Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Ngọt hóa sông Nghèn bằng dự án thủy lợi nghìn tỷ

Thứ năm, 08/08/2019 - 15:48

(Thanh tra)- Sông Nghèn bắt nguồn từ cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), nhập với sông Rào Cái tại Hộ Độ (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) với chiều dài 60km, diện tích lưu vực gần 556km2. Sông Nghèn được hợp lưu bởi sông Già và nhiều khe, suối nhỏ. Tháng 3/2008, cống Đò Điểm trên sông Nghèn hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo một “cú hích” lớn cho ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, nhưng cũng tạo ra những thách thức khó lường…

Công trình ngăn mặn giữ ngọt cống Đò Điểm trên sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng

Dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn được đầu tư, xây dựng là một chủ trương đúng đắn, góp phần cung cấp nước tưới cho hơn 12.000ha đất nông nghiệp tại 5 huyện, thị phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời, cấp nước sinh hoạt, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu nước, đảm bảo an toàn cho đê La Giang trong mùa mưa bão, kết hợp với giao thông thủy lợi, chủ động ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu - nước biển dâng…

Tuy nhiên, những bất cập, hạn chế trong quá trình tính toán, công tác điều tra đánh giá tác động môi trường của dự án đã dẫn đến hậu quả khôn lường.

Thực trạng sông Nghèn đang bị “bức tử” bởi sự ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay đồng nghĩa với việc hàng ngàn hộ dân ở các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải gánh chịu hậu quả môi trường từ con sông.

Sông Nghèn bắt nguồn từ cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), nhập với Sông Rào Cái tại Hộ Độ (huyện Lộc Hà) với chiều dài 60km, diện tích lưu vực gần 556km2. Sông Nghèn được hợp lưu bởi sông Già và nhiều khe, suối nhỏ. Tháng 3/2008, cống Đò Điểm trên sông Nghèn hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo một “cú hích” lớn cho ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, nhưng cũng tạo ra những thách thức khó lường…

Việc ngăn cống Đò Điểm đã làm cho bèo Tây (lục bình) và nhiều loại sinh vật gây hại phát triển. Ảnh: Nguyên Dũng

Công trình “đổi vị” nguồn nước lịch sử!

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-BNN-XD ngày 9/6/2011; Quyết định số 1290/QĐ-BNN-XD ngày 12/6/2014. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.277 tỷ đồng; trong đó cống Đò Điểm là 175,3 tỷ đồng (cống này khởi công xây dựng từ tháng 12/2000, hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 3/2008), riêng hợp phần hệ thống kênh trục sông Nghèn là 1.102 tỷ đồng.

Theo ông Đặng Phi Hùng, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Tĩnh), phê duyệt của cơ quan chức năng cấp trên là vậy nhưng thực tế tổng mức đầu tư của dự án sau đó đã bị cắt bớt vì thiếu vốn. 

Tính đến thời điểm hiện tại (sau khi công trình cơ bản đã hoàn thành) tổng mức đầu tư dự án là 988,88 tỷ đồng; trong đó cống Đò Điểm là 175,344 tỷ đồng, hợp phần hệ thống kênh trục sông Nghèn là 823,536 tỷ đồng, nguồn vốn được huy động từ trái phiếu Chính phủ. 

Cũng theo ông Hùng, từ khi cống Đò Điểm (Ba ra Đò Điểm) hoàn thành, đưa vào sử dụng (tháng 3/2008) thì nguồn nước sông Nghèn đã “đổi vị” hoàn toàn. 

Vì cống có tác dụng ngăn nước mặn từ biển xâm lấn lên, giữ ngọt cho sông Nghèn khi nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, từ đó tạo nguồn nước tưới tiêu cho ngành Nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thuộc các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, cống Đò Điểm là công trình ngăn mặn, giữ ngọt lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau công trình đập Thảo Long ở Thừa Thiên - Huế) và cũng là công trình ngăn mặn, giữ ngọt lớn thứ 2 ở Đông Nam Á hiện nay. 

