Ban Quản lý di tích Đền Chợ Củi lỏng lẻo, để “thủ nhang” lộng hành

Di tích Đền Chợ Củi được công nhận di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia đã đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân cả nước. Quá trình hoạt động, di tích cơ bản đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân các vùng lân cận và du khách cả nước, việc khai thác các hoạt động tại di tích đã tạo việc làm cho một số lao động địa phương và thu nhập cho một số hộ dân sinh sống ở khu vực phụ cận của di tích, đồng thời góp phần vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, từ sau khi được thành lập và kiện toàn theo từng giai đoạn cho đến nay Ban Quản lý di tích đã không đảm nhận và không thể hiện được vai trò, chức năng nhiệm vụ được giao, công tác quản lý các hoạt động tại di tích vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

leftcenterrightdel
 Di tích Đền Chợ Củi được công nhận di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia đã đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của nhân dân cả nước. Ảnh: Hải Yến

Về cơ cấu tổ chức, quá trình hoạt động Ban Quản lý di tích Đền Chợ Củi không thực hiện quản lý toàn bộ lao động làm việc tại đền, việc phân công nhiệm vụ chưa kịp thời, chưa thực hiện đầy đủ việc ký hợp đồng lao động đối với các thành viên tổ nội tự và tổ giữ xe, không thực hiện chi trả lương, chế độ cho phần lớn người lao động và các hoạt động tại di tích mà giao khoán cho gia đình "thủ nhang" và tổ giữ xe là không đúng quy định.

Ban Quản lý di tích chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh thuộc thẩm quyền dẫn đến chưa tổng hợp báo cáo đầy đủ toàn bộ số tiền thu được từ Khu Di tích Đền Chợ Củi.

Việc thực hiện quy hoạch chi tiết Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia Đền Chợ Củi được phê duyệt tại Quyết định số 3474/QĐ-UBND ngày 30/11/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh; tuy vậy, đến nay phần lớn các hạng mục công trình chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Sau khi quy hoạch được duyệt, chính quyền địa phương cũng chưa thực hiện việc cắm mốc quy hoạch và ban hành quy định quản lý quy hoạch nên khó khăn trong công tác quản lý, xuất hiện tình trạng xây dựng trái phép trên đất Nhà nước quản lý, vi phạm hành lang bảo vệ sông.

Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tại Ban Quản lý di tích cũng chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo quy định, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhưng chưa cập nhật kịp thời các văn bản nên một số văn bản sử dụng làm căn cứ để xây dựng quy chế đã hết hiệu lực, một số nội dung quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ chưa đúng quy định.

Việc giao khoán cho gia đình "thủ nhang" (ông Nguyễn Sỹ Quý, ông Nguyễn Sỹ Hóa) thu, chi và quản lý tiền công đức, tiền tài trợ, cúng tiến của các tổ chức, cá nhân mà không có quy chế phân cấp rõ ràng cụ thể về nguồn thu, nhiệm vụ chi; không ban hành quy chế giám sát, phối hợp kiểm kê nguồn thu công đức giữa gia đình "thủ nhang" và Ban Quản lý di tích, dẫn đến Ban Quản lý di tích hoàn toàn không nắm được số liệu thực tế các khoản thu, chi này; hằng năm không ban hành quyết định về mức kinh phí giao khoán và cũng không thực hiện việc điều chỉnh kinh phí giao khoán tiền công đức theo mức độ đóng góp công đức của người dân, du khách.

Đối với nguồn thu từ hoạt động dịch vụ cúng lễ, dịch vụ viết tấu sớ, dịch vụ cho thuê ki ốt bán hàng trong khuôn viên khu di tích chưa được đưa vào quản lý. Việc tổ chức các lễ hội chưa được quan tâm đúng mức, hằng năm không thành lập Ban Tổ chức lễ hội, không tổ chức được phần hội mà chủ yếu là người dân, du khách đi lễ, thực hiện tín ngưỡng tâm linh mang tính tự phát.

Gia đình thủ nhang chưa phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong công tác quản lý các hoạt động tại di tích; quá trình hoạt động chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức (không lập sổ ghi chép rõ ràng, không công khai minh bạch các khoản thu, chi).

Việc tái đầu tư, tôn tạo di tích từ nguồn công đức không được thực hiện dẫn đến di tích ngày càng xuống cấp, không đảm bảo mỹ quan và an ninh - trật tự.

Nhiều tổ chức, cá nhân bị yêu cầu kiểm điểm

Để xảy ra các tồn tại, hạn chế trên trong thời gian dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao, chưa quyết liệt trong việc kiến nghị, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế, dẫn đến các tồn tại kéo dài, không được xử lý triệt để.

Sở VHTT&DL tiến hành kiểm tra các hoạt động tại di tích nhưng chưa tham mưu kiến nghị các giải pháp xử lý. Đối với việc trùng tu, tôn tạo di tích: Chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong lĩnh vực chuyên môn của ngành, việc lưu lập hồ sơ không đảm bảo.

UBND huyện Nghi Xuân đã thành lập Ban Quản lý Đền Chợ Củi nhưng thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động, hằng năm không ban hành quyết định về mức kinh phí, điều chỉnh mức kinh phí giao khoán tiền công đức theo yêu dẫn đến việc quản lý kinh phí thu tiền công đức không đầy đủ. Không triển khai cắm mốc và thực hiện quy hoạch, không quản lý quy hoạch khu di tích dẫn đến việc các hộ dân cơi nới, sử dụng khu vực được bảo vệ. Chưa phát huy hết vai trò quản lý trong việc thực hiện trùng tu di tích, không kiểm tra, giám sát công tác tôn tạo của chủ đầu tư dẫn tới một số hạng mục xây dựng không đúng quy hoạch, thiết kế được duyệt.

Ban Quản lý di tích Đền Chợ Củi không phát huy được chức năng, nhiệm vụ theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt, giao toàn bộ việc quản lý di tích cho gia đình "thủ nhang" là chưa phù hợp.

UBND xã Xuân Hồng chưa thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước tại địa bàn, đặc biệt đối với những diện tích đất do xã quản lý để người dân vi phạm, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đai, tài sản công nhưng không được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Chưa thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thu thuế các hộ kinh doanh tại khu di tích.

Gia đình "thủ nhang" chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức theo quy định. Chưa phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong công tác quản lý các hoạt động tại di tích theo quy định.

Khẩn trương khắc phục các tồn tại

Để khắc phục các hạn chế, giải quyết dứt điểm các nội dung tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Nghi Xuân triển khai cắm mốc và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia Đền Chợ Củi (tỷ lệ 1/500) đã được UBND tỉnh phê duyệt.

leftcenterrightdel
Việc tổ chức các lễ hội chưa được quan tâm đúng mức, hằng năm không thành lập Ban Tổ chức lễ hội, không tổ chức được phần hội mà chủ yếu là người dân, du khách đi lễ, thực hiện tín ngưỡng tâm linh mang tính tự phát. Ảnh: Hải Yến 

Sở VHTT&DL, UBND huyện Nghi Xuân và các tổ chức, cá nhân liên quan kiểm điểm theo thẩm quyền và làm rõ trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các nội dung trên.

Đối với công tác tổ chức quản lý tại khu di tích: Giao UBND huyện Nghi Xuân chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Quy chế Quản lý phù hợp, hiệu quả. Đến hết ngày 05/01/2024, chấm dứt việc khoán công tác quản lý tiền công đức của Đền Chợ Củi cho hộ gia đình "thủ nhang"; thành lập Hội đồng Quản lý, kiểm kê hằng ngày hoặc hằng tuần và nộp tiền công đức vào ngân sách để thực hiện quản lý thu, chi theo đúng quy định pháp luật.

Đối với các gia đình "thủ nhang" phải chấm dứt việc chiếm hữu, quản lý khu vực nội tự của Đền Chợ Củi, bàn giao cho Ban Quản lý dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân chậm nhất là ngày 15/01/2024

Đối với khoản tiền công đức còn thiếu đến 31/12/2022 của hộ gia đình thủ nhang còn lại 1.750.000.000 đồng yêu cầu hộ thủ nhang (ông Nguyễn Sỹ Quý) nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

UBND huyện Nghi Xuân thu hồi số tiền chi sai chế độ lương và phụ cấp của các đối tượng với số tiền 143.055.300 đồng và số tiền khoán công tác phí năm 2018 chi sai quy định 12 triệu đồng, nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh.

Hải Yến