Ông Vũ Khắc Căn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 08/2022/DS-PT ngày 9/5/2022 của TAND Cấp cao tại Hà Nội về vụ án “tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty liên quan đến việc bàn giao tài sản của công ty”, giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Vật tư Apromaco Thái Bình (Cty Apromaco Thái Bình) với bị đơn là ông Vũ Khắc Căn, bà Lê Thị Mừng; Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Liên quan đến vụ việc, ngày 4/4/2023, TAND Tối cao có Thông báo số 252/TB- TA trả lời đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhưng ông Vũ Khắc Căn cho rằng TAND Tối cao không khách quan, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.
Theo ông Căn, khi xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng của vụ án cần giải quyết, để rồi ra phán quyết không hợp tình, hợp lý, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông và nhiều lao động khác bị Cty Apromaco Thái Bình sa thải không đúng quy định.
Theo hồ sơ vụ án, Cty Apromaco Thái Bình có 5 cổ đông sáng lập, trong đó, ông Vũ Khắc Căn sở hữu 20% cổ phần, tương ứng 3 tỷ đồng; 4 cổ đông khác nắm giữ số cổ phần còn lại.
Ngày 13/6/2018, Cty Apromaco Thái Bình tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu hội đồng quản trị. Theo ông Căn, bản án phúc thẩm nhận định Cty Apromaco Thái Bình tiến hành họp theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền là không phù hợp với chứng cứ trong vụ án.
Ông Căn dẫn chứng, thành phần tham dự họp không đúng quy định. Tại cuộc họp bất thường này, nhiều người tham dự là thành viên của Cty Cổ phần Vật tư Nông sản, không phải là cổ đông của Cty Apromaco Thái Bình, cũng không có giấy ủy quyền của cổ đông. Thư ký cuộc họp cũng không phải là lao động hợp đồng của Cty Apromaco Thái Bình.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 3, Điều 139 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Khoản 3, Điều 15 Điều lệ Công ty, thông báo mời họp phải được gửi kèm các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề. Bản thân ông Căn không nhận được Dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung của công ty trước cuộc họp ngày 13/6/2018. Tại giấy mời họp đề ngày 30/5/2018 của công ty cũng không có nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp, nhưng trong cuộc họp, các nội dung này lại được đưa ra bàn luận lấy ý kiến. Việc làm này đã vi phạm quy định tại Điều 139 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều lệ Công ty.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 43, Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật phải được thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thì người đại diện theo pháp luật lúc bấy giờ là ông Vũ Khắc Căn phải có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Điều 26 Điều lệ Công ty, chỉ người đại diện theo pháp luật của công ty mới được thực hiện các giao dịch, ký kết các văn bản, thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, trước ngày 13/6/2018, hội đồng quản trị không có bất kỳ cuộc họp nào có nội dung miễn nhiệm chức danh giám đốc - người đại diện theo pháp luật của công ty đối với ông Vũ Khắc Căn, nên ông Vũ Khắc Căn vẫn là người đại diện hợp pháp của Cty Apromaco Thái Bình.
Cũng theo ông Căn, căn cứ Khoản 3, Điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ tên và chữ ký của người đại diện theo pháp luật, tại thời điểm họp hội đồng cổ đông bất thường ngày 13/6/2018. Ông đang là người đại diện theo pháp luật của công ty, nhưng điều lệ sửa đổi, bổ sung thông qua không có họ tên, chữ ký của ông, là không hợp pháp. Bản thân ông không thực hiện bất kỳ thủ tục nào về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của công ty có nội dung người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Hà Tuấn Linh.
TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng việc ông Nguyễn Tiến Dũng chưa làm thủ tục đăng ký bổ sung người đại diện theo pháp luật của công ty không làm ảnh hưởng hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 5 của Cty Apromaco Thái Bình, là trái quy định tại Điều 29, Khoản 1, Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014. Khi công ty chưa thực hiện thủ tục bổ sung người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tiến Dũng tại Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, thì ông Dũng chưa phải là người đại diện của công ty.
Hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của Cty Apromaco Thái Bình và thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty cũng không hợp lệ, chưa đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, vì còn thiếu số lượng và chức danh người đại diện theo pháp luật trong biên bản và nghị quyết đại hội đồng cổ đông, như Thông báo số 2055/TB - ĐKKD ngày 21/6/2018 của Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Hà Tuấn Linh không phải là cổ đông, cũng không phải là lao động hợp đồng của công ty, nên không đủ điều kiện được bổ nhiệm làm Giám đốc Cty Apromaco Thái Bình. Việc hội đồng quản trị bổ nhiệm ông Linh giữ chức giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Cty Apromaco Thái Bình là không có căn cứ, trái quy định của Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp.
Liên quan đến yêu cầu bàn giao hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán, nhân sự, con dấu, hàng hóa của Cty Apromaco Thái Bình, theo ông Căn, thời điểm năm 2015, khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc, đã yêu cầu nguyên giám đốc công ty là ông Nguyễn Quang Khẩn và nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thái bàn giao lại tài sản, tài liệu và chứng từ kế toán của công ty qua các thời kỳ. Ông Khẩn và bà Thái không bàn giao.
Tại Văn bản số 36/2019 của Cty Apromaco Thái Bình cũng nêu rõ: “Để bảo vệ và đảm bảo tính nguyên vẹn của tài sản phục vụ công tác bàn giao, công ty đã tiến hành niêm phong các tài sản trên. Đây là một biện pháp nghiệp vụ quản lý thông thường của doanh nghiệp đối với bất kỳ tài sản nào thuộc quyền quản lý và sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp nhằm thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đã được pháp luật cho phép”. Như vậy, chính công ty đã và đang quản lý toàn bộ hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán, tại sao lại yêu cầu ông Căn và các lao động khác phải bàn giao hồ sơ, tài liệu, con dấu…
Ông Căn cho biết, không giữ bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào của công ty, thì làm sao có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho công ty số tiền hơn 5,8 tỷ đồng do không bàn giao tài sản mà chính công ty đã và đang chiếm giữ theo phán quyết của tòa.
Sau phiên phúc thẩm, ông Vũ Khắc Căn đã gửi đơn giải trình kèm theo đơn đề nghị Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm và sơ thẩm theo trình tự giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án nêu trên.
Sau khi TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án, Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh Thái Bình đã tiến hành thi hành đối với bản án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Cục THA tỉnh Thái Bình đã nhiều lần không biết vô tình hay cố ý “nhầm lẫn” trong việc ra thông báo, kể cả khi tiến hành xác minh phòng làm việc, khiến người lao động bức xúc. Bản thân người bị THA cũng không biết mình phải thi hành thế nào khi toàn bộ hồ sơ, tài liệu, sổ sách kế toán đã bị Cty Apromaco Thái Bình giữ từ ngày 3/7/2018.
Vụ việc vẫn chưa khép lại. Phía bị đơn là ông Vũ Khắc Căn cùng những người lao động khác bị sa thải vẫn tiếp tục hành trình đi tìm công lý, cũng như gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo nhiều dấu hiệu gian lận về tài chính, thuế tại Cty Apromaco Thái Bình, cũng như kêu cứu vì có nhiều dấu hiệu bị trù dập khi tố cáo…
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!