Ngày 13/1, nguồn tin từ UBND huyện Nghi Xuân, Ban Quản lý (BQL) Dịch vụ công ích và Các điểm du lịch huyện vừa phát thông báo tạm dừng các hoạt động đón du khách và nhân dân tới chiêm bái, hành lễ tại Đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng) bắt đầu từ 7h đến 17h30 ngày 15/1.

Việc tạm dừng các hoạt động tại Đền Chợ Củi là để huyện tiếp tục triển khai thực hiện việc bàn giao nội tự đền với gia đình thủ nhang trước đây và một số việc liên quan đến công tác quản lý theo Kết luận số 07/KL-UBND ngày 5/1/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, ngày 10/1, Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho ông Kiều Ngọc Tuấn, Phó Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì cuộc họp công bố Kết luận thanh tra số 07/KL-UBND ngày 5/1/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về thanh tra công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi công bố Kết luận số 07/KL-UBND ngày 05/01/2024 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác quản lý và tổ chức hoạt động tại Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi. Ảnh: Hải Yến

Việc công bố kết luận thanh tra được thực hiện tại UBND xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân với sự có mặt của các ban, ngành, địa phương liên quan; đại diện gia đình thủ nhang gồm ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa và đông đảo bà con nhân dân đang kinh doanh, buôn bán tại khu vực Đền Chợ Củi, xã Xuân Hồng.

Tại các cuộc họp trước giữa chính quyền địa phương và gia đình thủ nhang, gia đình thủ nhang cho rằng lịch sử hình thành Đền Chợ Củi và việc gìn giữ, tôn tạo, duy trì hoạt động tín ngưỡng tại đền là do đóng góp của cá nhân và nhân dân trong vùng.

Ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, Đền Chợ Củi là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư, không phải là nơi thờ tự riêng của hộ gia đình, cá nhân hay của một dòng họ nào. Trên cơ sở các nội dung kết luận thanh tra đã nêu, huyện sẽ nghiêm túc thực hiện những kiến nghị, xử lý sau thanh tra, cũng như chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo kết quả đúng thời hạn theo yêu cầu.

 centerrightdel
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Lê Anh Dũng khẳng định sẽ nghiêm túc thực hiện những kiến nghị, xử lý sau kết luận thanh tra. Ảnh: Hải Yến 

“Những tồn tại, hạn chế mà đoàn thanh tra chỉ ra rất xác đáng, huyện xin rút kinh nghiệm để chấn chỉnh tăng cường công tác quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định tại cuộc họp.

Quan điểm của huyện Nghi Xuân là sau khi bàn giao nội tự Đền Chợ Củi vẫn tiếp tục sử dụng những người có kinh nghiệm và từng làm nội tự nếu có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện.

Đối với 16 hộ kinh doanh tại đền được ưu tiên bố trí kinh doanh tại các ki-ốt mới; các thành viên tổ giữ xe cũ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và được ký hợp đồng lao động theo quy định.

Việc quản lý và tổ chức các hoạt động tại Đền Chợ Củi được công khai, minh bạch và đảm bảo quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Vì vậy, người dân nên đồng tình ủng hộ, tránh bị lợi dụng, xúi giục, lôi kéo, kích động dẫn đến vi phạm pháp luật.

leftcenterrightdel
 Việc công bố kết luận thanh tra được thực hiện tại UBND xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân. Ảnh: Hải Yến

Như Báo Thanh tra đã đưa tin trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Kết luận thanh tra số 07/KL-UBND về công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi vào ngày 5/1.

Di tích Đền Chợ Củi được xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đền Chợ Củi là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính được khởi dựng từ thời nhà Lê Sơ, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Thời kỳ trước năm 2013, Đền Chợ Củi hoạt động theo tín ngưỡng tự phát của người dân, do UBND xã Xuân Hồng và một số hộ dân xung quanh khu vực đền tự quản lý.

Năm 2014, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án Quản lý và Tổ chức các hoạt động tại Di tích Đền Chợ Củi. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy, hoạt động của BQL mang tính chất kiêm nhiệm, không được giao biên chế, chưa phát huy được vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý. Công tác điều hành tại đền còn mang tính cá nhân, gia đình; nguồn thu chưa được kiểm soát trong thời gian dài. Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư thích đáng; công tác quản lý kinh doanh, dịch vụ còn lộn xộn làm mất mỹ quan, mất an toàn và ảnh hưởng đến việc thu hút du khách.

leftcenterrightdel
 Công tác quản lý tại Đền Chợ Củi còn nhiều bất cập. Ảnh: Hải Yến

Năm 2023, trên cơ sở đề xuất của UBND huyện Nghi Xuân, UBND tỉnh có quyết định thành lập BQL Dịch vụ công ích và Các điểm du lịch huyện Nghi Xuân trên cơ sở tổ chức lại BQL Khu du lịch Xuân Thành và các công trình công cộng với BQL Di tích Đền Chợ Củi.

Tuy nhiên, ngay sau khi thành lập, BQL đã nhiều lần tổ chức làm việc với gia đình thủ nhang (ông Nguyễn Sỹ Quý, Nguyễn Sỹ Hóa) để bàn giao nội tự cho BQL thực hiện việc quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích theo đúng quy định hiện hành nhưng không được hợp tác.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đề nghị thanh tra công tác quản lý và tổ chức các hoạt động tại Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi từ ngày 18/5/2023 đến ngày 31/7/2023.

Kết luận thanh tra số 07/KL-UBND của UBND tỉnh ngày 5/1/2024 cho thấy, từ năm 2014 đến 2023, BQL Di tích Đền Chợ Củi không thể hiện được vai trò quản lý, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ như trong đề án được UBND tỉnh phê duyệt, công tác quản lý tại di tích còn nhiều bất cập.

Việc thu và sử dụng tiền công đức của gia đình thủ nhang ông Nguyễn Sỹ Quý, theo thống kê của gia đình, tổng số tiền công đức thu được từ năm 2014 đến hết 31/12/2022 là 37,124 tỷ đồng. Số tiền này gia đình thủ nhang sử dụng nộp công đức vào tài khoản của BQL từ năm 2014 đến hết 31/12/2022 là 17,9 tỷ đồng, chi phục vụ tại đền 18,717 tỷ đồng.

Việc gia đình thủ nhang (ông Nguyễn Sỹ Quý, ông Nguyễn Sỹ Hóa) toàn quyền quản lý tất cả tiền công đức hằng năm mà không có sự tham gia của BQL di tích, chính quyền địa phương trong giám sát nguồn thu công đức, không được kiểm kê đóng nộp kịp thời vào tài khoản của BQL di tích là chưa đảm bảo quy định, dẫn đến BQL, chính quyền địa phương không nắm được số liệu thực tế khoản thu này (phụ thuộc vào số liệu do gia đình thủ nhang kê khai)...

leftcenterrightdel
  Tình trạng xây dựng trái phép trên đất Nhà nước quản lý, vi phạm hành lang bảo vệ sông diễn ra tại khu vực Đền Chợ Củi. Ảnh: Hải Yến

Đối với công tác tổ chức quản lý tại khu di tích, giao UBND huyện Nghi Xuân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế Quản lý phù hợp, hiệu quả. Đến hết ngày 5/1/2024, chấm dứt việc khoán công tác quản lý tiền công đức của Đền Chợ Củi cho hộ gia đình thủ nhang; thành lập hội đồng quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào ngân sách để thực hiện quản lý thu, chi theo đúng quy định pháp luật.

Đối với các gia đình thủ nhang phải chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của Đền Chợ Củi, bàn giao cho BQL Dịch vụ công ích và Các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/1/2024.

Hải Yến