Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ V: Bỏ cống ngăn mặn hay duy trì nỗi thống khổ?

Thứ ba, 08/10/2019 - 08:30

(Thanh tra) - Sau hơn 11 năm đưa vào sử dụng, hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách tiếp tục được “rót về” để duy trì bộ máy vận hành, nạo vét do bùn đất bồi lấp từ sự thay đổi quy luật tự nhiên. Bên cạnh việc không mang lại hiệu quả như mong đợi, dự án ngọt hóa sông Nghèn và hệ thống kênh trục 1.277 tỉ đồng này còn gây hệ lụy nghiêm trọng về môi trường, tốn kém, thiệt hại nặng nề về kinh tế...

Vì sao ngọt hóa sông Nghèn nhưng nông dân vẫn bỏ ruộng?

Tháng 3/2008, cống Đò Điểm, công trình “đổi vị” nguồn nước sông Nghèn từ mặn sang ngọt, đưa vào sử dụng. Ban đầu dự án được coi như một “kỳ tích” vì đã tạo “cú hích” lớn cho ngành Nông nghiệp tỉnh nhà với hơn 12.000ha đất nông nghiệp tại 5 huyện, thị phía Bắc của Hà Tĩnh thoát cảnh thiếu nước ngọt.

Sau hơn 11 năm sông Nghèn được ngọt hóa, hiếm thấy người nông dân mặn mà với những mảnh ruộng từng được xem là “tấc đất, tấc vàng” “bờ xôi ruộng mật”. Cũng trong hơn 11 năm ấy lại liên tiếp xảy ra tình trạng người nông dân dọc sông Nghèn bỏ ruộng không gieo cấy.

Ông Trần Kính (60 tuổi, khối phố 9, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) than thở: Nhiều năm trước, khi dự án “đổi vị” nguồn nước sông Nghèn hoàn thành, gia đình làm tổng cộng hơn 8 sào lúa. Sản lượng vụ Đông Xuân  (từ tháng 12 đến tháng 4) được 2 tấn. Vụ Hè Thu (từ tháng 6 đến tháng 9) được hơn 1,5 tấn. Nhưng 3 năm trở lại đây, gia đình ông chỉ làm  2 sào lúa để đủ ăn, số còn lại bỏ hoang.

Theo ông Kính, dù sông Nghèn đã được ngọt hóa nhưng qua thực tế tính toán thì làm lúa không hiệu quả. Năng suất 1 sào lúa đạt từ 2 - 3 tạ, với giá hiện nay giao động từ 550 - 600 ngàn/tạ. Tổng tiền thu được sau khi trừ các khoản chi phí như, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công cày bừa, gặt lúa, tính ra mỗi sào ruộng vỏn vẹn thu về không đầy 90 ngàn đồng. Số tiền này nếu trang trải cho 3 tháng trồng lúa là… công không. 

“Đó là chưa kể đến việc gặp phải rủi ro do thiên tai như hạn hán, bão lụt hoặc sâu bệnh, chuột sâu bọ phá hoại thì trắng tay”, ông Kính nói.

Người dân cho rằng gỡ bỏ cống Đò Điểm là giải pháp cho “bài toán” sông Nghèn bị ô nhiễm. Ảnh: Trần Thọ

Ông Kính cho biết thêm, dọc theo sông Nghèn, đoạn qua địa bàn khối 9, thị trấn Nghèn trên chiều dài hơn 2km có 386 hộ dân với khoảng 1.500 nhân khẩu. Những hộ dân này trước đây phần lớn làm nông nghiệp nhưng nay nhiều gia đình đã chuyển đổi nghề khác, đi xuất khẩu lao động, làm thợ hồ, buôn bán.

Theo thống kê của huyện Can Lộc, tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện này hơn 21.358ha, diện tích đất hoang hóa (chưa sử dụng) 1.647ha, đó là chưa kể đến diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang mỗi vụ.

Tại các xã nằm giáp sông Nghèn như Tiến Lộc, thị trấn Nghèn, Thuần Thiện, Tùng Lộc, Vượng Lộc, Thiên Lộc... trong mấy năm nay, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân bỏ ruộng vì sản phẩm lúa làm ra không đủ bù chi phí.

Ghi nhận của PV từ thực tế cho thấy, nếu trước kia, chỉ những mảnh ruộng trũng, khó khăn về tưới tiêu hoặc đất canh tác không hiệu quả thì mới bị bỏ, thì những năm gần đây, ngay cả những “bờ xôi ruộng mật” ven sông Nghèn, dù sản xuất thu được năng suất cao người dân vẫn bỏ hoang.  

Bà Đặng Thị Đệ (73 tuổi, ngụ xóm Minh Tiến, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) nói: “Những năm trước gia đình tôi làm tổng cộng 3 sào ruộng lúa, năm nay bỏ hết 2 sào. Không chỉ tôi mà các con tôi đã lập gia đình, được chia ruộng cũng bỏ ruộng đi vào miền Nam làm công nhân. Nhiều gia đình trên địa bàn cũng vậy”.

Anh Trần Đình Đường, cán bộ nông nghiệp xã Tùng Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: Tùng Lộc là một xã thuần nông nằm gối đầu bên sông Nghèn, diện tích đất tự nhiên hơn 9.159ha; trong đó đất nông nghiệp khoảng 6.460ha, đất hoang hóa (đất chưa sử dụng) gần 505ha, ngoài ra còn đất ao hồ, biền bãi. 

“Những năm trở lại đây, người nông dân ở địa phương bỏ ruộng, rời quê vào các tỉnh phía Nam mưu sinh rất nhiều. Hiện ở quê đa phần là người già, trẻ nhỏ và số ít trung niên”, anh Đường nói.

Cũng theo anh Đường, có nhiều lý do dẫn đến việc người nông dân ven sông Nghèn bỏ ruộng, đó là rủi ro thiên tai, dịch bệnh, mất cân đối trong lao động, tiền giống, thuốc trừ sâu  giá cao, năng suất lúa thấp. 

Ngoài Tùng Lộc thì hiện nay, nhiều xã khác nằm dọc sông Nghèn, hầu hết thanh niên trong độ tuổi lao động đã thoát ly đi làm tại các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hà Nội… hoặc xuất khẩu lao động sang các nước, vùng lãnh thổ như Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Đức… Số ít còn lại ở quê nhà mưu sinh và những người này cũng không mặn mà với đồng ruộng vì thu nhập từ cây lúa, hoa màu rất thấp lại bấp bênh.

Tìm hiểu của PV Báo Thanh tra cho thấy, việc người nông dân bỏ ruộng tại địa bàn các huyện giáp sông Nghèn như: Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Thạch Hà, thị xã Hồng Lĩnh những năm gần đây là một thực trạng đáng báo động. Tuy nhiên, hệ quả ấy không làm nông dân nghèo đi mà thậm chí kinh tế của họ còn khá lên. 

Ruộng đồng hiện nay không còn là sinh kế duy nhất khi người nông dân có nhiều sự lựa chọn khác. “Nông nghiệp ruộng đồng manh mún” dần trở nên lạc lõng trong cuộc công nghiệp hóa và mở cửa nền kinh tế. Đó là lý do dễ hiểu khi đi dọc theo sông Nghèn trên chiều dài hơn 50km từ cống Đò Điểm lên cống Trung Lương (Hồng Lĩnh) và cống Bùi Xá (Đức Thọ) dễ dàng nhìn thấy mênh mông những ruộng không người cày cấy, cỏ hoang, bèo tây mọc um tùm từ nhiều năm qua.

Ngao chết trắng ao đầm, ngư dân lâm cảnh trắng tay. Ảnh: Nguyên Dũng

Theo thống kê của UBND huyện Đức Thọ năm 2019, toàn huyện có 23.650 hộ sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích đất sản xuất hàng năm là 8.788ha, trong đó đất trồng lúa 6.666ha, đất trồng cây rau màu hàng năm 2.122ha. 

Tính đến tháng 6/2019 có 7 xã trên địa bàn có tình trạng người dân bỏ hoang ruộng và 13 xã có tình trạng người dân trả ruộng.  597 hộ gia đình đã trả lại ruộng đất với tổng diện tích 120,7ha, trong đó đất lúa 108,8ha, đất màu 11,4ha. Các xã có diện tích người dân trả ruộng lớn như Tùng Ảnh, Yên Hồ, Trường Sơn, Thái yên, Đức Tùng. 

Ngoài ra còn 668 hộ không có nhu cầu sản xuất, có ý xin được trả lại ruộng đất với tổng diện tích 104ha, trong đó đất lúa 94,2ha, đất màu 8,8ha. Bên cạnh đó, còn có  507ha đất bỏ hoang nhiều năm nay (đất lúa 354ha, đất màu 153ha).

Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng  Nông nghiệp huyện Thạch Hà cho biết: Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện là hơn 35.391ha, trong đó đất nông nghiệp là 23.491ha, diện tích lúa 15.701ha (vụ Đông Xuân 7.973ha, năng suất đạt 55,7 tạ/ha; vụ Hè Thu 7.7671,5ha; năng suất đạt 47,5 tạ/ha); đất bỏ hoang 2.270ha.

Theo ông Sáu, những năm gần đây, tình trạng nông dân tại 6 xã giáp ranh sông Nghèn của huyện này như Thạch Liên, Thạch Kênh, Thạch Sơn, thị trấn Thạch Hà, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn… bỏ ruộng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là vụ Đông Xuân. Nguyên nhân vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bèo tây xâm lấn, thu nhập quá thấp, trong khi các nghề khác phát triển, thu nhập cao hơn. 

Một lý do khác là cống Đò Điểm trên sông Nghèn đã đóng 11 năm nay để “ngọt hóa” nhưng đến thời điểm này nhiều vùng đất vẫn bị nhiễm mặn không thể canh tác như vùng đất bãi lũy ở thôn Sông Tiến (xã Thạch Sơn).  

Ông Hoàng Thanh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Trong cơ cấu kinh tế của địa phương này, nông nghiệp chỉ chiếm 4,2%, với tổng diện tích 3.348ha, trong đó đất lúa 1.661ha, đất trồng cây hàng năm 81,5ha, đất nuôi trồng thủy sản 40ha.

Theo ông Sơn, thời gian qua việc các hộ dân trên địa bàn bỏ ruộng, trả ruộng là chính xác, đặc biệt xảy ra tại các phường như: Đậu Liêu, Nam Hồng và xã Thuận Lộc. Nguyên nhân là do chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

“Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp kém, thấp hơn so với nghề khác nên người dân bỏ ruộng không cày cấy chuyển sang làm nghề có thu nhập cao hơn”, ông Sơn nói.

56 hộ dân thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) đồng loạt làm đơn khởi kiện, yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phải bồi thường thiệt hại. Ảnh: Nguyên Dũng

56 hộ dân thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) đồng loạt làm đơn khởi kiện, yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phải bồi thường thiệt hại. Ảnh: Nguyên Dũng

Cũng theo ông Sơn, đây là hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường mở cửa, khu vực tư nhân được cởi trói, người nông dân với mảnh ruộng lúa nhỏ nhoi của mình bị tụt lại chóng mặt so với các khu vực công nghiệp, dịch vụ. Nông dân lạc lõng trong cuộc công nghiệp hóa, mở cửa nền kinh tế.

Tìm hiểu xung quanh vấn đề này chúng tôi được biết, ngoài việc đầu tư 1.277 tỷ đồng để thực hiện dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn thì hơn 11 năm qua, chính quyền Hà Tĩnh và các bộ ngành Trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải đã chi hàng trăm tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng các hạng mục liên quan của công trình và nạo vét cảng biển Cửa Sót (điểm đầu của sông Nghèn) do bị bồi lắng. 

Nghịch lý ở đây là, các dự án xử lý trên không mang lại hiệu quả như mong muốn và rất tốn kém, lãng phí. Hơn ngàn tỷ đồng của Nhà nước “như đang bị ném” vào dự án để sông Nghèn được “ngọt hóa” nhưng tình trạng người nông dân bỏ ruộng diễn ra ngày càng nhiều? Sự buông bỏ này không chỉ diễn ra tại các xã nằm ven sông Nghèn mà “phong  trào bỏ ruộng” đã lan rộng ra cả các vùng, xã khác xa hơn với mức độ năm sau cao hơn năm trước.

11 năm qua, kinh phí Nhà nước bỏ ra để nạo vét sông Nghèn, cảng biển Cửa Sót lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng con sông Nghèn vẫn bị ô nhiễm, cảng biển Cửa Sót vẫn bị bồi lắng trầm trọng, ngư dân kêu trời khi thuyền không thể vào bờ mưu sinh hoặc trú ẩn an toàn trong mùa mưa bão.

 Người dân khởi kiện công ty vận hành cống Đò Điểm

Tối ngày 8/9, rạng sáng 9/9/2019, có 259 lồng cá nuôi trên sông Nghèn của 54 hộ dân thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đồng loạt chết trắng sông, nổi sình bụng.

Cho rằng việc xả lũ qua cống Đò Điểm là nguyên nhân chính gây cá chết nên vừa qua 56 hộ dân thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) đã đồng loạt làm đơn khởi kiện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh ra Tòa án nhân dân thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) để đòi bồi thường thiệt hại.  

Cống Đò Điểm xả lũ khiến hơn 80 tấn cá của người dân trên sông Nghèn bị “sốc nước” chết trắng. Ảnh: Nguyên Dũng

Nước mắt chảy dài trên khuôn mắt lo lắng, hốc hác, chị Nguyễn Thị Đương (48 tuổi, thôn Sông Hải) tức tưởi nói: “Khoảng 12 lồng cá nuôi của gia đình tôi chết sạch không còn một con. Đây là số cá nuôi từ 2 - 3 năm nay, trọng lượng 2 - 3kg/con, tổng cộng khoảng 2 tấn cá, giá trị hơn 300 triệu đồng, nay sắp thu hoạch. Bao nhiêu vốn liếng, công sức đều mất cả. Nợ ngân hàng chồng chất, không biết nhìn đâu để trả bây giờ?”.

Cùng thời điểm, 13 lồng cá nuôi trên sông Rào Cái (một nhánh của sông Nghèn, dưới cống Đò Điểm khoảng 2km) của 8 hộ dân thôn Tây Sơn, xã Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà) cũng đồng loạt chết khiến ngư dân điêu đứng.

Ngoài cá nuôi, một số loài cá tự nhiên trên sông Nghèn cũng bị chết.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức thiệt hại của đợt cá chết trên khoảng 83 tấn, ước tính hơn 12 tỷ đồng.

Tiếp sau sự vụ cá chết, từ ngày 9 đến 11/9, khoảng 86ha ngao nuôi tại xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) cũng đồng loạt chết trắng vùng biển, người dân lao đao, nhiều gia đình thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Việt (62 tuổi, thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ) cho biết, tháng 10/2018, gia đình ông vay mượn 1,3 tỷ đồng tiền ngân hàng mua giống ngao về thả trên diện tích 14ha đầm mặn lợ trước nhà. Vừa qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cộng với việc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh (đơn vị quản lý, vận hành cống Đò Điểm) xả lũ khiến ngao bị “sốc nước”, chết trắng đầm. Theo ước tính, thiệt hại ngao chết của gia đình ông Việt hơn 3 tỷ đồng. “Bây giờ gia đình tôi lâm cảnh trắng tay, nợ ngân hàng ngập đầu không biết xoay xở đâu để trả”, ông Việt nói.

Ông Lê Xuân Hùng (53 tuổi, thôn Mai Lâm) cho biết: Đợt cống Đò Điểm xả lũ sau hoàn lưu bão số 4 và bão số 5 đã khiến 10,2ha ngao nuôi gần 1 năm tuổi của gia đình chết trắng, mức thiệt hại từ 80% trở lên. “Riêng tiền giống đã mất hơn 1,4 tỷ đồng rồi chú ạ. Đó là chưa kể tiền đầu tư ao đầm và công chăm sóc”, ông Hùng than thở.

Ông Nguyễn Đức Hậu, Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết, toàn xã có 39 hộ nuôi ngao trên tổng diện tích 86ha ở vùng cửa biển. Khảo sát của chính quyền địa phương cho thấy, tất cả các hộ nuôi ngao đều có ngao chết hàng loạt với tỷ lệ từ 55 - 90%, thậm chí nhiều hộ nuôi chết sạch 100%. Ước tính tổng thiệt hại 35 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, các hộ nuôi ngao thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) và các hộ nuôi cá lồng ở thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) cho rằng, nguyên nhân ngao, cá nuôi của họ bị chết là vì nguồn nước sông Nghèn bị ô nhiễm cộng với việc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh vận hành, xả lũ cống Đò Điểm không phù hợp. Từ đó độ mặn trong môi trường nước nuôi ngao, nuôi cá bị giảm đột ngột, “sốc nước” dẫn đến chết trắng ao đầm.

Thu thập thông tin từ nhiều nguồn của PV Báo Thanh tra cho thấy, nhiều năm qua, sông Nghèn bị ô nhiễm nặng vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn thải xả trực tiếp vào sông. Mặt khác, cống Đò Điểm đóng, chắn ngang dòng chảy tự nhiên của sông Nghèn khiến dòng sông luôn trong tình trạng ao tù, nước đọng, bùn đất bồi lắng, gây hôi thối, ô nhiễm. 

Điều đáng nói là, khi mùa mưa lũ đến, để “giải cứu” tình trạng ngập úng vùng thượng lưu sông Nghèn, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đã ồ ạt xả lũ.

 Kết luận của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc cho rằng sự biến động đột ngột độ mặn trong nước là nguyên nhân gây ra cá chết hàng hoạt trên sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng

Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, cho biết: Kết quả xác định nguyên nhân cá chết của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản và các cơ quan liên quan đều cho rằng hiện tượng cá, ngao chết trong thời gian qua trên sông Nghèn là do “sốc nước” khi độ mặn ở vùng nước nuôi bị giảm đột ngột. Điều này xuất phát từ việc mưa lũ kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về cộng với việc cống Đò Điểm xả lũ mang theo vật chất hữu cơ và các chất thải nông nghiệp, công nghiệp gây ảnh hưởng làm cá, ngao nuôi bị chết.

Chiều 6/10, trao đổi với PV Báo Thanh tra, luật sư Nguyễn Ngọc Ánh (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho biết, 56 hộ dân nuôi cá lồng ở thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn) và 39 hộ nuôi ngao ở xã Mai Phụ bị thiệt hại có quyền khởi kiện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nhưng, yêu cầu khởi kiện có được tòa án chấp nhận hay không thì người dân phải chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và đúng theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Đình Lợi, Giám đốc Công ty Luật TNHH Mai Sen (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) thì cho rằng: Sự việc nêu trên thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.

Để có cơ sở khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh bồi thường thiệt hại thì các hộ dân bị thiệt hại phải chứng minh được lỗi của đơn vị này. Nếu chứng minh được lỗi của hành vi xả lũ dẫn đến cá lồng, ngao nuôi chết hàng loạt thì người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Nếu không kịp thời có những chính sách, giải pháp đúng đắn thì việc “đổ tiền” vào các dự án nạo vét sông Nghèn, cảng Cửa Sót như thời gian qua không chỉ là “giã tràng xe cát biển đông” mà còn ẩn họa nhiều hậu quả nhãn tiền. Điều này đồng nghĩa với những thất thoát, lãng phí tiền của Nhà nước trầm trọng và phát sinh những hệ lụy khiến 95.000 người dân sống dọc sông Nghèn bị bức tử vì ô nhiễm môi trường.

Vậy thì, nên bỏ cống ngăn mặn hay tiếp tục duy trì nỗi thống khổ?

Kỳ VI: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí? 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh né trả lời báo chí

Sau hơn 2 tháng liên hệ, đăng ký làm việc (được Chánh Văn phòng hướng dẫn gửi câu hỏi bằng văn bản qua email), 12 lần trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, PV Báo Thanh tra vẫn tiếp tục được ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở tiếp... hứa.

Việc người đứng đầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn HàTĩnh né tránh trả lời Báo Thanh tra đã vi phạm Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, gây khó khăn trong hoạt động tác nghiệp chính đáng, yêu cầu cần được làm sáng tỏ lý do và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên Dũng - Xuân Thành -Trần Thọ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm