Họa vô đơn chí

Ông Căn cho biết, ông nhận được Giấy báo số 279/GB-CTHADS đề ngày 22/8/2023 của Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình đề nghị có mặt kho phân bón thành phố (đường Trần Quang Khải); khu văn phòng làm việc, cửa hàng tại số 196 đường Lý Thường Kiệt; kho Hiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ; kho Việt Yên, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà; kho Vân Am, xã Thụy Quỳnh vào các ngày 24 và 25/8 để tiến hành xác minh THA.

Ông Ngô Văn Cao - người được ông Vũ Khắc Căn ủy quyền có mặt phối hợp cùng thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Căn, cơ quan THA vẫn thông báo 1 đường thực hiện 1 nẻo. Nội dung biên bản được lập không đúng với thực tế xác minh, người bị THA không được đọc lại nội dung biên bản; ý kiến của người bị THA không được ghi nhận…

Điểm b, c khoản 2 Điều 65 Nghị định 82/2020/NĐ- CP quy định về hành vi vi phạm quy định của thừa phát lại trong lĩnh vực THA dân sự:

b, Xác minh điều kiện THA không đầy đủ nội dung cần xác minh hoặc không đúng đối tượng, không đúng địa điểm theo quy định;

c, Biên bản xác minh điều kiện THA lập không đúng quy định.  
Trong khi cơ quan THA chưa làm rõ việc ông Căn phải bàn giao những gì thì ngày 29/8/2023 (trước kỳ nghỉ Tết Độc lập 2 ngày làm việc - PV), ông Nguyễn Văn Toán, chấp hành viên của Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình đã ký ban hành Quyết định số 10/QĐ-CTHDS về việc cưỡng chế buộc thực hiện công việc đối với ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng. Thời gian cưỡng chế 8h ngày 8/9/2023 (sau kỳ nghỉ lễ 4 ngày làm việc - PV). Căn cứ để cơ quan THA ban hành quyết định trên có nội dung “ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng có điều kiện THA nhưng không tự nguyện THA”.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình với các thành viên của công ty liên quan đến việc bàn giao tài sản của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Ảnh: PV 


Ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ này là Thông báo số 299/TB-CTHDS về việc cưỡng chế THA. Theo thông báo, địa điểm cưỡng chế là 4 kho và khu văn phòng làm việc, cửa hàng tại số 196 Lý Thường Kiệt. Kinh phí cưỡng chế ông Căn, bà Mừng phải chịu dự kiến là 74 triệu đồng.

Cuối giờ chiều ngày 29/8, cửa nhà ông Căn lại có dán một thông báo bổ sung thông báo cưỡng chế THA. Nội dung bổ sung là địa điểm cưỡng chế bắt đầu tại khu kho thành phố đường Trần Quang Khải.

Còn bà Lê Thị Mừng thì cho biết, từ trước đến nay không hề nhận được bất kỳ giấy tờ nào của các cấp tòa án cũng như cơ quan THA.

Xin nói thêm, ông Căn là thành viên của Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình (Cty Apromaco Thái Bình) với tỷ lệ góp vốn là 20%. Tháng 1/2015, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc.

Ngày 13/6/2018, Cty Apromaco Thái Bình tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, theo ông Căn, việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường này không đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015 và Điều lệ Công ty.

“Ngày 3/7/2018, ông Lê Anh Linh đã dẫn một số người đến chiếm giữ trụ sở công ty và niêm phong phòng làm việc của kế toán, phòng hành chính cũng như đập phá khóa cửa, lục soát giấy tờ các phòng làm việc trên tầng 2. Sau đó đuổi tôi cùng 6 người lao động khác ra khỏi công ty. Đến ngày 6/7/2018, tôi mới nhận được quyết định không dấu về việc miễn nhiệm chức danh giám đốc do ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ký gửi qua đường bưu điện”, ông Căn cho biết.

leftcenterrightdel
Sau rất nhiều lần có ý kiến nhưng không được đưa vào biên bản và không được đọc biên bản trước khi các thành phần tham dự ký tên, tại buổi xác minh ngày 25/8, ông Ngô Văn Cao (người được ủy quyền) cho biết đã có đơn tố cáo về hành vi vi phạm của đoàn công tác. 

Cũng theo ông Căn, “theo Điều 49, Điều lệ Công ty, tôi là Giám đốc có trách nhiệm quản lý, điều hành chung các mặt công tác qua đội ngũ các trưởng, phó phòng trực tiếp quản lý người lao động. Bản án số 08/2022/KDTM-PT ngày 9/5/2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu tôi bàn giao con dấu (do văn thư quản lý), kho bãi (do các thủ kho trông coi, quản lý)… Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tôi; bảo đảm việc THA đúng qui định pháp luật; sau các buổi xác minh tôi đều đề nghị được cung cấp biên bản làm việc. Tuy nhiên, phía cơ quan THA đã khước từ. Hiện, tôi đã có đơn gửi Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình đề nghị được cung cấp biên bản làm việc ngày 24/8/2023”, ông Căn cho biết.

Chờ được vạ, má đã sưng

 Trở lại với Bản án phúc thẩm số 08/2022/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Dù khẳng định Cty Apromaco Thái Bình đã khóa, niêm phòng phòng làm việc, phòng lưu trữ hồ sơ và quản lý, sử dụng khu văn phòng tại số 196 Lý Thường Kiệt từ ngày 3/7/2018, nhưng TAND Cấp cao tại Hà Nội vẫn tuyên buộc ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng phải bàn giao cho Cty Apromaco Thái Bình con dấu cùng toàn bộ công việc có liên quan đến chức danh giám đốc, kế toán; toàn bộ tài liệu pháp lý, hồ sơ, sổ sách, tài liệu, kế toán; toàn bộ tài sản của Cty Apromaco Thái Bình bao gồm tài sản đã được thống kê, ghi nhận tại báo cáo tài chính do chính ông Căn, bà Mừng lập ngày 31/3/2018…

Điểm e, Khoản 4 Điều 4 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự quy định về trách nhiệm của chấp hành viên khi xác minh điều kiện THA: Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã, hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. 

Điểm e, Khoản 4 Điều 44 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THA dân sự quy định về trách nhiệm của chấp hành viên khi xác minh điều kiện THA: Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã, hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.

Ông Căn bức xúc: “Tôi đã cung cấp cho các cơ quan chức năng cũng như tại các phiên tòa nhiều hồ sơ tài liệu chứng minh việc tôi và 6 người lao động khác bị Cty Apromaco Thái Bình sa thải không đúng quy định của pháp luật từ ngày 3/7/2018. Cũng từ ngày 3/7/2018, Cty Apromaco Thái Bình chiếm giữ trụ sở làm việc, niêm phong các phòng làm việc không cho ai ra vào. Không hiểu vì lý do gì mà Tòa Cấp cao tại Hà Nội vẫn tuyên buộc tôi phải bàn giao cho Cty Apromaco Thái Bình, trong khi công ty đang giữ toàn bộ hồ sơ, tài liệu”.

leftcenterrightdel
Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình Lê Thanh Tình cho biết "vụ việc rất phức tạp". Ảnh: PV 

Quay trở lại với Quyết định số 10/QĐ- CTHDS về việc cưỡng chế buộc thực hiện công việc đối với ông Vũ Khắc Căn và bà Lê Thị Mừng của Cục THA tỉnh Thái Bình. Để hiểu rõ hơn về quyết định trên cũng như quá trình thực hiện THA, ngày 29/8, phóng viên Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình Lê Thanh Tình.

Tại buổi làm việc, ông Tình cho biết, hơn 30 năm trong nghề, lần đầu tiên ông cũng như các đồng nghiệp tại Cục THA tỉnh Thái Bình gặp phải một vụ việc phức tạp đến vậy.

“Nhận thấy đây là một vụ việc phức tạp, trên cơ sở hồ sơ nhận được và các tài liệu người bị THA là ông Căn cung cấp, Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình đã có văn bản gửi hồ sơ lên Vụ Giải quyết Khiếu nại - Tố cáo thuộc Viện KSND Tối cao; có văn bản gửi Tổng cục THA xin hướng dẫn nghiệp vụ. Đồng thời, có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo THA của tỉnh”, ông Tình chia sẻ.

Cũng theo ông Tình “không một chấp hành viên nào của Cục muốn nhận vụ việc này. Chấp hành viên hiện tại là anh Toán cũng không muốn tiếp nhận. Lãnh đạo Cục phải thường xuyên động viên và chia sẻ để cùng tháo gỡ khó khăn. Bản thân tôi cũng thường xuyên liên lạc bằng điện thoại xin ý kiến trực tiếp Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục THA”.

leftcenterrightdel
Toàn bộ diện tích mặt đường Lý Thường Kiệt khu kho thành phố hiện do các cá nhân, tổ chức thuê lại của Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản. Ảnh: PV 

Khi được hỏi về kết quả tổ chức THA đối với Bản án số 08/2022/KDTM-PT của TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Tình cho biết, vì là vụ việc phức tạp nên cơ quan THA đã rất thận trọng trong việc tổ chức THA đối với bản án này. Việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy trình. Sau khi có quyết định THA, người bị THA không tự nguyện THA thì cơ quan THA sẽ tiến hành các bước xác minh THA. Trên cơ sở kết quả xác minh THA, cơ quan THA sẽ ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện công việc theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi hiện trạng quản lý và sử dụng tại khuôn viên khu kho phân bón thành phố (đường Trần Quang Khải); khu văn phòng làm việc và kho Hiệp, kho Việt Yên, kho Vân Am, xã Thụy Quỳnh, ông Tình không trả lời trực tiếp câu hỏi mà chỉ cho rằng cơ quan THA đã xác minh cụ thể các địa điểm trên. “Tài sản nào Cty Apromaco quản lý rồi thì ông Căn không phải bàn giao”, ông Tình nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Diện tích mặt đường và khuôn viên sân khu văn phòng làm việc tại số 196 Lý Thường Kiệt được Cty Cổ phần Vật tư nông sản cho thuê làm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng ô tô, xe máy. Ảnh: PV 

Khi phóng viên đề nghị được cung cấp tài liệu liên quan việc tổ chức THA, ông Tình hẹn sẽ liên hệ lại sau. Ông Tình cũng cho biết, “ông Căn có quyền kêu tiếp ở các cơ quan Trung ương, nếu có là án sai thì sai ở đâu người đó chịu trách nhiệm”.

Khi bản án đã tuyên, người THA không biết mình có tội gì và phải kêu cứu đến đâu, còn cơ quan THA thì “bối rối” gõ cửa xin ý kiến từ Ban Chỉ đạo THA tỉnh, Tổng Cục THA rồi đến Viện KSND Tối cao, nhưng việc tổ chức thực hiện lại còn rất nhiều bất cập, phải chăng vì “vụ việc rất phức tạp” như lời Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Thái Bình Lê Thanh Tình chia sẻ.

leftcenterrightdel
Trụ sở Cty Apromaco Thái Bình tại 196 Lý Thường Kiệt, Thái Bình. Ảnh: PV 

Một trong những bị cáo từng hỏi chúng tôi một câu: Nếu không ăn cắp mà bị phán quyết là ăn cắp thì có nhận tội không. Nếu không thì phải kêu oan đến đâu khi tất cả các cánh cửa của cơ quan công quyền cao nhất đều đóng?.

Vẫn biết, oan thì kêu, sai thì sửa, nhưng khi tất cả các cánh cửa đều đóng thì người lao động biết kêu đến đâu. Câu hỏi này xin được gửi đến Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Bình.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. 


Nhóm PV