Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Cao Sơn

Thứ bảy, 14/12/2024 - 07:05

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Muốn thu hút được khách hàng, Hà Nội cần nhanh chóng cải thiện hạ tầng xe buýt.

 Hạ tầng cơ sở cần được nâng cấp

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện trên địa bàn có 153 tuyến buýt, tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh, thành lân cận gồm: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hoà Bình, Vĩnh Phúc.

Hiện nay, toàn mạng lưới tuyến có 4.700 điểm dừng đỗ và 350 nhà chờ, 12,9 km làn đường dành riêng cho xe buýt. Như vậy, phần lớn các điểm dừng đỗ chưa có nhà chờ đã ảnh hưởng rất nhiều tới hành khách. Đặc biệt là ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi thời thiết mưa nắng. Không có vị trí thuận tiện để chờ xe buýt sẽ tạo ra tâm lý e ngại của người dân khi sử dụng dịch vụ này.

Bên cạnh đó, cơ bản hệ thống điểm dừng đỗ xe buýt trong các quận nội thành thường xuyên bị lấn chiếm gây khó khăn cho công tác vận hành cũng như gây mất an toàn khi xe ra vào điểm trả khách, cũng dễ gây ùn ứ giao thông khi vào khung giờ cao điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ thống hạ tầng dành cho xe buýt của Hà Nội hiện nay nhìn chung vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như nhu cầu đi lại và năng lực vận chuyển của VTHKCC bằng xe buýt, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận với xe buýt. Muốn thu hút được người dân sử dụng xe buýt, ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thì cơ sở hạ tầng cần phải được đồng bộ và nâng cấp.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, các điểm dừng xe buýt vẫn đang bị biến động khá nhiều. Nhưng trong khu vực nội thành về cơ bản vẫn bảo đảm rất tốt cự ly dưới 500m giữa các điểm chờ xe buýt. Thực tế cho thấy việc bố trí các điểm dừng xe buýt nội thành với khoảng cách trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho phần lớn người dân, cần được duy trì và tiếp tục sắp xếp điểm dừng xe buýt theo hướng này.

Tuy nhiên, tại các khu vực ngõ ngách, việc tiếp cận điểm dừng vẫn còn gặp khó khăn. Khoảng cách đi bộ khá xa từ các ngõ nhỏ đến điểm dừng là rào cản. Cần quan tâm tích cực hơn nữa về vấn đề giao thông đi bộ cho người dân, có thể nghiên cứu thêm các phương thức kết nối để bảo đảm tốt nhất nhu cầu đi lại, tiếp cận VTHKCC. Có thể nghiên cứu, tổ chức một số tuyến buýt kết nối trực tiếp giữa các tuyến tàu điện để trung chuyển hành khách, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải cho hay.

Cũng theo Thạc sĩ Hải, TP Hà Nội cần có bộ giải pháp tổng thể, bao gồm nhiều giải pháp như: hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt; cải thiện cơ sở hạ tầng; đổi mới phương tiện; ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường công tác quản lý, điều hành… Đặc biệt, về nâng cấp cơ sở hạ tầng, cần bố trí mạng lưới điểm dừng, nhà chờ xe buýt hợp lý hơn, bảo đảm các tiêu chí: dễ tiếp cận, an toàn, thuận tiện.

Hiện phần lớn các vị trí đón xe buýt là điểm dừng, cần được nâng cấp lên thành nhà chờ che mưa nắng để phục vụ người dân. Mỗi điểm dừng chờ phải có nhiều hành lang tiếp cận tiện lợi hơn, có thể dễ dàng tới được bằng cách đi bộ, sử dụng xe đạp công cộng, hoặc xe cá nhân… Những đầu mối giao thông có sự liên kết giữa xe buýt, tàu điện cần được đầu tư bài bản để mang đến cho hành khách cảm giác thoải mái, tiện lợi nhất.

Việc phát triển hạ tầng cho xe buýt xanh là vô cùng quan trọng

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất để xe buýt thu hút khách, đáp ứng mong muốn của hành khách là tổ chức hệ thống di chuyển riêng cho nó. Nếu không có làn đường riêng, xe buýt sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc bảo đảm thời gian đi lại khi mà lượng xe cá nhân gia tăng từng ngày.

 Phát triển hạ tầng xe buýt xanh

 Song song với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng xe buýt để thu hút người dân, thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ Đề án phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh vừa được UBND TP Hà Nội thông qua cũng rất quan trọng đối với việc phát triển VTHKCC của TP Hà Nội.

 Một trong những khó khăn lớn nhất với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang sử dụng nhiên liệu xanh là nguồn vốn đầu tư rất lớn cho xây dựng hạ tầng và chuyển đổi phương tiện.

 Để đạt được mục tiêu đó không hề dễ dàng, cần có nhóm giải pháp toàn diện, hiệu quả, đặc biệt nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách được xem là chủ công quan trọng nhất. Có cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng mới tháo gỡ được những khó khăn về hạ tầng, nguồn vốn đầu tư… cho xe buýt Hà Nội.

 Để giải quyết được vấn đề này, Thạc sĩ quản lý đô thị - Phan Trường Thành cho rằng: Thứ nhất, ngân sách của TP Hà Nội phải tiếp tục bố trí, sử dụng có hiệu quả kinh phí trợ giá cho hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (ưu tiên cho xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh) cũng như hỗ trợ một phần chi phí lãi vay đầu tư phương tiện, đầu tư hạ tầng. Khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải và các đơn vị xã hội hóa đầu tư phương tiện, pin thay thế và lãi vay; đầu tư hạ tầng trạm sạc/trạm tiếp nhiên liệu (CNG/LNG), trạm biến áp, hệ thống điều khiển, hệ thống cung cấp điện tại depot.

 Thứ hai, để phát triển được hạ tầng vững chắc, phục vụ đắc lực cho việc chuyển đổi sang xe buýt xanh, Hà Nội cần xây dựng hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng theo các giai đoạn bảo đảm cung ứng đủ cho xe buýt xanh hoạt động. Nghiên cứu xây dựng các trạm sạc điện nhanh tại các điểm đầu cuối các tuyến xe buýt, trạm sạc công cộng, trạm cung cấp nhiên liệu mới bảo đảm thuận lợi, tiện nghi cho người sử dụng, tránh lãng phí cơ sở hạ tầng và nguồn lực đầu tư.

 Ngành Điện lực cần có phương án cung cấp, bảo đảm nguồn điện công suất lớn để vận hành các trạm nạp cho xe điện trên toàn mạng lưới xe buýt của TP, bảo đảm xe buýt hoạt động ổn định, không bị gián đoạn. Tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới, phương tiện, dịch vụ các tuyến bảo đảm phương tiện tối ưu khi thực hiện chuyển đổi, nhằm giảm tối đa chi phí tái cấu trúc mạng lưới các tuyến buýt. Thiết kế lại các tuyến buýt khi đưa vào đấu thầu, bảo đảm phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, khả năng hoạt động của các loại xe buýt điện, CNG/LNG.

 Thứ ba, Cần quy hoạch các đầu mối giao thông, hệ thống bãi đỗ xe kết hợp lồng ghép các yêu cầu về dành một diện tích đất nhất định để quy hoạch trạm sạc điện, trạm cung cấp năng lượng xanh. Xây dựng các quy chuẩn về hạ tầng dùng chung cho hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng điện.

 Một điều kiện cũng rất quan trọng để phát triển xe buýt xanh là nguồn nhân lực. Hà Nội cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao nguồn nhân lực hiện có để sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh và kết cấu hạ tầng năng lượng điện, năng lượng xanh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024
Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm