Ngọt hóa biến sông thành “túi” đựng ô nhiễm

Theo nghiên cứu đánh giá chất lượng nguồn nước sông Nghèn của các chuyên gia đến từ Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Trung tâm Quan trắc & Kỹ thuật môi trường Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh, năm 2018, việc ngọt hóa đã biến sông Nghèn trở thành “túi” đựng chất thải từ vô số nguồn thải chưa qua xử lý.

Nguồn nước thải sinh hoạt của 95.000 người dân sống lưu vực sông Nghèn ước tính lên đến hàng ngàn m3/ngày đêm. Với đặc điểm hàm lượng chất hữu cơ cao, chứa nhiều vi sinh vật gồm cả vi sinh vật gây bệnh là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính đối với nguồn nước sông Nghèn.

Hiện nay, trên lưu vực sông Nghèn còn có nhiều cụm công nghiệp, làng nghề như: Thái Yên, Trung Lương, Nam Hồng, Cổng Khánh, Hạ Vàng, cụm thương mại xã Thạch Long, Nhà máy Đông lạnh Đò Điểm, Nhà máy Phân bón Thạch Sơn… là những nguồn xả thải ra sông Nghèn, trong đó có cơ sở như Nhà máy Sợi Hồng Lĩnh phát sinh nước thải lớn, lưu lượng ước tính khoảng 59,4m3/ngày đêm, tương đương 21.680m3/năm.

Đặc biệt là hiện nhiều cụm công nghiệp làng nghề vẫn xả trực tiếp nước thải ra sông Nghèn mà chưa có hệ thống xử lý nước, rác thải chung.

Bãi rác thải nằm lộ thiên bên sông Nghèn gây ô nhiễm trầm trọng. Ảnh: Trần Thọ

Tiếp đến, dọc sông Nghèn hiện có 28 phường, xã đang hoạt động nuôi trồng thủy sản với khoảng 441 hộ nuôi, tổng cộng diện tích 876,56ha. Nguồn nước cấp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là nước sông Nghèn. Điều đáng nói, toàn bộ nước thải từ hoạt động này lại đổ ngược ra sông mà không qua bất kỳ một xử lý nào, ước tính khoảng 2.986.910m3/năm (mỗi năm nuôi 2 vụ). 

Bên cạnh đó, sông Nghèn còn gánh chịu các loại nước thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, chăn nuôi, y tế, lò giết mổ gia súc, các bãi chưa rác thải, sinh vật ngoại lai, phương tiện vận chuyển trên sông và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật từ điểm tồn lưu, đồng ruộng xả xuống. 

Kết quả khảo sát gần đây của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Tĩnh cho thấy, trên lưu vực sông Nghèn có 46 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại địa bàn 30 xã/phường, thuộc 5 huyện/thị liên quan như Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà. Bên cạnh đó, các hoạt động tự nhiên như lũ lụt, sự cạn kiệt vào mùa khô, biến đổi khí hậu… cũng  làm nguồn nước sông Nghèn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, các nguồn ô nhiễm chính đổ vào lưu vực sông Nghèn được xác định theo từng tính chất và nồng độ các tác nhân gây ô nhiễm, lưu lượng thải và tải lượng ô nhiễm từ các nguồn nước thải công nghiệp, nước thải nuôi trồng thủy sản, nước thải chăn nuôi, nước thải y tế và nước thải sinh hoạt. Trong đó tải lượng ô nhiễm COD, TN, TP từ nước thải sinh hoạt, chợ đạt giá trị lớn nhất, tổng cộng hơn 3.200 tấn. 

Nhiều chuyên gia cảnh báo, đó mới là “con số nổi” của “tảng băng chìm ô nhiễm” vì trên thực tế, lượng chất thải, nước thải xả xuống sông Nghèn lớn gấp nhiều lần. Nguồn nước thải sinh hoạt này đổ ra sông Nghèn đều không qua xử lý mà xả thẳng ra bên ngoài thông qua hệ thống kênh, mương.  

Ông Trần Xuân Hợp (62 tuổi, khối 9, thị trấn Nghèn, Can Lộc): “Sông Nghèn ô nhiễm nhiều năm nay, cá tôm chết hết, mất nghề truyền thống đành phải treo lưới”. Ảnh: Trần Thọ

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Đặng Hữu Bình, Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) cho biết, theo định kỳ thì 3 tháng, đơn vị này sẽ lấy mẫu nước sông Nghèn để phân tích, quan trắc một lần (tần suất 4 lần/năm).

Qua phân tích tại một số thời điểm thì nước sông Nghèn có hàm lượng chất hữu cơ vượt ngưỡng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Trong đợt tháng 2/2018, hàm lượng BOD vượt 2,3 lần; COD vượt 2,5 lần; đợt 4/2018, có hàm lượng phốt phát vượt 1,87 lần; đợt 1/2019, có clorua vượt 1,3 lần.

“Nguyên nhân nước sông Nghèn vượt ngưỡng quy chuẩn như trên là vì sông này bị ô nhiễm bởi rất nhiều nguồn xả thải đổ vào, đặc biệt là nguồn thải sinh hoạt”, ông Bình nói.

“Không thổi phồng hiệu quả kinh tế của dự án để người dân sống khổ”

Đó là lời chia sẻ thẳng thắn của một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh với chúng tôi khi bàn đến những tác động tiêu cực đáng sợ của dự án ngọt hóa sông Nghèn và vai trò của dự án này trong hiện tại.    

Việc ngăn cống Đò Điểm ngọt hóa sông Nghèn đã đẩy hàng ngàn hộ dân sống hai bên sông mất nghề đánh bắt truyền thống. Ảnh: Trần Thọ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn bên cạnh yếu tố tích cực thì vấn đề tiêu cực đã tác động rất lớn đến kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội, lao động việc của hàng chục ngàn hộ dân. Cụ thể là những hộ dân bị thu hồi đất ở, đất ngư nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... và đặc biệt là những hộ dân bị thất nghiệp, rơi vào cảnh tha phương cầu thực…

Ông Trần Bá Thảo, Trưởng Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Lộc Hà cho biết, trong số 55.103 người trong độ tuổi lao động thuộc 13 xã nằm giáp sông Nghèn của huyện Lộc Hà thì hiện có 5.295 người đang đi xuất khẩu lao động tại thị trường các nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào… Số còn lại đang làm việc tại các trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh… 

Cũng theo ông Thảo, trong số hàng ngàn lao động của địa phương “trôi dạt” mưu sinh thì rất nhiều người, rất nhiều hoàn cảnh vì dự án ngọt hóa sông Nghèn mà mất đất, mất nghiệp, lâm cảnh cùng đường sinh kế buộc phải rời quê “tha phương cầu thực”, lao động chui. Có nhiều người trong số này vì rủi ro, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đuối nước, bị cướp, sát hại, sốt rét, ốm đau bệnh tật… phải bỏ mạng ở đất khách quê người...

Bèo tây quấn tịt cống cấp, tiêu thoát nước trên bờ kè sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng

Khi dự án cống Đò Điểm và kênh trục sông Nghèn triển khai, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều lao động của huyện Lộc Hà và các huyện, thị khác nằm ven sông Nghèn đã bất chấp hiểm nguy rình rập, lao ra nước ngoài bằng các con đường cả bất hợp pháp và hợp pháp. Trong số họ đã bị tra tấn, đánh đập, bóc lột, bỏ đói, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình trên đất khách.

Để có tư liệu cho loạt bài phóng sự này, trong quá trình tác nghiệp, xâm nhập, xác minh cứ liệu, chúng tôi đã có dịp đến thăm nhiều gia đình, nhiều mảnh đời, số phận mà sự bất hạnh, bi thương của họ ít nhiều có lý do bắt nguồn từ sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dự án ngọt hóa ngàn tỷ sông Nghèn.

Sông Nghèn ô nhiễm, mất nghề truyền thống, con trai đi lao động nước ngoài rồi tử vong, vợ chồng ông Trần San (53 tuổi), bà Trần Thị Nguyệt (49 tuổi, ngụ xóm Hồng Hà 2, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đang phải gồng gánh nuôi 2 cháu nội mồ côi

Ngày 22/8/2019, ngồi đối diện với chúng tôi là vợ chồng ông Trần San (53 tuổi), bà Trần Thị Nguyệt (49 tuổi, ngụ xóm Hồng Hà 2, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Khuôn mặt u buồn, khắc khổ, hai tay ông bà bồng bế 2 đứa cháu nội, Trần Văn Cao (5 tuổi), Trần Thị Thanh Hương mới 14 tháng tuổi, con của vợ chồng anh Trần Văn Cường (29 tuổi, con trai ông San), chị Nguyễn Thị Thu Phương (25 tuổi). 

Ông San chia sẻ với chúng tôi: “Nhà tôi nhiều đời làm nghề đánh bắt mưu sinh trên sông Nghèn rồi chú ạ. Đời cố, đời ông, đời tôi và nay đến đời các con tôi. Bám nghề truyền thống, trước đó dù không giàu nhưng cũng đủ ăn. Nhưng từ khi cống Đò Điểm đóng ngăn mặn giữ ngọt và nhiều năm nay sông Nghèn bị ô nhiễm, con tôm, cua, lệch, cá… chết sạch. Mất nghề truyền thống, lâm cảnh cùng đường sinh kế, tôi đành cho các con xuất ngoại mưu sinh. 4 năm trước, thằng Cường sang Thái Lan làm nghề bán thịt nướng, dành dụm đưa về xây được cái nhà chừng 700 triệu đồng. Tháng 6/2017 vừa sang Thái Lan lại lần 2 thì Cường mất vì tai nạn lúc làm việc”.

Ông San cho biết thêm, gia đình ông có 6 người con trai. Cường là con trai đầu, chỉ duy nhất một người đang ăn học, còn lại phiêu dạt tứ xứ làm thuê mưu sinh cả.

Bà Nguyệt khóc nghẹn, kể rằng: Sau khi Cường mất, Phương - vợ Cường đã cùng với gia đình đi vay được 60 triệu đồng cộng với sự hỗ trợ giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Thái Lan hơn 40 triệu đồng nữa, chạy vạy tổng cộng hơn 100 triệu đồng mới đưa được thi thể Cường về quê mai táng. Lo xong hậu sự cho chồng, Phương lại bồng bế 2 đứa con nhỏ sang tận Thái Lan dự nhiều phiên tòa giải quyết vụ tai nạn của chồng mong được bồi thường thỏa đáng nhưng không có kết quả vì người gây ra tai nạn là 1 học sinh nhà nghèo chú ạ, không có tiền bồi thường.

Chồng mất, gia cảnh trắng tay, không còn cách nào khác, hơn 1 tháng trước, chị Phương đành gửi 2 con nhỏ cho bố mẹ chồng, một mình quay trở lại Thái Lan tiếp tục cảnh lao động đất người kiếm tiền nuôi con. “Mỗi lần gọi điện về Phương nó khóc xiết. Ở xa, nhớ con. Nhưng biết làm sao được hả chú”, bà Nguyệt sụt sùi.

Không như chị Phương nhưng gia đình anh Trần Văn Hùng (45 tuổi), vợ Trần Thị Liên (39 tuổi, ngụ khối 9, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng có hoàn cảnh khó khăn buộc phải “xuất ngoại”. 

Chị Liên cho biết, nhiều năm trước, khi dự án cống Đò Điểm và kênh trục sông Nghèn chưa triển khai, anh Hùng làm nghề đăng, nghề đó đánh bắt trên sông Nghèn. “Mỗi ngày cũng kiếm được 300 - 400 ngàn từ tiền bán cá, tôm, cua, cáy… đủ chi tiêu cho cả nhà. Nhưng khi dự án ngăn mặn giữ ngọt triển khai, cống Đò Điểm đóng lại, con cá, tôm, cua, cáy… chết hết, chồng tôi mất nghề, thất nghiệp nhiều năm liền. Tháng 5/2018 vừa rồi, đành phải vay mượn mấy trăm triệu đồng đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc”, chị Liên nói.

Theo chị Liên, hiện tại gia đình chị còn nợ ngân hàng hơn 100 triệu đồng, cuộc sống rất khó khăn và chồng chị còn phải tha phương bán sức lao động nhiều năm ở nước ngoài mới mong trả được hết nợ.

Không chỉ riêng huyện Lộc Hà, tại 4 huyện/thị khác như Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh, dự án ngọt hóa sông Nghèn cũng đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế xã hội, đời sống, cơ cấu lao động, việc làm của hàng ngàn hộ gia đình.

Việc nhìn nhận lại tính hiệu quả, tiêu cực của dự án ngọt hóa sông Nghèn là cần thiết, thậm chí rất cấp bách. Ảnh: Nguyên Dũng

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Lao động Thương binh & Xã hội huyện Thạch Hà, trong số 75.008 người trong độ tuổi lao động thuộc 11 xã/thị trấn nằm dọc con sông Nghèn, có 7.532 người đang làm việc ở các nước, vùng lãnh thổ: Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Lào… và 14.018 người đang làm việc ngoại tỉnh.

Tương tự tại 23 xã/thị trấn của huyện Can Lộc có tổng cộng 87.074 người trong độ tuổi lao động, trong đó có 6.381 người đang làm việc ở nước ngoài, riêng lao động ngoại tỉnh 15.200 người.

Còn tại thị xã Hồng Lĩnh có 23.639 người trong độ tuổi lao động  thì có 2.234 người đang làm việc tại thị trường 40 nước, vùng lãnh thổ như Đức, Thái Lan, Đài Loan, Anh, Lào… Đông Âu, Châu Phi; 5.679 người lao động ngoại tỉnh.

Tại 5 xã giáp ranh sông Nghèn của huyện Đức Thọ, số lao động đang làm việc ở nước ngoài cụ thể như Bùi Xá hiện có 79 người, Đức Thanh có 138 người, Trung Lễ 70 người, Thái Yên 141 người, Đức Thủy 86 người, Đức Lâm 86 người. Phần lớn lao động sang làm việc tại Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Ngoài ra, có 12.473 người của 5 xã này đang làm việc ngoại tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Can Lộc nhìn nhận: “Làm cái gì cũng có 2 mặt. So sánh cái lợi, cái hại thì đúng cái lợi cũng có nhưng cái hại của dự án ngọt hóa sông Nghèn là rất lớn, đặc biệt là đối với vấn đề môi trường và xã hội. Dự án cũng đã tác động lớn đến vấn đề việc làm của hàng chục ngàn người”.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh (xin giấu tên - PV) cho rằng, cần phải xem xét, nhìn nhận lại toàn bộ “khâu” đánh giá tác động môi trường của dự án cống Đò Điểm và kênh trục sông Nghèn. Đặc biệt là tính hiệu quả của dự án cùng các tác hại tiêu cực của nó đến đời sống của 95.000 người dân sống dọc hai bên sông. Tránh trường hợp thổi phồng hiệu quả kinh tế để rồi người dân khổ”.

Cũng theo vị cán bộ lãnh đạo này, sứ mệnh của cống Đò Điểm trong vấn đề ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Nghèn để tăng diện tích sản xuất đất nông nghiệp, tăng năng suất cây lúa, cây hoa màu đến nay đã hoàn thành. Hiện tại “an ninh lương thực” tại Hà Tĩnh không còn là vấn đề bức thiết như trước. Vì vậy, công tác đánh giá nhìn nhận lại tính hiệu quả, tiêu cực của dự án ngọt hóa sông Nghèn là cấp bách, cần thiết triển khai ngay.

Ngăn mặn để có nước ngọt nhưng người dân vẫn bỏ ruộng, không hề muốn mưu sinh bằng cái nghề quá nhọc nhằn vất vả nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Và đấy cũng là câu trả lời cho một sự thật hiện hữu là, vì sao liên tục trong nhiều năm qua, “bờ xôi ruộng mật”, đất trồng lúa lại được chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh quy hoạch phân lô, bán nền, chuyển đổi mục đích nhiều như thế!

Nguyên Dũng - Xuân Thành - Trần Thọ

 

Kỳ V: Bỏ cống ngăn mặn, hay duy trì nỗi thống khổ?