Đòi cái mình đang giữ là vô lý

Ông Căn cho biết, mới đây, Cục Thi hành án (THA) tỉnh Thái Bình đã mời đến trụ sở UBND xã Vũ Chính để lập biên bản xác minh điều kiện thi hành án. Do điều kiện sức khỏe không bảo đảm, ông đã ủy quyền chô ông Ngô Văn Cao.

Tham gia buổi làm việc, phía Cục THA có ông Nguyễn Văn Toán, chấp hành viên; bà Nguyễn Thị Vân, thư ký; đại diện UBND xã Vũ Chính có ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Duy Bình, Trưởng Công an xã; ông Vũ Đức Giáp, công chức địa chính; bà Nguyễn Thị Tuyết, kế toán; bà Nguyễn Thị Diệp, công chức tư pháp và bà Nguyễn Thị Thêm, Tổ trưởng Tổ 1.

Tại buổi làm việc, ông Cao khẳng định ông Căn đã nhận được Thông báo số 252/TB-TA ngày 4/4/2023 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, tuy nhiên không đồng ý với nội dung thông báo và đang có khiếu nại, tố cáo, đồng thời kêu cứu các ngành chức năng bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Theo ông Cao, ông Căn không có tài sản gì để kê khai và thực hiện việc THA.

Cũng theo ông Cao, kể từ năm 2018, ông Căn bị Cty Apromaco chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nên từ đó đến nay không có nguồn thu nhập, bản thân ốm đau, bệnh tật phải đi viện thường xuyên.

Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 9/5/2023 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, dù phía bị đơn là ông Vũ Khắc Căn, bà Lê Thị Mừng và luật sư đã đưa ra nhiều viện dẫn thuyết phục cũng như tài liệu chứng minh nhưng không được tòa xem xét. Kết thúc phiên tòa, tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc ông Căn, bà Mừng phải thực hiện nghĩa vụ bàn giao cho Cty Apromaco Thái Bình con dấu cùng toàn bộ công việc có liên quan chức danh giám đốc, kế toán; toàn bộ tài liệu pháp lý, hồ sơ, sổ sách, tài liệu kế toán; toàn bộ tài sản của Cty Apromaco Thái Bình; buộc ông Căn phải bồi thường thiệt hại cho Cty Apromaco Thái Bình số tiền hơn 5,8 tỷ đồng…

Trở lại với hồ sơ vụ việc cho thấy, từ năm 2018, ông Căn, bà Diệp và 5 người lao động khác bất ngờ bị Cty Apromaco Thái Bình sa thải đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh, ngày 3/7/2018 tại Cty Apromaco Thái Bình, trụ sở tại số 196 đường Lý Thường Kiệt, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình xảy ra vụ việc có một nhóm người do ông Hà Tuấn Linh đưa tới đập phá, hủy hoại tài sản và niêm phong Phòng Kế toán - hành chính, phòng lưu trữ hồ sơ và phá khóa lục soát phòng giám đốc rồi đuổi toàn bộ cán bộ, nhân viên của Cty Apromaco Thái Bình ra khỏi trụ sở, chiếm giữ luôn trụ sở bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ Cty. Kể từ đó, không ai được ra vào. Không ai biết tài sản, hồ sơ tài liệu bên trong còn gì, mất gì…

Ông Căn cho biết, trong số tài liệu bị niêm phong chiếm giữ tại Cty có rất nhiều chứng cứ tham ô, trốn thuế nhiều tỷ đồng mà ông đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để được điều tra, giải quyết.

Cũng theo ông Căn, kể từ đó, ông Căn, bà Chu Thị Diệp và 5 người lao động khác bị Cty Apromaco Thái Bình sa thải một cách tức tưởi. Điều đáng nói, chỉ có 2 lao động nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, 5 người còn lại đến thời điểm này vẫn không biết số phận thế nào, chỉ biết rằng từ thời điểm tháng 7/2018, số lao động này không còn tên trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội của Cty Apromaco Thái Bình. Cũng từ thời điểm này, Cty Apromaco Thái Bình đã tuyển dụng thêm nhiều lao động mới.

“Số lao động mới được tuyển dụng thể hiện tại bảng thanh toán lương và bảo hiểm xã hội từ tháng 7/2018 đến nay của công ty do kế toán trưởng Định Trọng Hòa Bình và ông Hà Tuấn Linh, Giám đốc ký đóng dấu. Điều đó cho thấy, công ty vẫn hoạt động từ tháng 7/2018 đến nay, cũng như vẫn cho thuê 3 cửa hàng trong khuôn viên trụ sở tại đường Lý Thường Kiệt, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Cớ gì buộc ông Căn phải bồi thường do công ty không hoạt động. Phải chăng Cty Apromaco Thái Bình đang vừa đánh trống, vừa la làng”, bà Chu Thị Diệp bức xúc.

Được biết, sau khi sự việc xảy ra ngày 3/7/2018, với tư cách là Giám đốc và là Bí thư Chi bộ, ông Căn đã có văn bản báo cáo lên Đảng ủy Công ty Cổ phần Vật tư Nông sản và trình báo tới các cơ quan chức năng. Trong khi trụ sở công ty bị chiếm giữ và trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền giải quyết, ông cùng các nhân viên tạm thời sử dụng phòng làm việc của kho đạm do bà Chu Thị Diệp đang quản lý là nơi làm việc hàng ngày.

Việc ông Hà Tuấn Linh cho người phá khóa hai phòng làm việc tầng 2 và niêm phong 2 phòng kế toán dưới tầng 1 thể hiện tại Thông báo số 526/TB ngày 3/10/2019 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Thái Bình về việc trả lời đơn trình báo của ông Căn; biên bản xem xét thẩm định tại chỗ của TAND tỉnh Thái Bình ngày 12/12/2019 khẳng định Phòng Kế toán và Phòng Hành chính do phía nguyên đơn là Cty Apromaco Thái Bình, người đại diện là Hà Tuấn Linh trực tiếp niêm phong ngày 3/7/2018; biên bản xem xét thực trạng hoạt động của Cty Apromaco Thái Bình cũng khẳng định hiện nay 2 phòng làm việc của bà Lê Thị Mừng và bà Phạm Thị Thu Nam đã khóa cửa và niêm phong… Phía Cty Apromaco Thái Bình cũng có nhiều văn bản khẳng định việc niêm phong 2 phòng làm việc tại trụ sở số 196 Lý Thường Kiệt.

Chưa hết, cũng theo ông Căn, năm 2015 khi giữ chức Giám đốc, ông đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Thái, nguyên kế toán trưởng bàn giao chứng từ kế toán của công ty qua các thời kỳ, nhưng bà Thái không bàn giao. Ngày 2/12/2015, bà Nguyễn Thị Thái có văn bản cho biết: “Các chứng từ kế toán đang trong thời gian thanh tra thuế nên tôi vẫn phải quản lý và có trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng. Khi nào các cơ quan chức năng có kết luận cụ thể và kết thúc thanh tra, tôi sẽ bàn giao cụ thể”. Sau đó, ông Căn cũng nhiều lần đề nghị tiếp, nhưng bà Thái viện đủ lý do không bàn giao.

leftcenterrightdel
Hàng trăm lá đơn kêu cứu của người lao động bị Cty Apromaco Thái Bình sa thải gửi các cơ quan chức năng. Ảnh: LP

“Hồ sơ, tài liệu, chứng từ thời gian trước khi tôi về làm giám đốc không được nhận bàn giao. Còn trong thời gian làm giám đốc thì bị Cty Apromaco Thái Bình chiếm giữ kể từ ngày 3/7/2018. Vậy hỏi, giờ tôi lấy gì để bàn giao mà tòa án các cấp vẫn buộc tôi phải bàn giao cho Cty Apromaco Thái Bình. Chưa kể, công ty vẫn hoạt động, cớ gì lại buộc tôi phải bồi thường. Các cấp tòa án không thể dung túng để Cty Apromaco Thái Bình đòi hỏi những điều vô lý?”, ông Căn bức xúc.

Có dấu hiệu gian lận về thuế?

Liên quan đến dấu hiệu trốn thuế, theo ông Căn, tháng 5/2013, ông được Hội đồng Quản trị bổ nhiệm làm Giám đốc thay ông Nguyễn Quang Khẩn. Quá trình làm việc được 4 tháng, ông phát hiện có nhiều sai phạm về hạch toán kinh doanh trong thời kỳ ông Khẩn làm Giám đốc, bà Thái là kế toán trưởng, bà Hoài làm thủ quỹ. Ông Căn đã báo cáo lên Hội đồng Quản trị và làm đơn xin thôi giám đốc và bàn giao cho ông Khẩn.

Đến tháng 1/2015, khi ông Khẩn nghỉ hưu, ông Căn được Hội đồng Quản trị bổ nhiệm lại chức giám đốc. Sau khi bàn giao công tác tài chính, phát hiện trong thời gian từ năm 2011 đến quý 1/2013, ông Nguyễn Quang Khẩn làm giám đốc, bà Thái làm kế toán Trưởng và bà Nguyễn Thu Hoài làm thủ quỹ có nhiều sai phạm trong nguyên tắc quản lý tài chính và chênh lệch số liệu. Ông Căn đã báo cáo Hội đồng Quản trị và đề nghị cơ quan thuế vào cuộc.

Báo cáo kết quả thanh tra thuế của Cục Thuế tỉnh Thái Bình cho thấy, công ty bán hàng không viết hóa đơn, không kê khai nộp thuế. Thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2014 số tiền thu về bán hàng đơn vị không hạch toán kế toán, không viết hóa đơn giá trị gia tăng, không kê khai thuế hơn 6,1 tỷ đồng. Cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thái Bình để điều tra làm rõ hành vi trốn thuế của doanh nghiệp.

“Chỉ với 14 hóa đơn, ông Khẩn, bà Thái và bà Hoài đã rút số tiền hàng chục tỷ đồng. Đối với số tiền thu qua phiếu thu tại thời điểm bà làm thủ kho kiêm bán hàng của công ty trực tiếp nộp cho thủ quỹ kinh doanh còn lưu giữ, công ty đã bỏ ngoài sổ sách hơn 700 triệu đồng, trốn thuế gần 300 triệu đồng, đấy là chưa nói đến 4 kho hàng còn lại tại TP và các huyện, thị”, ông Căn cho biết.

Báo cáo số 24/BC- VKSTB ngày 6/12/2019 của Viện KSND tỉnh Thái Bình về các hành vi trốn thuế của Cty TNHH Vật tư Thái Bình (nay là Cty Apromaco Thái Bình) cho thấy, việc giao dịch mua bán, đơn giá ghi trên hóa đơn, cách thức thanh toán… ông Khẩn trình bày đã báo cáo trực tiếp với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Cổ phần Vật tư nông sản (công ty mẹ), ông Dũng đồng ý và cho phép thực hiện, nhưng các lần báo cáo đều bằng miệng, không thể hiện bằng văn bản.

Cũng theo Viện KSND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Quang Khẩn đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thái, kế toán và bà Nguyễn Thị Thu Hoài, thủ quỹ bỏ ngoài sổ sách, không hạch toán vào sổ sách kế toán, không báo cáo thuế đối với một số phiếu thu tiền bán hàng của bà Chu Thị Diệp và không ghi nhận trên sổ sách để báo cáo một số khoản thanh toán do bà Diệp chi trả. Tổng số tiền công ty đã bỏ ngoài sổ sách, không hoạch toán báo cáo thuế là hơn 5,4 tỷ đồng…

Và còn rất nhiều hóa đơn, chứng từ hóa đơn để ngoài sổ sách và các dấu hiệu trốn thuế của Cty Apromaco Thái Bình đang được ông Căn, bà Diệp tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng để được điều tra làm rõ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc! 

Lê Hiếu