Sáng ngày 10/10, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thời gian phiên họp dự kiến kéo dài trong 3 ngày.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến, quyết định một số vấn đề quan trọng, trong đó có công tác nhân sự.

Theo ông Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, cho ý kiến và chuẩn bị các nội dung liên quan đến kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí bộ trưởng trong bộ máy Chính phủ theo đề nghị của Thủ tướng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Với công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp này sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về miễn nhiệm đặc sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một số nhân sự cụ thể cũng sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội bầu chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù cho TP HCM thêm 1 năm

Cũng tại phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

Ông Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thêm phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Huệ, khu vực kinh tế tư nhân đã có điều chỉnh tiền lương. Lần này, điều chỉnh tiền lương, ngoài với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội… thì còn khối doanh nghiệp Nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội quy định những giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt cho Chính phủ trong công tác phòng chống dịch và báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Với nội dung này, ông Huệ cho biết, Nghị quyết 54 sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tổng kết và đề xuất cơ chế chính sách mới thay cho Nghị quyết 54 nhưng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, đến nay Chính phủ chưa chuẩn bị kịp. Do đó, Chính phủ đề xuất kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm sau.

Tháo gỡ vướng mắc một số dự án BOT phải bàn “thấu lý đạt tình”

Một nội dung quan trọng khác được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là việc tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án BOT.

Ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý và thẩm quyền trong vấn đề này; căn cứ vào Luật Đối tác công tư và hợp đồng giữa một bên là Chính phủ, một bên là các nhà đầu tư.

“Giờ giải quyết vướng mắc thì phải căn cứ vào hợp đồng, quyền hạn của Chính phủ đến đâu, Thường vụ Quốc hội đến đâu và Quốc hội có thẩm quyền này không? Thẩm quyền này thì giải quyết như thế nào? Cái này còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần cho ý kiến kỹ lưỡng trên tinh thần sâu sát với thực tế”, ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về nguyên lý, trước hết phải xem xét hợp đồng các bên thực hiện thế nào. Vướng mắc này do bản thân phía đại diện Nhà nước, doanh nghiệp hay trách nhiệm nhiệm của nhà đầu tư ra sao.

Nếu nhà đầu tư thực hiện không nghiêm hợp đồng mà đẩy trách nhiệm cho Chính phủ, Quốc hội quyết định thế này có hợp ký không, vì xử với những dự án này còn những dự án khác nữa.

“Nếu nhà đầu tư thực hiện không nghiêm hợp đồng mà đẩy trách nhiệm cho Chính phủ, Quốc hội quyết định thế này có hợp lý không, vì xử với những dự án này còn những dự án khác nữa”, ông Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định tinh thần chủ động tháo gỡ tồn tại, vướng mắc nhưng phải bàn thảo kỹ lưỡng để thấu lý đạt tình vì trước hết, khi trình ra Quốc hội phải đúng luật.

Hương Giang