáo tại hội nghị. Ảnh: V.T 

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy, tình hình phản ánh, kiến nghị của công dân ngày càng phức tạp, khối lượng đơn thư trên địa bàn TP phát sinh nhiều.

Do đặc thù Hà Nội có tốc độ đô thị hoá nhanh, việc thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội tăng nhanh, dẫn đến nhiều đơn thư liên quan đến các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải phóng mặt bằng...

Để nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết đơn thư, thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong thực hiện công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, giải quyết KN, TC.

Cùng với đó, tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc.

Đồng thời, chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; không để hình thành, phát sinh "điểm nóng" về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân với tinh thần chủ động, kịp thời, thấu đáo, sâu sát...

Kịp thời theo dõi phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng, trì hoãn, kéo dài, thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong công tác xử lý đơn thư, tiếp công dân, có dấu hiệu biểu hiện tiêu cực, trục lợi.

TP cũng chú trọng các vụ việc khiếu kiện kéo dài còn tồn đọng ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương, vụ việc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh trật tự, các vụ việc về đền bù giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, xây dựng, bãi xe, nghĩa trang, rác thải, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong công tác này...

Cũng trong hội nghị sáng nay, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã tập trung xem xét công tác cán bộ và lần đầu tiên cho ý kiến về một số nội dung liên quan Đại hội Đảng bộ TP khóa XVIII.

Liên quan việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ.

Qua đánh giá kết quả ban đầu có thể thấy các mục tiêu của nghị quyết đã đúng và trúng với yêu cầu đang đặt ra. Công tác cán bộ bước đầu đã có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng đổi mới, nền nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy còn tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm, khắc phục.

Vì vậy, Bí thư Thành ủy yêu cầu phải có những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những giải pháp khắc phục hạn chế và những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cán bộ để có thể triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy. 

Hải Hà