Thất thoát tiền tỷ

Bà Diệp cho biết, tiền thân của Cty Apromaco Thái Bình là Cty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình. Năm 2004, Cty CP Vật tư Nông sản có trụ sở tại số 14 Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội mua lại đổi tên thành Chi nhánh Công ty Vật tư Nông sản Thái Bình. Ngày 19/7/2010, Chi nhánh đổi tên thành Cty TNHH Vật tư Thái Bình. Vốn điều lệ 7 tỷ đồng. Chủ sở hữu là Cty CP Vật tư nông sản.

Ngày 18/4/2013, chuyển đổi thành Cty TNHH hai thành viên trở lên, thành viên góp vốn gồm: Cty CP Vật tư Nông sản hơn 11 tỷ đồng, ông Vũ Khắc Căn 3 tỷ đồng, bà Chu Thị Diệp 750 triệu đồng, ông Nguyễn Quang Khẩn 150 triệu đồng và bà Nguyễn Thị Mai 37,5 triệu đồng. Ngày 2/5/2013, Cty đổi tên thành Cty CP Vật tư Apromaco Thái Bình có trụ sở chính tại số 196 Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình và 5 kho hàng tại TP và các huyện. Ngành nghề kinh doanh chính là buôn phân bón sử dụng nông nghiệp, buôn bán tổng hợp.

Tháng 5/2013, ông Căn được Hội đồng quản trị Cty bổ nhiệm làm Giám đốc Cty thay cho ông Nguyễn Quang Khẩn. Quá trình làm việc được 4 tháng, ông Căn phát hiện có nhiều sai phạm về hạch toán kinh doanh trong thời kỳ ông Khẩn làm Giám đốc, bà Thái là Kế toán trưởng, bà Hoài làm Thủ quỹ. Ông Căn đã báo cáo lên Hội đồng quản trị Cty và làm đơn xin thôi Giám đốc và bàn giao cho ông Khẩn.

Đến tháng 1/2015, khi ông Khẩn nghỉ hưu, ông Căn được Hội đồng Quản trị bổ nhiệm lại chức Giám đốc. Sau khi bàn giao công tác tài chính, phát hiện trong thời gian từ năm 2011 đến quý 1/2013, ông Nguyễn Quang Khẩn làm Giám đốc, bà Thái làm Kế toán Trưởng và bà Nguyễn Thu Hoài làm thủ quỹ có nhiều sai phạm trong nguyên tắc quản lý tài chính và chênh lệch số liệu. Ông Căn đã báo cáo Hội đồng quản trị và đề nghị cơ quan thuế vào cuộc. Kết quả kiểm tra thuế cho thấy, Cty không viết hóa đơn, không kê khai nộp thuế, không hoạch toán kế toán số tiền gần 7 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình.

leftcenterrightdel
Cty Apromaco Thái Bình sa thải trái quy định đối với 7 lao động từ ngày 1/7/2018 nhưng đến nay mới 2 người nhận được quyết định

“Chỉ với 14 hóa đơn, ông Khẩn, bà Thái và bà Hoài đã rút số tiền hàng chục tỷ đồng. Đối với số tiền thu qua phiếu thu tại thời điểm bà làm thủ kho kiêm bán hàng của Cty trực tiếp nộp cho Thủ quỹ kinh doanh còn lưu giữ, Cty đã bỏ ngoài sổ sách hơn 700 triệu đồng, trốn thuế gần 300 triệu đồng, đấy là chưa nói đến 4 kho hàng còn lại tại TP và các huyện, thị”, bà Diệp bức xúc.

Cũng theo bà Diệp, công việc của bà cũng như những người lao động khác ở Cty là đi tìm mối bán hàng, bán hàng theo giá của Cty đưa ra, thu tiền về nộp cho Cty và nhận Phiếu thu chứ không được lấy hóa đơn. Nên số tiền chênh từ phiếu thu đến hóa đơn của Cty thế nào, bà không hề hay biết, chỉ đến khi cơ quan thuế vào cuộc, mới biết số tiền thất thoát là rất lớn.

Chỉ vào mấy gian nhà lên mốc rêu xanh, bà Diệp cho biết, hiện trong kho vẫn còn khoảng gần 50 tấn hàng, trị giá gần 400 triệu đồng. Số hàng này được lưu kho từ vụ mùa năm 2018. Sau khi bị Cty sa thải trái pháp luật, bà Diệp không dám xuất kho bán hàng, cũng không biết bàn giao công việc cho ai nên đến nay vẫn phải bám trụ trông coi kho hàng. Hàng ngày, kể cả nắng nóng cũng như mưa bão, bà cùng đồng nghiệp cắt phiên nhau lặng lẽ sống trong gần chục mét vuông vốn là phòng bảo vệ để trông kho, trông hàng và trông đợi công lý.

Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, lại đang chữa bệnh hiểm nghèo nên hàng ngày, chị Nam vẫn phải qua trông giúp và thu tiền hàng tồn đọng. Tối về, ông Căn cùng phụ bà trông coi.

Hàng ngàn mét vuông kho bãi và hàng hóa để không

Bà Diệp cũng cho biết, từ ngày bị Cty Apromaco Thái Bình sa thải không đúng quy định, ông Căn, bà Diệp cũng như anh Tuyến, chị Liễu, chị Mừng, anh Hoạt, chị Nam vẫn phải làm những công việc như trước đây như trông coi kho hàng và thu hồi công nợ dù mọi chế độ đã bị cắt từ ngày 1/7/2018. Số tiền thu được vẫn nộp về Cty đến tháng 7- 8/2019. Về sau, cảm thấy không an toàn nên mọi người thống nhất giao cho đ/c Nam, Thủ quỹ thu giữ.

Cũng theo bà Diệp, kể từ ngày 3/7/2018, sau khi ông Lê Anh Linh - Phó Tổng Giám đốc Cty Vật tư Nông sản, thành viên Hội đồng quản trị Cty Apromaco Thái Bình cùng khoảng 18 người người công ty vào đâp phá, hủy hoại tài sản của Cty, họ cũng niêm phong phòng làm việc của Kế toán, kho lưu giữ hồ sơ của Cty trái pháp luật và chiếm giữ luôn trụ sở Cty tại số 196 phố Lý Thường Kiệt. Kể từ đó, không ai được ra vào. Không ai biết tài sản, hồ sơ tài liệu bên trong còn gì, mất gì.

“Sau khi sa thải trái pháp luật đối với 7 lao động, ông Linh đã tuyển 5 người mới làm việc bắt đầu từ tháng 8/2018, đã có bảng lương ở bảo hiểm. Có thời điểm là 11 người nhận lương. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động bán vật tư nông sản như trước đây không được tiến hành. Kho hàng còn lưu gần 50 tấn hàng cũng còn nguyên. Không ai biết họ làm gì trong trụ sở Công ty. Càng không dễ tiếp cận Trụ sở.

“Đồng thời với việc sa thải người lao động trái pháp luật, Cty Apromaco còn là cướp trắng số tiền trên 25%, tương đương gần 4 tỷ đồng mà vợ chồng tôi góp vào Cty”, bà Diệp bức xúc. Bà Diệp cho biết, liên quan đến dấu hiệu trốn thuế và tham ô tài sản của các cá nhân ông Nguyễn Quang Khẩn, nguyên Giám đốc Cty, bà Nguyễn Thị Thái, nguyên Kế toán và bà Nguyễn Thị Thu Hoài, nguyên Thủ quỹ Cty cũng như các nội dung liên quan đến việc tổ chức người đến đập phá tài sản; thay đổi đăng ký kinh doanh; sa thải người lao động trái quy định pháp luật đã được ông Căn, bà Diệp có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, ngày 5/7/2019, UBND tỉnh cũng đã giao Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra tỉnh kiểm tra, xem xét. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết.

leftcenterrightdel
Trụ sở Cty Apromaco Thái Bình tại 196 Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình, chiều ngày 7/7 

Tiếp tục tìm hiểu sự việc, ngày 7/7, PV Báo Thanh tra đã liên hệ với ông Hà Tuấn Linh (người được bổ nhiệm làm Giám đốc Cty sau khi ông Căn bị sa thải). Ông Linh từ chối làm việc làm việc với lý do không có mặt tại Trụ sở, “Báo cần biết gì cứ gửi công văn qua” – ông Linh trả lời.

Nhóm phóng viên chúng tôi gõ cửa Trụ sở 196 Lý Thường Kiệt thì thấy phòng Bảo vệ sáng đèn nhưng không mở cửa. Sân vắng. Cửa các phòng làm việc đóng im ỉm. Toàn bộ Trụ sở chỉ có các ki ốt mặt tiền Lý Thường Kiệt đang kinh doanh.

Đầu giờ chiều cùng ngày, có mặt tại trụ sở Cty tại số 196 phố Lý Thường Kiệt, chúng tôi thấy xe ô tô màu trắng (được người xung quanh mách là xe ông của ông Linh) đậu trong sân. Các phòng họp mở cửa, có đèn. Phòng bảo vệ sáng đèn, mở cửa. Tuy nhiên, chúng tôi không gọi được người. Điện thoại của ông Hà Tuấn Linh chuông reo nhưng không nghe máy. Hỏi những người dân quanh khu vực, được biết, hàng ngày vẫn có người ra vào số nhà 196 Lý Thường Kiệt. Họ vẫn làm việc bên trong, nhưng cửa cổng đóng thường xuyên nên không biết họ làm gì.

Vì sao Công ty Apromaco Thái Bình có văn hóa ứng xử kỳ lạ như trên? Vì sao lời kêu cứu của những người lao động như ông Căn, bà Diệp, chị Nam, anh Tuyến, chị Mừng, anh Hoạt lại rơi vào sự im lặng vô cảm như vậy? Các cơ quan chức năng Thái Bình ở đâu? Vì sao UBND tỉnh Thái Bình cũng “làm ngơ” khi báo Thanh tra đặt lịch làm việc?

Chúng tôi sẽ trở lại vụ việc.

Nhóm PV