Theo hồ sơ chúng tôi được cung cấp, nhiều cơ quan trung ương đã có văn bản đề nghị làm rõ vụ việc.

Ngày 14/3/2019, Thanh tra Chính phủ có Công văn số 325 chuyển đơn của ông Vũ Khắc Căn, bà Chu Thị Diệp đến UBND tỉnh Thái Bình đề nghị xác minh, làm rõ vụ việc, báo cáo Thanh tra Chính phủ.

Tiếp đó, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh làm Trưởng đoàn đã làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Thái Bình, có rà soát vụ việc.

Ngày 19/11/2019, Ban Dân nguyện Quốc hội có Văn bản số 441 đưa vụ việc vào kế hoạch giám sát.

Ngày 11/12/2019, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Thái Bình, có rà soát vụ việc tố cáo của bà Chu Thị Diệp.

leftcenterrightdel
Bảng kê chi tiết số tiền chi năm 2012 của Cty Apromac, trong đó có nhiều cán bộ công an và ủy ban...

Tuy nhiên, đến nay, đơn tố cáo của ông Vũ Khắc Căn và bà Chu Thị Diệp vẫn không được UBND tỉnh Thái Bình kết luận theo đúng quy định của pháp luật; trong đó đáng kể là nội dung tố cáo những dấu hiệu “làm xiếc” về tài chính, dấu hiệu tham nhũng đã bị bỏ qua. Đáng nói hơn, còn có dấu hiệu “dán tem” cho những hành vi tham nhũng từ Cơ quan CSĐT tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, ngày 1/7/2018, khi phát hiện nhiều khuất tất về quản lý tài chính, bà Chu Thị Diệp đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Bình.

Ngày 16/11/2018, Cơ quan CSĐT có Văn bản số 03 trả lời bà Diệp xác nhận: Năm 2012 và quý 1/2013, ông Nguyễn Quang Khẩn - Giám đốc Cty Apromaco Thái Bình, bà Nguyễn Thị Thái – Kế toán trưởng và bà Nguyễn Thị Hoài – Thủ quỹ đã để ngoài sổ sách 716 triệu đồng, trong đó có khoản chi “gửi giá” Cty CP Lân Ninh Bình 498,3 triệu đồng...

Tại văn bản sau đó 1 tháng, tháng 12/2018, Cơ quan CSĐT tiếp tục xác định, năm 2011, Cty Apromaco bỏ ngoài sổ sách, không hạch toán báo cáo thuế 5,4 tỷ đồng. Cơ quan CSĐT lúc này cũng đi xác minh tại Cty CP Lân Ninh Bình và kết luận việc “gửi giá” 498,3 triệu đồng nói trên là không có cơ sở để xác nhận. Đồng thời, cơ quan này cũng ghi nhận nhiều khoản “lõm” trong hạch toán của Cty, nhiều khoản chi không đúng quy định...

Tại thời điểm này, Cty TNHH Vật tư Thái Bình là Cty còn vốn nhà nước trên 8%.

leftcenterrightdel
Hình ảnh nhóm người phá camera giám sát của Cty Apromaco Thái Bình chiều ngày 3/7/2018. Ảnh chụp lại từ camera giám sát.  

Cũng xin lưu ý là, việc phát hiện ra trên 5,4 tỷ đồng trốn thuế nói trên không phải là của Cơ quan CSĐT. Trước đó, Cục thuế Thái Bình tiến hành kiểm tra thuế tại Cty đã xác định Cty có dấu hiệu trốn thuế. Cục thuế đã có Văn bản chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT để làm rõ. Tuy nhiên, cơ quan này phải cần đến 25 tháng để kết luận, đúng là Cty TNHH Vật tư Thái Bình trốn thuế. Nghĩa là kết luận lại đúng nội dung mà Cục thuế đã kết luận từ ngày 16/6/2016.

Như vậy, hành vi bỏ ngoài sổ sách, trốn thuế của Cty TNHH Vật tư Thái Bình là từ khi Cty còn vốn nhà nước trên 8% (năm 2011). Khi bị phát hiện, ông Nguyễn Quang Khẩn bèn nộp vào Cục thuế 391,9 triệu đồng.

Tiếp đó, Cơ quan CSĐT cũng khẳng định, năm 2012 và quý 1/2013, Cty TNHH Vật tư Thái Bình (vẫn là Cty còn vốn nhà nước trên 8%) tiếp tục để ngoài sổ sách trên 716 triệu đồng, trong đó có 498,3 triệu đồng ông Khẩn khai là “gửi giá” mà Cơ quan CSĐT bên “gửi” không hề thực hiện hành vi này. Tại Văn bản này một lần nữa, Cơ quan CSĐT mặc nhiên công nhận việc khai khống “gửi giá”, để ngoài sổ sách và trốn thuế.

leftcenterrightdel
Nhóm người đang dán niêm phong phòng làm việc tầng 1 của Cty Apromaco Thái Bình. Ảnh chụp từ camera giám sát chiều ngày 3/7/2018.

