Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 14/08/2019 - 09:28
(Thanh tra)- Việc đầu tư, xây dựng dự án cống Đò Điểm, hệ thống kênh trục nghìn tỷ đồng với hy vọng tạo đột phá, “đổi đời” cho ngành Nông nghiệp… Thế nhưng, công tác tính toán, đánh giá tác động môi trường chưa đến nơi đến chốn, sự đầu tư thiếu đồng bộ làm nảy sinh những hậu quả khôn lường đã “đè lên cổ” người dân vùng ảnh hưởng suốt nhiều năm qua.
Sông Nghèn ô nhiễm nặng vì thuốc bảo vệ thực vật, nước sinh hoạt, rác thải, bèo tây... Ảnh: ND
Dân cần giải thoát nhưng “quan” không vội?
Để có tư liệu cho loạt bài viết này, chúng tôi đã phải nhiều lần thực địa, tác nghiệp bằng cả hai con đường thủy, bộ dọc theo hơn 60km từ biển Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) đến cống Đò Điểm (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà), rồi ngược lên tận cống Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), cống Bùi Xá (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Tình trạng chôn lấp rác thải bừa bãi đang bức tử sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng
Theo quan sát, mực nước sông Nghèn trong những tháng nắng nóng của năm 2019 xuống rất thấp, điểm sâu nhất cũng chỉ chừng 6m (tại thôn Sông Hải, phía dưới cống Đò Điểm, xã Thạch Sơn) và điểm nước cạn thì chỉ còn chưa đầy 2m.
Tại nhiều nơi, phần lớn mặt nước của Sông Nghèn được bao phủ bởi bèo tây (lục bình) và các loại cỏ dại, xà bần mọc um tùm, cùng khối lượng rác thải khổng lồ hiện hữu. Nước sông có màu đen sẫm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ngổn ngang xác động vật.
Ông Trần Quốc Thảo (60 tuổi, ngụ xóm 9 Tân Lập, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, cách đây hơn 11 năm (trước năm 2008), khi cống Đò Điểm chưa đóng thì mực nước sông Nghèn rất sâu, trung bình 6 - 7m, nơi sâu hơn 20m, bề mặt nước rộng từ 80 - 120m. Nhưng hiện nay, sau khi cống Đò Điểm đóng để ngăn mặn, giữ ngọt thì con sông này đã thay đổi hoàn toàn, giờ nơi sâu chưa đầy 6m nước, có nơi chỉ còn 2m, bề mặt nước hẹp lại, nơi rộng chỉ còn khoảng 60m, hẹp chỉ 40m.
“Thậm chí vào mùa nắng nóng, mực nước xuống thấp, có thể lội bộ trên sông Nghèn như đi trên đống rơm vì phía dưới đáy sông được phủ kín bởi các loại chất thải như bao bì, xác bèo tây, rác thực vật, rác thải sinh hoạt, thậm chí cả xác các loại động vật như trâu, bò, lợn, gà nằm chồng chất, thối rữa kín cả đáy sông. Độ sâu nhiều đoạn của sông Nghèn nay chỉ còn khoảng 2m, nhưng các loại rác thải rắn đã cao hơn 1m rồi”, ông Thảo bức xúc.
Một bãi chứa rác thải nằm lộ thiên ngay bên bờ sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng
Anh Hoàng Xuân Hoan (43 tuổi, ngụ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) chia sẻ: Trước đây, sông Nghèn là con sông nước mặn lợ, chịu chế độ thủy triều lên xuống tự nhiên từ biển, nên hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú, đa dạng về loài và về lượng.
Sông Nghèn có hàng trăm loài hải sản sinh sống, trú ngụ như tôm, cá, cua, cáy, ngao, sò, ốc, hàu, cá bống, lệch, ghẹ, đặc biệt có loài rươi… Ngày thường thời tiết đẹp, nước trong xanh, bằng mắt có thể nhìn thấy các loài hải sản bơi dưới lòng sông. Nếu dùng thuyền, lưới đánh bắt, trong vòng 2 - 3 tiếng đồng hồ có thể bắt được cả tạ hải sản nước lợ tươi roi rói.
“Còn bây giờ thì hoàn toàn trái ngược. Nước sông Nghèn từ thượng nguồn đổ về theo cách tự nhiên bị chặn lại ở cống Đò Điểm và chế độ lên xuống của thủy triều hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng trên sông cũng không còn. Sông Nghèn đang từ một con sông lớn phụ thuộc hoàn toàn vào chế độ thủy triều lên xuống của biển, nay trở thành con sông dự trữ nước ngọt thuần túy, như một cái lạch chứa nước tù, nước đọng. Trái quy luật tự nhiên cộng với sự tác động của yếu tố con người như xả thuốc trừ sâu từ đồng ruộng xuống, xác động vật chết, vô số nguồn nước thải sinh hoạt, rác thải từ chợ, bệnh viện, trại lợn đổ vào... dần hệ sinh thái của sông Nghèn bị phá vỡ, ô nhiễm phát sinh từ đó”, ông Hoan cho biết.
Rác thải, bèo tây lấp kín sông Nghèn. Ảnh: Nguyên Dũng
Ông Trần Thanh (61 tuổi, ngụ xóm 9, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), người làm nghề đánh bắt, mưu sinh trên sông Nghèn gần 40 năm qua cho biết, nhiều năm rồi kể từ khi cống Đò Điểm bị đóng kín thì hơn 100 loài hải sản nước lợ đã tồn tại ở con sông này bị tiêu diệt, thưa thớt còn khoảng 10 loài cá nước ngọt như rô phi, cá trê, cá chép, cá quả... sinh sống được nhưng hình dạng của chúng vô cùng kỳ quái, lạ lẫm, hiện tượng đầu to có cả “viên sạn” cứng trong đầu cá, khi ăn thịt cá có mùi tanh hôi muốn nôn.
“Theo hiểu biết và quan sát của tôi, lý do con cá thay đổi hình dạng kỳ quái, thịt tanh hôi như vậy là do cá sinh sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng”, ông Thanh chia sẻ.
Cũng theo ông Thanh, không chỉ có cá thay đổi, đột biến về hình dạng mà nguồn nước sông Nghèn bị ô nhiễm cũng đã sản sinh ra các loài sinh vật lạ mình màu đen, thân đầy lông chưa từng thấy qua. Các loài sinh vật lạ này sống dày đặc trong nước con sông Nghèn.
“Vừa rồi làm nhà, vì thiếu nước sinh hoạt nên tôi đành phải bơm nước từ sông Nghèn vào để rửa tay, chân. Nhưng nước tanh hôi và loài sinh vật này bám vào da, người ngứa ngáy chịu không nổi. Cả đêm tôi không thể ngủ, ngồi gãi chảy cả máu tay, máu chân. Đến 3 giờ sáng, trong cơn tức giận, tôi vác búa ra đập nát cái máy bơm nước lúc chiều vừa bơm”, ông Thanh bức xúc kể.
Nhà máy nNước Can Lộc đang lấy nước từ sông Nghèn ô nhiễm để tái chế, sản xuất thành nước thương phẩm cho người dân sử dụng. Ảnh: Nguyên Dũng
Bà Trần Thị Kiên (59 tuổi, nhà cạnh sông Nghèn) bức xúc cho biết, những năm gần đây, nguồn nước sông Nghèn ô nhiễm nghiêm trọng đã kéo theo nhiều hệ lụy cho gia đình bà và hàng trăm hộ dân khác sống dọc sông.
“Mỗi lần gió thổi là mùi hôi thối từ sông Nghèn xốc thẳng vào nhà, vào ngay cả từng bữa ăn, giấc ngủ. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, kêu cứu gửi lên chính quyền, mong được sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhưng xem ra mọi kiến nghị của bà con đã rơi vào vô vọng”, bà Kiên nói.
Bà Kiên cũng cho biết thêm, các loài thực vật có lợi trên trên sông Nghèn như cây bần bần, cây đước, cây ráng, cây lác làm chiếu cũng chết sạch. “Sông Nghèn bây giờ ô nhiễm trầm trọng. Rõ nhất là vào lúc trời mưa, nước sông vàng đục như nước chè sưu. Cá chết nổi trắng cả mặt sông”.
Anh Bùi Khắc Phong, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho rằng, từ khi dự án cống Đò Điểm và hệ thống kênh trục sông Nghèn được triển khai, vấn đề thoát nước cho mùa lũ trên địa bàn huyện Đức Thọ bị ảnh hưởng trông thấy, thời gian lũ thoát chậm hơn, ngập úng cục bộ và lâu hơn.
“Ngày 17/7/2018, lũ đã gây ngập úng hơn 10 ngày, diện tích lúa ngập hơn 1.000ha, gây thất thu rất lớn cho ngành Nông nghiệp. Tôi nghĩ nếu như cống Đò Điểm không đóng, không ngăn dòng chảy tự nhiên thì thời gian lũ lụt, ngập úng trên địa bàn của huyện Đức Thọ sẽ không lâu, không gây thiệt hại nhiều như thế”, anh Phong nói.
Anh Phong cũng cho rằng, hiện chưa có một đánh giá, nghiên cứu khoa học cụ thể nào để khẳng định hệ sinh thái sông Nghèn ô nhiễm nặng đã “sản sinh”, tạo điều kiện thuận lợi cho loài cá Vạn Long (còn gọi là cá rô thia) phát triển.
“Tuy nhiên qua theo dõi và nhìn bằng mắt thường, tôi và nhiều người dân địa phương thấy nhiều năm trở lại đây, loài cá này sinh sôi, nảy nở cực nhanh, dày đặc. Loài cá này sống khỏe ngay cả trong môi trường nước sông Nghèn bị ô nhiễm nặng, chúng xuất hiện, phát tán khắp nơi, gây mất cân bằng sinh thái”, anh Phong chia sẻ thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cho hay, việc nguồn nước sông Nghèn bị ô nhiễm từ nhiều năm nay là một thực tế và đã gây ra nhiều hệ lụy cho hàng ngàn hộ dân sống hai bên bờ sông.
“Sông Nghèn ô nhiễm nặng vì thuốc bảo vệ thực vật, nước sinh hoạt, rác thải, bèo tây... chất thải tích tụ lại dưới đáy sông Nghèn, tiêu diệt môi trường sống, làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, sự phát triển kinh tế, xã hội lẫn cảnh quan, văn hóa tâm linh của địa phương”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, hiện các cơ quan chức năng liên quan của huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
Nhà máy Nước Can Lộc lấy nước ô nhiễm để “tái chế”?
Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân sống hai bên sông Nghèn khẳng định, nguồn nước sông ô nhiễm trầm trọng là điều hoàn toàn chính xác.
Sự ô nhiễm của môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng gia đình. Mùi hôi thối, nước ô nhiễm, loăng quăng, bọ gậy, sinh vật có hại, rác thải, bèo tây… đang “giết” dần sông Nghèn. Hàng ngàn người dân đang từng ngày phải gồng mình gánh chịu hậu quả ô nhiễm mà chưa có lối thoát.
Đặc biệt, theo người dân, vấn đề ảnh hưởng lớn, “bức tử” trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của họ là việc Nhà máy Nước Can Lộc (thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh) đóng tại địa bàn xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc) đang lấy nước ô nhiễm từ phía trên của sông Nghèn (kênh Nhà Lê - PV) để tái chế, sản xuất thành nước thương phẩm rồi đưa cho người dân sử dụng.
Trạm bơm hút nước từ sông Nghèn lên để đưa về khu tái chế của Nhà máy Nước Can Lộc. Ảnh: Nguyên Dũng
“Chúng tôi cũng rất lo lắng khi Nhà máy Nước Can Lộc lại lấy nước từ khu vực phía trên của sông Nghèn ô nhiễm để lọc, tái chế rồi bán cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn sử dụng”, anh Đậu Văn Hoan (thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) nói.
Cũng theo anh Hoan và nhiều người dân địa phương, Nhà máy Nước Can Lộc lấy nước trực tiếp từ phía trên của sông Nghèn sẽ không đảm bảo an toàn. Vì nguồn nước này đã bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, rác thải, xác chết động, thực vật, nước thải sinh hoạt, bệnh viện… từ nhiều năm nay. Đặc biệt vào mùa nắng nóng nước sông Nghèn lại càng ô nhiễm.
“Nguồn nước này bị ô nhiễm nặng. Mặt khác, do công nghệ xử lý nước của Nhà máy nước Can Lộc lạc hậu nên chất lượng kém. Người dân rất lo ngại cho vấn đề sức khỏe nhưng nếu không dùng thì chẳng còn biết lấy nước ở đâu khác”, anh Trần Đình Lợi (32 tuổi, ngụ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) cho biết.
Từ phản ánh của người dân, chúng tôi đã trực tiếp “mục sở thị” điểm “đấu nối” nguồn nước từ sông Nghèn vào khu xử lý của Nhà máy Nước Can Lộc. Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, tại hiện trường, nước sông Nghèn có màu đen, nồng nặc mùi tanh hôi xú uế, thuốc trừ sâu, rác thải.
Để lấy nước, một trạm bơm rộng khoảng 15m2 được lắp đặt làm nhiệm vụ hút nước từ dưới sông lên hệ thống đường ống (dài hơn 4km, đường kính ống khoảng 30cm) đổ vào khu xử lý. Sau quá trình “tái chế”, sản xuất thành nước thương phẩm sẽ được theo ống dẫn về bán trực tiếp cho các hộ dân trên địa bàn thị trấn Nghèn cùng các xã lân cận như Vượng Lộc, Tiến Lộc, Thiên Lộc…
Khu “tái chế”, sản xuất nước thương phẩm của Nhà máy nước Can Lộc. Ảnh: Trần Thọ
Ông Nguyễn Sĩ Minh, Phó Giám đốc Nhà máy Nước Can Lộc cho biết, nhà máy nước này có công suất khoảng 3.000m3 nước/ngày đêm. Trung bình mỗi tháng nhà máy sản xuất khoảng 40.000m3 nước thương phẩm, nhưng tháng cao điểm có thể lên tới 43.000m3 nước.
“Hiện nay nhà máy đang bán nước cho 3.600 hộ dân trên địa bàn thị trấn Nghèn và các xã lân cận, với giá hơn 7 ngàn đồng/m3 nước”, ông Minh nói.
Ông Minh cũng thừa nhận: Nguồn nước “đầu vào” từ sông Nghèn mà Nhà máy Nước Can Lộc lấy để “tái chế”, sản xuất thành nước thương phẩm cho người dân dùng là nguồn nước không an toàn.
“Tuy nhiên, sau khi qua quá trình xử lý nước đã đảm bảo sạch, đạt tiêu chuẩn rồi mới đưa về bán cho người dân sử dụng", ông Minh khẳng định.
Rác thải ô nhiễm tràn ngập hai bên sông Nghèn. Ảnh: Trần Thọ
Ông Trần Văn Hóa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh (người trực tiếp phụ trách Nhà máy Nước Can Lộc) thì cho rằng, thông tin nguồn nước của nhà máy bị ô nhiễm chỉ là đánh giá chủ quan, cảm tính của người dân.
“Sau khi xử lý thì nước đầu ra đã đạt chuẩn cho phép. Thậm chí, gần 100% cán bộ nhà máy nước vẫn lấy nước này để dùng”, ông Hóa khoe.
Ông Hóa cung cấp thêm, từ trước tới nay, việc kiểm định, quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước đều do đơn vị này hợp đồng với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hà Tĩnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh - PV) triển khai.
“Chúng tôi làm 1 tháng 1 lần. Các lần kiểm tra chất lượng nguồn nước đều cho ra các thông số, chỉ số an toàn”, ông Hóa nói.
Thế nhưng, khác với những trình bày của vị Phó Giám đốc, làm việc với chúng tôi, ngày 3/8/2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh (đơn vị trực tiếp kiểm định, quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước Nhà máy Nước Can Lộc), cho biết: Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện đơn vị này mới chỉ kiểm định, quan trắc được 26/109 chỉ tiêu đánh giá về chất lượng nguồn nước.
“26 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh này đều nằm trong ngưỡng cho phép, tức là an toàn. Nhưng 83 chỉ tiêu còn lại thì chúng tôi không thể làm nên chúng tôi không rõ”, ông Trần Mạnh Hùng, cán bộ Khoa Sức khỏe môi trường (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh), cung cấp thông tin.
Cũng theo ông Hùng, theo Quy chuẩn QCVN 01: 2009/BYT ngày 17/6/2009 của Bộ Y tế thì có 109 tiêu chí khoa học để đánh giá chất lượng nguồn nước.
Việc khẳng định chất lượng nguồn nước Nhà máy Nước Can Lộc đạt chuẩn hay không thì còn phụ thuộc vào 83 tiêu chí còn lại.
Bèo tây phủ kín sông Nghèn, gây ách tắc tàu thuyền đi lại. Ảnh Trần Thọ
Như vậy, từ kết quả trả lời của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, có thể khẳng định rằng, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Hà Tĩnh cho rằng chất lượng Nhà máy Nước huyện Can Lộc đạt tiêu chuẩn an toàn là chưa hoàn toàn chính xác, nếu không muốn nói là thiếu cơ sở!
Nhiều người dân sống dọc hai bên sông Nghèn hiện tại rất lo lắng vì thực trạng nguồn nước sông Nghèn đang bị ô nhiễm nặng và việc Nhà máy Nước Can Lộc lấy nước từ nguồn nước này để tái chế, phục vụ cho sinh hoạt của người dân là bất an toàn.
“Rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc để có những điều tra, nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng nguồn nước của Nhà máy nước Can Lộc để người dân yên tâm”, anh Trần Đình Lợi, người dân thị trấn Nghèn, bức xúc nói.
Nguyên Dũng - Xuân Thành - Trần Thọ
KỲ IV: Những con số đáng sợ về thực trạng ô nhiễm sông Nghèn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024(Thanh tra) - Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU.
Văn Thanh
22:01 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Thu Huyền
21:08 22/11/2024T.Thanh
21:05 22/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương