Mới đây, nhiều công nhân Giày Sài Gòn cho hay, tại tòa, Giày Sài Gòn đã chấp thuận bồi thường cho mỗi công nhân 7 triệu đồng, ngoài tiền trợ cấp mất việc. “Số tiền không phải là nhiều nhưng đó là danh dự của chúng tôi, chúng tôi đã  nộp đơn ra tòa buộc Giày Sài Gòn phải bồi thường, vì 2 năm vất vả mới đòi được tiền trợ cấp”, chị Trang - công nhân Giày Sài Gòn cho biết.

Trao đổi với báo chí, luật sư Trần Văn Đôn (Đoàn Luật sư TP HCM), người tự nguyện hỗ trợ pháp lý miễn phí cho hàng trăm công nhân của Giày Sài Gòn cho biết, Công ty Giày Sài Gòn vừa phải buộc bồi thường danh dự cho hàng trăm công nhân với tổng số tiền lên tới cả trăm triệu đồng.

Theo luật sư Đôn, cuối năm 2015, hàng trăm công nhân Giày Sài Gòn bị cho nghỉ việc. Sau khi bị mất việc, công nhân không nhận được tiền trợ cấp dù đã nhiều lần kiên nhẫn đi đòi. Chỉ cho đến khi hàng trăm lá đơn được nộp ra toà, Giày Sài Gòn mới chịu trả. 

Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian trả tiền gần 2 năm trời khiến không ít công nhân bị tổn hại tinh thần, sức khỏe và danh dự. Bởi đa phần những người gắn bó với công ty đều có thâm niên từ 30 thậm chí 40 năm, bỗng chốc bị mất việc. Bị mất việc nhưng vẫn không được bồi thường nên phải đi đòi như là đi xin. Vì thế mới có chuyện công nhân tiếp tục nộp đơn ra toà để đòi bồi thường tiền chậm trả, vì đó là tiền danh dự.

Giày Sài Gòn là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa từ năm 2015, tiền thân là Công ty Giày Ba Ta thuộc Bộ Công nghiệp cũ. Công ty được sử dụng hơn 10.000m2 đất tại số 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TP HCM. Theo hợp đồng thuê của Nhà nước, với giá 100.000 đồng/m2/năm, tức mỗi tháng chưa đến 10.000 đồng/m2. Giá thuê này được áp dụng từ năm 2007, giữ nguyên đến nay.

Nhẽ ra, khu đất vàng sẽ tạo công ăn, việc làm cho hàng ngàn lao động. Nhưng cuối năm 2015, công ty này đã cho toàn bộ công nhân nghỉ việc, chỉ giữ lại khoảng 16 nhân viên, đồng thời bán thanh lý máy móc thiết bị.

Dù có những ưu đãi lớn từ Nhà nước nhưng Giày Sài Gòn không hoạt động kinh doanh, chỉ sống nhờ nguồn thu cho thuê địa điểm. Trong 2 năm 2016 và 2017, Giày Sài Gòn lại vướng nhiều sai phạm như nợ thuế đất, sử dụng đất Nhà nước cho thuê trái phép. Cùng với khoản nợ tiền thuê đất, nợ ngân hàng, Giày Sài Gòn rơi vào tình cảnh thua lỗ ba năm liên tiếp, âm vốn chủ sở hữu và nợ nần. 

Điều đáng nói, trong khi nguồn lực đất đai đang khan hiếm thì  khu đất này lại sử dụng sai mục đích không hiệu quả gây thất thoát lớn cho ngân sách TP HCM.

Đối với những doanh nghiệp đã được Nhà nước giao đất nhưng không đủ năng lực, sử dụng  không hiệu quả, không đúng mục đích, cho thuê lại thu lợi… đồng nghĩa với việc gây thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên đất của Nhà nước.

 Làm sao để tránh lãng phí? Câu trả lời thuộc về cơ quan chức năng.

Nghiêm Lan