Cần phải hiểu rằng, bản thân hành vi “gửi giá” nếu thật sự xảy ra cũng cần phải xử lý nghiêm khắc theo quy định tại Luật Giá chứ chưa nói đến việc khai man, khai khống cả về hành vi gian lận nói trên để hợp thức cho việc chiếm đoạt gần 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Thái Bình không áp dụng bất kỳ hình thức xử phạt, ngăn chặn nào; càng không tiến hành khởi tố đối với hành vi “gửi giá” hay trốn thuế, sau này là các hành vi đập phá tài sản của Cty. Cơ quan này cho rằng, hậu quả của việc bỏ ngoài sổ sách, trốn thuế, khai man... của TNHH Vật tư Thái Bình (vẫn là Cty còn vốn nhà nước trên 8%) là không nghiêm trọng!

Theo bà Chu Thị Diệp, cộng dồn sổ sách, toàn bộ số tiền bị “làm xiếc” để biển thủ tại Cty Apromaco Thái Bình lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, không hề được Cơ quan CSĐT xem xét, khởi tố hay xử phạt, ngăn chặn.

Đây chính là căn nguyên của việc vợ chồng bà bị đuổi khỏi Cty, vô hiệu hóa, thậm chí bị đe dọa ngay tại Trụ sở Cty, khi ông Căn đang điều hành họp Chi bộ ngày 3/7/2018, dưới sự tham dự của đoàn đại biểu Đảng ủy khối doanh nghiệp Hà Nội do ông Tạ Văn Được, Phó Bí thư Đảng ủy khối làm Trưởng đoàn.

leftcenterrightdel
 Nhiều năm qua, vợ chồng bà Chu Thị Diệp cần mẫn gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu, nhưng vẫn bặt vô âm tín. Ảnh: Nhóm PV

“Điều cay đắng nhất chính là, chúng tôi đều là những đảng viên có nhiều năm tuổi Đảng, lại ở cái tuổi chuẩn bị về hưu, ốm đau bệnh tật mà khi phát hiện những hành vi gian dối, tham nhũng thưa đến các cơ quan chức năng thì bị làm ngơ. Thậm chí có lá đơn của gửi đến Cơ quan CSĐT phải mất hơn 1 năm trời mới nhận được câu trả lời của đơn vị này là không đủ cơ sở, không khởi tố, không xử phạt... Còn chúng tôi thì bị đẩy ra đường, chiếm mất Cty, chiếm mất thu nhập, chiếm mất tiền góp vốn. Chúng tôi đã kêu đến trung ương, kêu đến tất cả các cửa quan mà không nhận được câu trả lời xác đáng. Người vi phạm thì nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hành vi gian lận trong quản lý tài chính và cả hành vi tham nhũng thì không bị xử lý còn chúng tôi thì chịu đủ thiệt thòi”, bà Diệp cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng của Thái Bình đứng ngoài cuộc chính là, đây không phải là doanh nghiệp Nhà nước. Có lẽ vì vậy mà pháp luật không “quản” những hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Tuy nhiên, sự thật là nhiều hành vi sai phạm đã diễn ra khi Cty này vẫn có một phần vốn Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Nhiều cơ quan Trung ương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Bình xem xét, giải quyết vụ việc, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Ảnh: Nhóm PV

Cụ thể, tiền thân của Cty Apromaco là Cty Vật tư Nông nghiệp Thái Bình. Năm 2004, Cty Vật tư Nông sản (trụ sở tại 14 Ngô Tất Tố, Đống Đa, Hà Nội) mua lại, đổi tên thành Chi nhánh Cty Vật tư Nông sản Thái Bình. Ngày 19/7/2010, Chi nhánh chuyển đổi thành Cty TNHH Vật tư Thái Bình (Cty 1 thành viên), vốn điều lệ 7 tỷ đồng, chủ sở hữu là Cty Vật tư Nông sản (Cty mẹ). Ngày 18/4/2013, chuyển đổi thành Cty 2 thành viên trở lên, các thành viên góp vốn gồm: Cty Vật tư Nông sản góp trên 11 tỷ đồng, ông Vũ Khắc Căn góp 3 tỷ đồng, bà Chu Thị Diệp góp 750 triệu đồng, ông Nguyễn Quang Khẩn góp 150 triệu đồng và bà Nguyễn Thị Mai góp 37,5 triệu đồng.

Như vậy, cần phải khẳng định rằng, toàn bộ những hành vi sai phạm mà ông Căn và bà Diệp phát hiện, đề nghị cơ quan chức năng Thái Bình vào làm rõ đều diễn ra khi Cty này có phần vốn Nhà nước.

Vậy, vì sao các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình làm ngơ? Trách nhiệm của Cty Vật tư Nông sản – người đại diện phần vốn nhà nước - ở đâu?

Trong hành trình tìm hiểu vụ việc, nhóm phóng viên chúng tôi đã đặt lịch làm việc với UBND tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, quá nửa tháng đã trôi qua, đơn vị này vẫn không hồi âm về lịch làm việc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ việc.

Nhóm PV