Nỗi niềm người gác đền!

 Ông Quý bùi ngùi: Tôi sinh ra, lớn lên bên ngôi đền này. Dòng họ Nguyễn Sỹ nhà tôi đã có 8 đời ở đây và tự nguyện nhang khói cho các vị thần. Theo các cụ nhà tôi kể lại, ngôi đền đã có hàng trăm năm nay, thờ Tam toà Thánh Mẫu; Ngũ vị tôn ông; Đức ông Hoàng Mười… Ngôi đền vẫn còn lưu giữ hai câu đối bất hủ: “Quá giả hoá tồn giả vị liệt Nam bang, tứ bất/Quốc hữu từ gia hữu danh cao thiên bản lục kỳ”, nghĩa là: Cái đã qua là hoá, cái còn lại là thần, nước Nam có 4 vị bất tử/Nước có đền, nhà có miếu, trời cao vốn có lục kỳ.

Đồng thủ nhang Nguyễn Sỹ Hoá chia sẻ, dòng họ Nguyễn Sỹ, thế hệ sau, nối tiếp thế hệ trước, đến nay đã có 8 đời làm nhà cạnh đền, tự nguyện tu bổ hương khói cho các vị thần linh. Chính vì thế, hiện nay đền Chợ Củi đồng thời cũng là nơi thờ tự tổ tiên dòng họ. Dòng họ Nguyễn Sỹ ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh không xây dựng nhà thờ riêng mà có một gian thờ tổ tại đền.

“Từ các đời trước, dòng họ Nguyễn Sỹ đã gắn bó với đền, có công tham gia, xây dựng, tu bổ, hương khói. Vùng này trước đây rất hoang vắng, chỉ có duy nhất gia đình họ Nguyễn Sỹ làm nghề gác đền. Ngôi đền từ lâu được xem như một phần trong cuộc sống của các thế hệ và đã được chính các thần linh chấp thuận”, ông Hoá nói.

Ông Trần Văn Minh, thôn 2, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhớ lại những năm 1968, máy bay Mỹ ném bom phía sau núi Ngũ Mã, đền bị đổ nát, cả gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh (bố đẻ của ông Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá), đứng ra vận động bà con giúp sức mua tranh, lợp lại đền.

Tiếp đến, cứ mỗi lần đền bị phá hoại vì chiến tranh, gia đình ông Quýnh lại vận động bà con đóng góp dựng lại đền.

Những năm chiến tranh, đền Chợ Củi, là nơi chứa lương thực, đạn dược phục vụ kháng chiến, nơi che chở cho nhân dân địa phương.

Nhiều cụ cao niên sống gần đền Củi ngậm ngùi: “Năm 1971, UBND xã Xuân Hồng tổ chức đoàn phá dỡ di tích đền Chợ Củi. Trước tình thế đó, gia đình ông Quýnh làm đơn trình bày với UBND xã Xuân Hồng cho giữ lại một toà đền để thờ cúng tổ tiên và thánh thần. Do đó, chính quyền đã không phá đền. Nếu không có sự quyết tâm thuyết phục của ông Quýnh thì ngôi đền đã bị xoá sổ.

Những năm 80 trở về trước, đền không có khách thập phương, mà chủ yếu phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của bà con trong vùng. Từ năm 1984-1985, UBND xã Xuân Hồng tổ chức quản lý đền, rồi Hội phụ lão quản lý, nhưng không hiệu quả”.

Từ năm 1993, ông Nguyễn Sỹ Quýnh đứng ra quản lý, tôn tạo ngôi đền, khi già yếu thì giao cho hai con trai là Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá thủ nhang.

Hành trình tôn tạo đền

Năm 1993, đền Chợ Củi được Bộ Văn hoá công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Sau này, ông Quý và ông Hoá cùng quản lý đền, thu tiền công đức. Hàng năm, gia đình thủ nhang đóng góp công đức cho ngân sách địa phương theo quy định, ủng hộ từ thiện và công tác xã hội khác.

Điều đáng nói, khác với các di tích quốc gia trên cả nước, đền Chợ Củi gắn bó với truyền thống thờ cúng lâu đời của gia đình họ Nguyễn Sỹ (những người có công gìn giữ và tôn tạo).

Những năm 90, ngôi đền đã nhiều lần xuống cấp, thậm chí có lúc “tượng còn phải đội nón lá do mưa bão miền Trung khắc nghiệt”.

Gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh, được sự đồng ý của các cấp, ngành đã đứng ra tiến hành khảo sát, sửa sang, tạc tượng với sự đóng góp của nhân dân địa phương và du khách.

Năm 2001, ông Nguyễn Sỹ Quýnh được chính quyền giao quản lý đền chợ Củi.

Năm 2010, ông Quýnh tiếp tục được tham gia Ban Quản lý đền Chợ Củi với tư cách là Phó ban theo Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 7/5/2010 về việc thành lập Ban.

Ngày 7/2/2011, tại Quyết định số 174/QĐ-UBND của UBND huyện Nghi Xuân, ông Nguyễn Sỹ Quýnh tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Quản lý di tích kiêm thủ nhang đền Chợ Củi.

Do tuổi cao sức yếu nên ông Nguyễn Sỹ Quýnh đã ban giao việc thủ nhang đền Chợ Củi cho các con: Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá.

Tại Quyết định số 55/QĐ-UBND, ngày 12/9/2012 của UBND xã Xuân Hồng về việc thành lập Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi đã bổ nhiệm ông Nguyễn Sỹ Quý là Phó Trưởng ban Quản lý di tích kiêm thủ nhang.

Ngày 5/6/2012, UBND huyện Nghi Xuân ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND về việc ban hành kèm theo quy chế tổ chức và hoạt động di tích đền Chợ Củi, huyện Nghi Xuân.

Ngày 10/7/2013, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND về việc ban hành quy định bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 18/4/2013, tại Thông báo số 1397/TB-BVHTTDL của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch thông báo kết quả làm việc về công tác tu bổ di tích đền Chợ Củi, nêu rõ: “Cần sớm thành lập Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi với thành phần đại diện lãnh đạo UBND xã Xuân Hồng làm Trưởng ban, phó trưởng ban là một đại diện gia đình thủ nhang ông Nguyễn Sỹ Quýnh (là bố đẻ của ông Quý và ông Hoá), các thành viên khác là đại diện một số ban, ngành của xã Xuân Hồng và gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh thủ nhang nhà đền xây dựng Đề án quản lý, tổ chức hoạt động di tích đền Chợ Củi gửi Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cho ý kiến và trình UBND tỉnh phê duyệt”.

Ngày 28/4/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 1177/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Quản lý và Tổ chức hoạt động tại di tích đền Chợ Củi.

Ngày 2/7/2014, UBND huyện Nghi Xuân ban hành Quyết định số 1323/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi và ông Nguyễn Sỹ Quý là Phó Trưởng ban phụ trách nội tự.

leftcenterrightdel
 Tấm bia ghi công đức của gia đình ông Nguyễn Sỹ Quýnh và Nhân dân địa phương. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhận được đơn của gia đình thủ nhang Nguyễn Sỹ Quý và Nguyễn Sỹ Hoá về việc tham gia thiết kế, xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo, di tích đền Chợ Củi, ngày 28/1/2013, Sở Xây dựng Hà Tĩnh có Văn bản số 20/SXD-QLHDXD đã kết luận: Hồ sơ công trình đủ điều kiện cho các gia đình thủ nhang triển khai xây dựng.

Ngày 15/11/2013, các gia đình thủ nhang đã làm đơn cam kết về việc tu bổ, tôn tạo đền Chợ Củi và được lãnh đạo UBND xã Nghi Xuân chấp thuận trình UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét giải quyết tạo điều kiện cho các gia đình thủ nhang thực hiện.

Ngày 22/5/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Công văn số 2103/UBND-VX đồng ý về mặt chủ trương tu bổ tôn tạo đền Chợ Củi, giao cho Sở Văn hoá Thể thao Du lịch, UBND huyện Nghi Xuân, gia đình các thủ nhang phối hợp thực hiện theo quy định.

Ngày 7/8/2014, Bộ Văn hoá Thể thao có Công văn số 630/BVHTTDL-DSVH về việc thảo thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ đền Chợ Củi. Theo đó, Bộ này đã đồng ý thống nhất bản vẽ thiết thi công tu bổ, tôn tạo di tích đền Chợ Củi với các hạng mục do các thủ nhang Sỹ Quý và Sỹ Hoá làm chủ đầu tư.

Ngày 24/12/2014, Sở Văn hoá Thể thao Du lịch Hà Tĩnh có Công văn số 956/SVHTTDL-DSVH về việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tôn tạo đền Chợ Củi cho phép các gia đình thủ nhang của đền đứng ra thuê tư vấn thiết kế bản vẽ và tôn tạo công trình.

Năm 2015, bằng nguồn vốn xã hộị hoá, các gia đình thủ nhang đã triển khai các hạng mục công trình tu bổ, tôn taọ đền Chợ Củi với số tiền gần 20 tỷ đồng, bao gồm tu bổ các hạng mục: Nhà thượng điện, trung điện, hạ điện; tu bổ nghi môn; nhà bản mệnh; nhà tả hữu tướng; tu bổ lầu cô, lầu cậu… Đối với các hạng mục mới như: Lầu hoá vàng; nhà vệ sinh, tường rào…

Nhiều năm qua, các gia đình thủ nhang đã tham gia vào tổ nội tự của Ban Quản lý đền Chợ Củi chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết, các phong trào an sinh xã hội của chính quyền địa phương.

Có thể khẳng định, gia đình dòng họ Nguyễn Sỹ đã gắn bó 8 đời với ngôi Đền Củi. Điều đó được thể hiện ở văn bia, gia phả và nơi thờ tự còn lưu giữ trong đền. Bên cạnh đó, trải qua quá trình xây dựng và phát triển của ngôi đền có sự đóng góp không nhỏ của các gia đình thủ nhang họ Nguyễn.

Xin nhắc lại, Điều 57, Luật Di sản Văn hóa nêu: “Nhà nước khuyến khích việc xã hội hoá việc hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá” và Điều 61: “Nhà nước khuyến khích tổ chức cá nhân đóng góp tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá”.

Quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII nêu rõ: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian) văn hoá cách mạng bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể.”

Nhóm PV