Hệ thống đập ngăn mặn này gồm 21 nhịp, chiều dài 266m, rộng 7m, có 12 cửa van tự động, 4 cửa van khung, 2 âu thuyền trọng tải 200 tấn.  Cống có bản đáy bằng bê tông cốt thép M300, dày 110cm, dài 18,5m. Đối với cửa khoang tự động thì 4 khoang tạo thành một khối có bề rộng 38,8m. 

Đối với khoang cửa khung thì 2 khoang tạo thành một khối có bề rộng 35,1m. Các khối liên kết với nhau bằng khớp nối ở các khe lún. Cống Đò Điểm có liên quan mật thiết đến nhiều công trình khác trong hệ thống sông Nghèn và điều kiện sản xuất nông nghiệp của nhiều vùng ở thượng lưu sông.

Tình trạng ô nhiễm ở một lạch nhỏ chảy ra sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Đức Thọ đều cho rằng, sông Nghèn có tầm quan trọng trong công tác thủy lợi và giao thông đường thủy nội địa ở phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh. 

Điều đáng nói là, từ khi dự án cống Trung Lương (công trình điều tiết nước ngọt từ sông Lam vào sông Nghèn) hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2001 và dự án ngọt hóa sông Nghèn (cống Đò Điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 3/2008) thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thực sự góp phần tạo nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp, vì trước đó gần như hơn 12.000ha đất ở Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà đều bị bỏ hoang do nhiễm mặn. 

Ngoài ra công trình đã “giải cứu” cho khoảng 2.000ha đất trồng trọt, vườn tược của thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ.

Phóng viên (ngoài cùng, bên trái) làm việc với người dân sống hai bên sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng

Nảy sinh nhiều bất cập, thách thức

Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận đối với ngành Nông nghiệp thì việc chặn ngang dòng chảy tự nhiên trên lưu vực sông Nghèn tại cống Đò Điểm đã tạo ra hệ quả nhãn tiền và thách thức vô cùng lớn. 

Điều này đã được các chuyên gia của Viện Khoa học Vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh - cảnh báo trong “Nghiên cứu đánh giá chất lượng nguồn nước sông Nghèn và đưa ra các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm”. Nghiên cứu này vừa hoàn thành năm 2018.

Theo nhóm chuyên gia, khi cống Đò Điểm đi vào hoạt động với chức năng chính là ngăn mặn, giữ ngọt, tích nước cho vùng thượng nguồn vào mùa khô đã làm cho chế độ thủy văn của sông Nghèn thay đổi rất lớn. 

Tốc độ dòng chảy, mực nước trên sông, chế độ thủy triều đã thay đổi hoàn toàn so với quy luật tự nhiên trước đây. Vào mùa lũ, do sông Nghèn có diện tích lưu vực rộng và các nhánh sông phía thượng nguồn có địa hình dốc, khả năng tập trung lũ nhanh nên tốc độ dòng chảy lũ lớn từ 10 - 20m3/km2. Cống Đò Điểm xây dựng đã phần nào làm giảm tốc độ dòng chảy xuống còn 4,5 - 5m3/km2. Điều này đồng nghĩa với việc thoát lũ cho vùng thượng nguồn và vùng trung, hạ du sông sẽ chậm lại.

Việc điều tiết dòng chảy trên sông Nghèn đã làm giảm tốc độ dòng chảy, tăng quá trình bồi lắng lòng sông, gây ách tắc dòng chảy. Tạo ra các vùng nước bị tù đọng trong thời gian dài, mất khả năng lưu thông của nước, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sông. Điều này được thấy rõ qua kết quả phân tích, đánh giá chất lượng nước mặt trên sông Nghèn qua thông số các chất hữu cơ như (BOD5, COD) và oxy hòa tan (DO)…

Từ đó tạo điều kiện cho các sinh vật phù du có hại cho nguồn nước phát triển trên diện rộng, đặc biệt trong đó là bèo tây (cây lục bình) phát triển rất mạnh ở các đoạn sông chảy qua xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc), Phù Lưu (huyện Lộc Hà)… gây tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương. 

Vào mùa mưa, bèo tây theo dòng nước trôi về phía khu vực cống Đò Điểm, đã bủa vây, bức hại cá lồng nuôi bè trên sông, làm ách tắc các cửa van, gây khó khăn cho công tác vận hành thoát lũ của cống Đò Điểm.

Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, cống Đò Điểm được đầu tư, đưa vào sử dụng đã làm biến mất hoàn toàn nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, kéo theo hệ lụy buồn cho hàng ngàn hộ dân sống hai bên bờ con sông tại các xã Thạch Sơn, Thạch Mỹ, Hộ Độ sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản truyền thống.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, hiện vẫn chưa có nghiên cứu, đánh giá tổng thể nào để kết luận rằng hiện tượng bồi lắng tại cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) là do sống Đò Điểm chặn ngang dòng chảy sông Nghèn. 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, kể từ khi cống Đò Điểm hoàn thành, đưa vào sử dụng (tháng 3/2008) thì tình trạng bồi lắng tại khu vực này diễn ra nhanh, mạnh hơn trước nhiều. 

“Trước đây lúc chưa có cống Đò Điểm, vào thời điểm thủy triều kiệt nhất, độ sâu trung bình của cảng vẫn ở mức -4,1m, nhưng từ khi có cống Đò Điểm, tình trạng bồi lắng diễn ra nhanh, đặc biệt là những năm gần đây, hiện mực nước chỉ còn lại từ -0,8m đến -1,3m. Điều này khiến tôi rất trăn trở. Trước thực trạng tàu bè mắc cạn vì cảng biển bị bồi lắng, ngư dân điêu đứng vì tàu thuyền không thể qua lại, tôi đã nhiều lần làm tờ trình gửi cơ quan chức năng cấp trên”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, việc nạo vét cảng cá Cửa Sót để tàu thuyền lưu thông dễ dàng hơn chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài cần có các nghiên cứu chuyên sâu về đánh giá tác động môi trường của cống Đò Điểm trên sông Nghèn, hiện trạng cảng biển Cửa Sót, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, thích ứng cao.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyên Dũng

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong các năm từ 2014 - 2017, nhằm khắc phục tình trạng tàu thuyền khó khăn ra vào cảng Cửa Sót và góp phần làm giảm thiểu rủi ro của thiên tai, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định đầu tư kinh phí hơn 110 tỷ đồng cho 2 dự án nạo vét cảng biển Cửa Sót nhưng đến nay kết quả vẫn như… muối bỏ bể. Tiền thì đã đầu tư nhưng tình trạng bồi lắng vẫn diễn ra và hiện nay tình trạng tàu thuyền mắc cạn vẫn chưa thể giải quyết.  

Trả lời phóng viên Báo Thanh tra, nhiều chuyên gia về lĩnh vực môi trường và một số lãnh đạo thuộc cơ quan chức năng Hà Tĩnh (xin được giấu tên - PV) cho rằng, trước khi triển khai xây dựng dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn, thì đã có những nghiên cứu, lập báo cáo, đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên những báo cáo này chưa đánh giá đúng mức độ tác hại của việc ngăn cống Đò Điểm đối với môi trường và xã hội mà lại nặng nề trong việc tính toán “lợi ích kinh tế”. Chính vì thế mà hậu quả là sông Nghèn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trong những năm gần đây, gây ra vô vàn hệ lụy, sự bất cấp cho hàng ngàn hộ dân sống hai bên lưu vực con sông này.

Kỳ II: “Tha phương vì cùng đường sinh kế”

Xuân Thành - Nguyên Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm