Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ tại cuộc họp trực tuyến về cải cách thủ tục hành chính với 3 bộ (Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông) và 8 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh), sáng 8/5.

Còn tỷ lệ thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy tỷ lệ hồ sơ đồng bộ trên cổng dịch vụ công quốc gia của các bộ chưa cao, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông mới đạt 14%, Bộ Ngoại giao đạt 12%.

Với các địa phương, tỷ lệ hồ sơ đồng bộ trên cổng dịch vụ công cao hơn như Tây Ninh đạt 93,7%, Quảng Ninh đạt 90,8%, Hà Nội đạt 49,89%, TP Hồ Chí Minh đạt 25,97%.

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Đà Nẵng đạt tỷ lệ 67,56%, Tây Ninh đạt 52,66%, Hải Phòng đạt 30,97%, Quảng Ninh đạt 28,69%, TP HCM đạt 26,33%, Hải Dương đạt 19,37%, Hà Nội đạt 10,71%. Tỷ lệ này thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 80%.

Báo cáo cũng nêu rõ tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đạt 17,36%, Tây Ninh đạt 36,81%, Quảng Ninh đạt 31,81%, Hà Nội đạt 13,84%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra của Chính phủ là 45%.

Các địa phương khác đạt tỷ lệ từ trên 53% trở lên, trong đó Hải Dương đạt tỷ lệ cao nhất là 71%.

Về xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và tỉnh Quảng Ninh đã xử lý 100% phản án kiến nghị. Một số địa phương có tỷ lệ hài lòng trong xử lý kiến nghị cao gồm Tây Ninh đạt 95%, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đạt 96%, Hải Dương và Hải Phòng đạt khoảng 93%.

Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ trong kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục hoàn thiện tính năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh đề nghị sớm hoàn thành phần mềm quản lý hệ thống thông tin đất đai để thống nhất sử dụng trên toàn quốc; có cơ chế chính sách mới về đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin cho chuyển đổi số. Tỉnh Tây Ninh thì đề nghị rút ngắn thời gian cấp thiết bị ký số.

Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, rà soát thủ tục hành chính nội bộ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý tồn tại, vướng mắc còn nhiều. “Có 2 câu chữ được nhắc nhiều nhất là “chưa” và “chậm”, nghĩa là còn nợ nhiều lắm”, ông nói và quán triệt tinh thần phải tăng tốc thực hiện những mục tiêu đặt ra trong cải cách thủ tục hành chính.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang với 3 bộ, 8 địa phương về cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: M.Khôi

Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát thủ tục hành chính nội bộ vốn còn nhiều và chồng chéo, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2024 để tổng hợp.

Các bộ, địa phương cũng phải thực hiện nghiêm việc công bố công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định.  “Theo báo cáo có những việc đã làm rồi, nhưng không nói, không công khai thì không ai biết”, lãnh đạo Chính phủ lưu ý.

Đi cùng với công khai thủ tục hành chính, phải đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công toàn trình để đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung rà soát kỹ và cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu số hóa; bảo đảm an toàn an ninh hệ thống.

Bộ Quốc phòng được giao hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên cổng dịch vụ công quốc gia đối với nhóm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu theo tiến độ đề ra tại Quyết định số 206 của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu làm được, chúng ta không mất công, tốn kém và minh bạch hoá quá trình này ở địa phương, theo nhận định của Phó Thủ tướng.

Ngoài ra, ông đề nghị 4 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Bình Dương được đề nghị sớm hoàn thiện tài liệu mô hình mẫu về bộ phận một cửa, tổ chức triển khai thí điểm trong năm 2024. Mục tiêu đặt ra là tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.

Hương Giang