Sông Nghèn đang dần được “hồi sinh”

Theo tính toán sơ bộ của các chuyên gia về môi trường đến từ Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á…. mỗi năm sông Nghèn “lưu giữ” hơn 3.200 tấn tải lượng ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt, rác thải chợ, cùng hàng trăm ngàn tấn tải lượng ô nhiễm từ các cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện trên địa bàn các huyện, thị lân cận như: Thạch Hà, Hồng Lĩnh, Lộc Hà, Can Lộc. Từ nhiều năm nay, sông Nghèn trở thành “túi” đựng chất thải từ vô số nguồn thải chưa qua xử lý, nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Từ cuối năm 2019 cho đến nay, sau loạt bài 7 kỳ về sông Nghèn được phản ánh trên Báo Thanh tra, bằng nhiều giải pháp khác nhau, chính quyền và người dân Hà Tĩnh sống dọc 2 bên sông đã dần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiến tới làm trong sạch sông này.

Cụ thể, sau khi Báo Thanh tra phản ánh, UBND huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã cho đầu tư, xây dựng một hệ thống xử lý nước thải tại chợ Nghèn (trước đây nguồn nước thải từ chợ đổ trực tiếp ra sông Nghèn - PV) với công suất 30m3 nước thải/ngày đêm; đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt cho toàn bộ dân cư sống dọc sông Nghèn; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho cụm dân cư thôn Tân Hương, xã Tùng Lộc.

Tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND các huyện, thị, dọc tuyến sông Nghèn như thị xã Hồng Lĩnh, huyện Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà thường xuyên theo dõi, kiểm tra các nguồn thải có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước sông Nghèn để kịp thời có biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường.

leftcenterrightdel

Sông Nghèn đoạn qua thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) ở thời điểm hiện tại (tháng 5/2021) đã không còn bèo tây như trước. Ảnh: Nguyên Dũng 

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, yêu cầu người dân sống dọc 2 bên sông Nghèn thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, nghiêm cấm hành vi vứt các loại rác thải hoặc xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Nghèn gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm, gây ô nhiễm nguồn nước sông Nghèn sẽ có các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn thải ra sông Nghèn cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên theo định kỳ. Việc quan trắc nguồn thải và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm gây ô nhiễm sông Nghèn được chú trọng, tạo hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa gây tác động tiêu cực đến nguồn nước sông Nghèn.

Bên cạnh đó, hàng loạt các giải pháp khác như thường xuyên nạo vét, xử lý bùn, trục vớt bèo tây, trả lại sự thông thoáng cho dòng chảy của sông, quản lý, vận hành cống Đò Điểm đúng quy trình, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước sông Nghèn cho người dân địa phương… cũng đã được triển khai đồng bộ, góp phần giảm thiểu nguồn ô nhiễm, dần làm sạch nguồn nước sông Nghèn.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi Báo Thanh tra có loạt bài 7 kỳ phản ánh về những bất cập, hạn chế của dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã vào cuộc kiểm tra, chỉ đạo về công tác vận hành cống Đò Điểm đối với đơn vị này.

leftcenterrightdel
 Sông Nghèn đoạn qua thị trấn Nghèn thời điểm hiện tại. Ảnh: Nguyên Dũng

“Hiện tại, về mặt tổng thể thì cống Đò Điểm trên sông Nghèn được vận hành theo đúng quy trình có sẵn. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, công ty đã vận hành linh hoạt, vừa đảm bảo điều tiết đủ nước cho công tác thủy lợi, vừa đảm bảo giải phóng nước tù, nước đọng, bèo tây... tránh ô nhiễm môi trường cho sông”, ông Phúc nói.

Ông Phạm Hữu Tình, Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, nhằm hạn chế thực trạng ô nhiễm sông Nghèn, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được đơn vị này và cơ quan chức năng đưa ra, như thường xuyên triển khai nghiên cứu, đánh giá chất lượng nguồn nước sông Nghèn và đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; đầu tư nhà máy xử lý rác tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) công suất 40 tấn/ngày đêm. Xây dựng các điểm tập trung rác (hệ thống nền chống thấm, lắng và xử lý nước rỉ rác; khu vực phân loại…).

Chấm dứt tình trạng đốt, chôn lấp tại điểm trung chuyển rác, định kỳ vận chuyển rác tới nhà máy rác xử lý. Vận động người dân, các tổ chức xã hội thường xuyên vớt bèo tây để ủ phân vi sinh bón cho đồng ruộng; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy vớt bèo chuyên dụng và xây dựng nhà máy làm phân vi sinh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước sông Nghèn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các nguồn phát sinh nước thải để hạn chế sai phạm…

Gần 5.000 hộ gia đình đã có nước sạch để dùng

Để có tư liệu, “chất liệu” phản ánh chính xác cho loạt bài điều tra dài kỳ này, PV Báo Thanh tra đã nhiều lần đi thực địa, tác nghiệp bằng cả 2 đường thủy, bộ dọc trên chiều dài hơn 60km từ biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) đến cống Đò Điểm (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) rồi ngược lên tận cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), cống Bùi Xá (huyện Đức Thọ).

leftcenterrightdel

Sông Nghèn cách đây 2 năm, ô nhiễm trầm trọng. Sau khi Báo Thanh tra phản ánh, tình trạng đang dần được cải thiện. Ảnh: Xuân Thành 

Theo quan sát bằng mắt thường, gần 2 năm trước, mực nước sông Nghèn vào những tháng nắng nóng, xuống thấp, điểm sâu nhất chừng 6m và thấp nhất 2m. Tại nhiều nơi, phần lớn mặt nước của sông Nghèn được bao phủ bởi bèo tây (lục bình) và các loại cỏ dại, xà bần mọc um tùm, cùng khối lượng rác thải khổng lồ hiện hữu. Nước sông có mùi đen sẫm, hôi thối bốc lên nồng nặc, ngổn ngang xác động vật.

Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 5/2021 (gần 2 năm sau khi Báo Thanh tra đăng tải loạt bài phản ánh về những hệ lụy và bất cập trên sông Nghèn), bằng sự vào cuộc quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp của chính quyền và người dân Hà Tĩnh, nước sông Nghèn nay đã trở nên xanh, sạch hơn. Thực trạng ô nhiễm môi trường không còn như trước.

Đặc biệt, từ phản ánh của Báo Thanh tra về thực trạng ô nhiễm nguồn nước sông Nghèn, đầu năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Can Lộc đã chỉ đạo, cho xây dựng hệ thống đường ống dài nhiều km, dẫn nguồn nước thô từ đập Khe Trúc (dưới chân núi Hồng Lĩnh) về tận Nhà máy Nước Can Lộc, thay thế cho nguồn nước “đầu vào” của sông Nghèn vốn đã bị ô nhiễm. Sau nhiều tháng thi công, đến nay (tháng 5/2021), hệ thống đường ống mới của nhà máy nước đã hoàn thành, đưa vào vận hành, sử dụng.

Việc đổi nguồn nước “đầu vào” từ sông Nghèn sang đập Khe Trúc giúp chi phí sản xuất nước thương phẩm của Nhà máy Nước Can Lộc (công suất 3.000m3/ngày đêm) giảm thiểu, tiết kiệm nhiều tỷ đồng mỗi năm.

leftcenterrightdel

Người dân Hà Tĩnh mưu sinh dọc sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng 

Từ nhiều năm nay, gần 5.000 hộ dân tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc và nhiều nhiều vùng phụ cận phải sử dụng nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm cao từ nguồn nước sông Nghèn (Nhà máy Nước Can Lộc lấy nguồn nước thô ô nhiễm từ sông Nghèn để tái chế, sản xuất thành nước thương phẩm bán lại cho người dân sử dụng - PV). Từ tháng 5/2021, gần 5.000 hộ dân trên đã được sử dụng nguồn nước thô “đầu vào” từ đập Khe Trúc có chất lượng nước trong sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho gia đình.

“Tình trạng bà con phải dùng nguồn nước máy tái chế lại từ nước sông Nghèn có nguy cơ ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh từ nhiều năm qua, đến nay đã được thay thế bằng nguồn nước sạch từ đập Khe Trúc. Chúng tôi rất cảm ơn sự vào cuộc phản ánh của Báo Thanh tra và tinh thần tiếp thu, chỉ đạo và hành động quyết liệt của chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh. Nay người dân đã có nước máy sạch, an toàn để dùng nên rất mừng”, anh Đậu Văn Hoan (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) nói.

Anh Ngô Quốc Giáp (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) cho biết, từ nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân tại địa phương vẫn sử dụng nguồn nước máy để sinh hoạt. Nhưng vì nguồn nước máy này lại được lấy từ nước thô phía trên sông Nghèn vốn bị ô nhiễm nặng nên người dân rất quan ngại, lo lắng.

“Từ phản ánh của Báo Thanh tra và thấu hiểu được nỗi khó khăn, trăn trở, lo lắng của người dân, chính quyền địa phương đã cho đầu tư hệ thống đường ống mới, thay đổi nguồn nước đầu vào của nhà máy để người dân có nước sạch, an toàn để dùng. Điều này khiến chúng tôi rất… ưng cái bụng”, ông Giáp nói.

leftcenterrightdel

Nhà máy Xử lý rác tại thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) công suất 40 tấn/ngày đêm đã được đầu tư, xây dựng. Ảnh: Nguyên Dũng

Ngày 23/5, trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Đình Hải, Giám đốc Nhà máy Nước Can Lộc (thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh) cho biết, có nhiều khó khăn, thách thức và trăn trở đặt ra trong quá trình quản lý, vận hành, điều tiết để đưa nguồn nước sạch đến cho người dân sống dọc 2 bên sông Nghèn như nguồn nước đầu vào, vấn đề vận hành, độ sạch, vệ sinh của nước, tính toán đường ống….

“Việc đổi nguồn nước đầu vào từ sông Nghèn sang đập Khe Trúc xuất phát từ nhu cầu thực tế và đã giúp cho người dân có nước sạch, an toàn hơn để dùng. Từ đó, có thể trút bỏ gánh lo lắng về nguồn nước sạch, để toàn tâm toàn ý làm ăn, cải thiện cuộc sống, lo cho kinh tế, sinh kế của gia đình”, ông Hải nói.

Như vậy, bằng sự chỉ đạo, hành động quyết liệt và bằng nhiều giải pháp khác nhau, chính quyền và người dân Hà Tĩnh đã làm giảm thiểu ô nhiễm, trong sạch sông Nghèn rõ rệt. Việc đầu tư xây dựng hệ thống đường ống mới nhằm đổi nguồn nước đầu vào cho Nhà máy Nước Can Lộc, cung cấp nước sạch cho gần 5.000 hộ dân sống dọc sông Nghèn khẳng định sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ, giải quyết những khó khăn kịp thời của chính quyền Hà Tĩnh đối với người dân địa phương.

Xuân Thành - Nguyên Dũng