Bên cạnh đó, người dân  tại các thôn như sông Tiến (750 khẩu), sông Hải (870 khẩu, đều thuộc xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà), 14.000 nhân khẩu tại địa bàn các xã như Tùng Lộc, Vượng Lộc, Bắc Nghèn, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc… buộc chuyển đổi nghề, hoặc phải thất nghiệp, rơi vào cảnh tha phương cầu thực.

“Xóa sổ” nghề ngư nghiệp truyền thống?

Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng thôn sông Tiến (xã Thạch Sơn) cho biết, khi chưa triển khai xây dựng Dự án cống Đò Điểm thì 100% các hộ dân trên địa bàn sống bằng nghề truyền thống là ngư nghiệp, có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định trung bình từ 5-10 triệu đồng/hộ/tháng. Từ tháng 3/2008, khi cống Đò Điểm đóng để thực hiện nhiệm vụ “ngăn mặn, giữ ngọt” thì 100% diện tích nuôi trồng hải sản trên địa bàn bị biến mất, kéo theo việc  ngư dân lâm cảnh “lưới treo, thuyền ấp”, thất nghiệp.


Cống Đò Điểm chặn ngang sông Nghèn chia đôi mặn, ngọt.Ảnh: Nguyên Dũng


“Thời điểm đó, người dân nháo nhác, tán loạn đi tìm công ăn việc làm khắp nơi. Người vào Nam, kẻ ra Bắc, thậm chí sang tận Thái Lan, Lào, Hàn Quốc… phiêu bạt tứ xứ để mong kiếm miếng ăn. Số ít bám trụ lại ở địa phương nhưng buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp, chấp nhận thu nhập bấp bênh hoặc phải đánh đổi công sức lao động rẻ mạt hơn nhiều lần so với nghề truyền thống cũ”.

Cũng theo ông Hồng, phải mất hơn 5 năm sau (năm 2013), người dân thôn sông Tiến mới tạm thời thích nghi được với công việc mới để định hình lại việc sinh kế. “Tính đến nay, tháng 8/2019, toàn thôn mới chỉ có 78/142 hộ với 202 nhân khẩu có công ăn việc làm, chuyển đổi từ nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn sang nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Cùng với đó là hơn 100 ha đất bãi bồi đã được cải tạo, nâng cấp quai đê để bà con địa phương làm ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt hoặc sản xuất lúa. Tuy nhiên đó vẫn là con số rất khiêm tốn vì hiện tại vẫn còn hơn 100 lao động chưa có công ăn việc làm ổn định, ai thuê gì thì làm nấy và hơn 30 ha đất trước đây là ngư nghiệp bây giờ vẫn bỏ hoang”!

Tương tự như bà con ở sông Tiến, đa phần người dân thôn sông Hải (xã Thạch Sơn) cũng rơi vào cảnh thiếu ăn, thất nghiệp, buộc phải ly tán khắp nơi để tìm việc làm khi dự án cống Đò Điểm đưa vào sử dụng. 

“Lợi cái chung thì chỉ cơ quan chức năng mới tính toán được nhưng thiệt hại về cái riêng thì người nông dân thấy quá rõ. 285 hộ dân trong thôn lâm cảnh kinh tế kiệt quệ vì nghề ngư nghiệp truyền thống bị mất. Hơn 10 năm nay, nếu không có Dự án cống Đò Điểm ngăn mặn, giữ ngọt thì dân chúng tôi đã giàu lên lâu rồi”, bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi, thôn sông Hải), bức xúc, chia sẻ.


Ông Nguyễn Hữu Niêm, Bí thư xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ảnh: Nguyên Dũng

Ông Nguyễn Hữu Niêm, Bí thư xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, từ lúc cống Đò Điểm đóng để thực hiện cho “cuộc cách mạng” thau chua, rửa mặn, biến đổi hoàn toàn hệ sinh thái thì 120 ha đầm lầy, nuôi trồng thủy sản nước lợ trên địa bàn xã đã bị xóa sổ hoàn toàn, người dân chịu thiệt hại rất lớn, đặc biệt là người dân ở 2 thôn sông Tiến và sông Hải.

“Thời điểm đó dân kêu nhiều lắm, thấy bà con khổ quá, xã đã làm tờ trình gửi cơ quan chức năng cấp huyện và tỉnh. Sau đó cấp trên đã đồng ý, hỗ trợ cho người dân sông Hải, sông Tiến 350 tấn gạo và đền bù ngư cụ, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp số tiền gần 5 tỷ đồng. Nhưng số tiền ấy chỉ có ý nghĩa bù đắp tức thời, còn về lâu dài thì…”,  đôi mắt đỏ hoe, giọng ông Niêm ngắt quảng không thành tiếng.  

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy hải sản Hà Tĩnh thông tin, trước đây, khi cống Đò Điểm chưa đóng để ngăn mặn, giữ ngọt (trước  tháng 3/2008) thì tổng diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ dọc sông Nghèn là 247 ha, trong đó tại huyện Thạch Hà là 200 ha (cụ thể xã Thạch Kênh 130 ha; xã Thạch Sơn 70 ha), huyện Can lộc 47 ha (gồm các xã Tùng Lộc, xã Phù lưu, xã Ích Hậu). “Nhưng đến thời điểm hiện này, trên sông Nghèn toàn bộ diện tích nuôi hải sản mặn lợ đã bị triệt tiêu hoàn toàn”!.

Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Dọc theo bờ sông Nghèn nối liền 2 thôn sông Tiến, sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) những ngày này, nơi có cống Đò Điểm đặt ở giữa con sông để làm “cuộc cách mạng” ngăn mặn, giữ ngọt lịch sử, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp cảnh người dân vẫn nhọc nhằn mưu sinh giữa thời tiết nắng nóng gay gắt. Nhưng dù cố gắng làm việc thì kết quả lao động của họ thu được cũng chẳng là bao. Mẻ lưới cũng chỉ bắt được con tôm, con cá tí tẹo và cũng chỉ đủ để bỏ nồi cho gia đình từng bữa. Con đường làm giàu chính đáng, ước mơ thu nhập cao từ nghề ngư nghiệp truyền thống chỉ còn lại là nỗi đau đáu hoài niệm.  

Dự án “ngọt hóa sông Nghèn” xét về khía cạnh cụ thể của ngành Nông nghiệp Hà Tĩnh đã mang lại những kết quả tích cực không thể phủ nhận nhưng để triển khai được dự án này, người dân các xã thuộc huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc… đã phải đánh đổi quá nghiệt ngã, bởi 100% nghề ngư nghiệp truyền thống bị xóa sổ hoàn toàn thì điều này đồng nghĩa buộc phải “vơi” đi bát cơm, manh áo hàng ngày, thay vào đó bà con lại phải “vật lộn” để thích nghi với nghề mới, chuyển đổi nghề mưu sinh để làm lại từ đầu.

Nhưng thực tế là, sau nhiều năm bươn chải, người dân vẫn chưa thể thích nghi, cuộc sống vẫn lầm lũi, khốn khó.


 Hàng ngày ngư dân thôn sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn tất bật mưu sinh gắn bó với nghề nhưng kết quả thu được chẳng là bao. Ảnh: Nguyên Dũng

Trưởng thôn sông Tiến Nguyễn Văn Hồng thở dài nói với chúng tôi: Đã hơn 11 năm nay kể từ ngày cống Đò Điểm đóng, chia đôi mặn, ngọt dòng sông Nghèn, nhiều người dân vẫn quanh quẩn, lầm lũi mưu sinh bên sông nhưng thu nhập của họ rất thấp, bấp bênh và viễn cảnh thật buồn, trái ngược với trước đây. Sau khi đóng cống Đò Điểm thì những mất mát, thiệt thòi của người dân vùng ảnh hưởng đã rõ mười mươi, thế nhưng những hứa hẹn về một viễn cảnh đổi thay ở vùng đất cơ cực này cho đến nay vẫn chưa hề được kích hoạt.

“Đã có rất nhiều đoàn công tác từ tỉnh, huyện về, cũng có lãnh đạo nói rất hay, rất triết lý và hứa hẹn cũng rất nhiều về sự đầu tư, hỗ trợ các công trình đi kèm để thúc đẩy sinh kế cho dân như, đầu tư làm đường sá, hệ thống điện, khu xử lý rác thải, hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp, xây nhà văn hóa… bù đắp cho những thiệt thòi cho bà con nhưng vẫn chưa thấy được thực hiện. Bà con đã chờ đợi quá lâu”, ông Hồng nói.

Ông Hồng cho biết thêm, trước mắt người dân địa phương rất cần các cơ quan chức năng có trách nhiệm hỗ trợ, cho đầu tư 2 công trình cấp thiết nhất là đường bê tông giao thông (trước đây là quai đê sông Nghèn) dài khoảng 2,5km nối liền từ khu dân cư ra khu đất có diện tích 100 ha đất bãi bồi (đã được cải tạo, thau chua rửa mặn từ Dự án ngọt hóa sông Nghèn), cùng một trạm điện biến áp công suất cao đặt tại đây để phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp.


Ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng thôn sông Tiến (xã Thạch Sơn) cho biết từ khi đóng cống Đò Điểm để ngăn mặn, giữ ngọt thì cuộc sống của người dân trong thôn gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: Nguyên Dũng

Ghi nhận những nỗi niềm của người dân về một tương lai tươi sáng, không phải như hiện tại, đặc biệt là khi “cuộc cách mạng  thay đổi vị" của con sông Nghèn đã bước qua năm thứ 6, chúng tôi  chuyển đến các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lời khẩn cầu thống thiết của người dân đang chịu ảnh hưởng từ dự án ngọt hóa, mong sớm có lời giải đáp.

Bên cạnh hậu quả từ việc con người phải đánh đổi sinh kế thì việc ngăn chặn dòng chảy tự nhiên của sông Nghèn cùng nhiều bất cập trong công tác đánh giá tác động môi trường của quá trình triển khai dự án đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng về môi trường trên tuyến sông này.

Kỳ III: Ô nhiễm, bức tử hệ sinh thái từ việc ngọt hóa?

 Nguyên Dũng - Xuân Thành