Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Lê Phương - Mạnh Đạt

Thứ tư, 18/12/2024 - 13:07

(Thanh tra) - Ngày 18/12/2024, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: LP

Dự buổi công bố có Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ) Hoàng Hưng; Cục trưởng Cục V Nguyễn Mạnh Cường; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan TP Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Thái Bình, tỉnh Nghệ An, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Cà Mau.

Tại buổi công bố, ông Vũ Quốc Công, Thanh tra viên cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ I - Trưởng đoàn Thanh tra đã công bố toàn văn Kết luận số 495/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo kết luận thanh tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, phê duyệt mới 7 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt 2 năm, thực hiện không đúng quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật Thủy lợi năm 2017 và chưa lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện không đúng quy định về thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 4 năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch; có 2/7 quy hoạch, trong đó nội dung quy hoạch chưa thể hiện cho từng thời kỳ là 5 năm (vùng Tây nguyên và Đông Nam Bộ)…

Tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt Quy hoạch thủy lợi tỉnh theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Quyết định số 1397/QĐ-TTg, dẫn đến, tỉnh Cà Mau thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018-2023 và trước đó. UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi (Quyết định số 1652/QĐ-UBND.HC ngày 28/12/2018) không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch, thực hiện không đúng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 14 Luật Thủy lợi năm 2017. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Đồng Tháp…

Từ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng quỹ đất, mặt nước để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi theo quy định của Điều 118 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, việc xây dụng các đập thủy điện ở thượng nguồn và nguồn nước đang suy giảm nghiêm trọng…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tiếp thu toàn bộ nội dung kết luận thanh tra và cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện nghiêm kết luận thanh tra. Ảnh: LP

Thay mặt lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, tiếp thu toàn bộ nội dung kết luận thanh tra. Công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai là lĩnh vực lớn, được đầu tư lớn, nhưng rải rác ở các tỉnh, thành phố. Đoàn thanh tra với phương pháp làm việc khoa học, đi đến tận cùng bản chất sự việc, đặc biệt đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Trong quá trình làm việc, đoàn thanh tra luôn tạo điều kiện tuyệt đối cho đơn vị, cơ quan, địa phương trong báo cáo giải trình và tiếp thu đầy đủ nội dung và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

“Ở góc độ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất trí toàn bộ nội dung kết luận thanh tra. Đặc biệt là những vấn đề đoàn thanh tra kiến nghị các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải làm ngay. Căn cứ kết luận thanh tra, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Thanh tra Bộ dự thảo kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, dự kiến trong quý I/2025 sẽ tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan quan. Đối với các biện pháp khắc phục về thể chế cho phép kéo dài vì sắp tới sáp nhập các đơn vị nên các thông tư, nghị định sẽ có thay đổi”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Bắc Ninh cùng các đơn vị có liên quan cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Cục trưởng Cục Giám sát, Thẩm định, Xử lý sau thanh tra (Cục V), Thanh tra Chính phủ đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tại kết luận thanh tra. Đồng thời, lưu ý các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố kết luận thanh tra phải lập kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra.

Cục trưởng Cục V Thanh tra Chính phủ Nguyễn Mạnh Cường đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm các nội dung Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tại kết luận thanh tra. Ảnh: LP

Phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra, Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ) Hoàng Hưng cho biết, việc công bố kết luận thanh tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra triển khai thực hiện các kiến nghị theo kết luận thanh tra. Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra. Trong đó, lưu ý xác định rõ đối tượng, cơ quan chịu trách nhiệm chính, thời hạn, việc kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện để tổng hợp báo cáo và để Thanh tra Chính phủ có cơ sở kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, trao đổi với Vụ I và Cục V, Thanh tra Chính phủ để tổ chức thực hiện kết luận thanh tra có hiệu quả. Đồng thời đề nghị Cục V theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm kết quả thực hiện xử lý sau thanh tra.

“Đối với các nội dung khắc phục được ngay, đề nghị các đồng chí tập trung khắc phục, thực hiện, nhất là các nội dung kiến nghị về xử lý kinh tế, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan. Bám sát hướng dẫn bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật, tránh để xảy ra thiếu sót. Còn các nội dung khắc phục khác đề nghị các đồng chí có lộ trình thực hiện theo quy định của pháp luật”, Vụ trưởng Vụ I Hoàng Hưng nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Vì sao nguyên kế toán, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long bị kiến nghị bồi thường hơn 360 triệu đồng?

Vĩnh Long: Vì sao nguyên kế toán, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long bị kiến nghị bồi thường hơn 360 triệu đồng?

(Thanh tra) - Qua thanh tra tại Trường THPT Vĩnh Long, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện vi phạm trong quản lý tài chính, cho thuê mặt bằng... Đáng chú ý, nguyên kế toán và Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long bị kiến nghị có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền hơn 360 triệu đồng.

Cảnh Nhật

15:00 18/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm