Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, để chủ động ứng phó với bão số 9, các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.

Trong đó, Quảng Nam 129.194 người dự kiến xong trước 17h ngày 27/10; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người; Quảng Ngãi 94.269 người, dự kiến xong trước 17h ngày 27/10; Bình Định 96.513 người, dự kiến xong trước 19h ngày 27/10; Phú Yên 27.653 người dự kiến xong trước 17h ngày 27/10; Thừa Thiên Huế 67.812 người, dự kiến xong trước 15h ngày 27/10; Đà Nẵng 32.626 người, dự kiến xong trước 15h ngày 27/10.

Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

Hiện tại, một số khu du lịch tập trung đông khách như Nha Trang, tỉnh Khánh Hóa; Quy Nhơn, tỉnh Bình Định... Chính quyền địa phương đã thông tin cho khách du lịch biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.

Về tình hình tàu thuyền, đến 11h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu/229.290LĐ. Hiện còn 142 tàu/1.118 LĐ (Bình Định) còn trong vùng nguy hiểm. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh.

Khẩn trương ứng phó bão số 9, các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển. Đồng thời, đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Đây là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm đổ bộ vào nước ta. Dù chủ động như thế nào nhưng không thể chủ quan vì thiên tai rất nhiều bất ngờMục tiêu là phải bảo vệ an toàn tính mạng tài sản của người dân và của nhà nước....

Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm "4 tại chỗ" với sự hỗ trợ của lực lượng của các bộ, ngành Trung ương. Tiếp tục rà soát tàu thuyền trên các khu vực nguy hiểm đi khỏi vùng nguy hiểm, đưa về nơi tránh trú. Khi về tránh trú cần chằng níu để tàu thuyền không bị va chạm, tránh trường hợp tàu cá chìm tại khu neo đậu như từng xảy ra trước đây. Sơ tán người dân ra khỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên biển, ven biển. Tập trung vào các đảo ven biển, không để bất cứ bà con nào trên lồng bè, chòi canh.

Phó Thủ tướng đề nghị: Tập trung bảo vệ dân trên đất liền, phải sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, nước ngấp sâu, chảy xiết, ở các công trình nhà ở không an toàn, đảm bảo an toàn cho các công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học và các công trình đang xây dựng. Bảo vệ đường truyền tải điện, tập trung bảo vệ tài sản của người dân, cơ sở sản xuất nhất là Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều khu công nghiệp nhà hàng khách sản, cấm người dân đi ra ngoài khi bão bắt đầu ảnh hường….

Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương cần chú ý bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều, nhất là đối với tỉnh Quảng Nam nhiều hồ đập.

“Hồ đập rất tốt để giữ nước, điều tiết nước, thực hiện đa mục tiêu. Hồ đập đã cải thiện rất nhiều về lũ lụt. Nhưng hồ đập quản lý không tốt thì rất nguy hiểm. Hồ đập tốt hay không tốt là do con người ” - Phó Thủ tướng nhất mạnh.

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục cho rà soát các hồ đập nếu có sự cố khẩn trương xử lý, đặc biệt là đập đất, đê điều... Vận hành hồ chứa phải an toàn, không để nước quá sức chứa.

Các địa phương cũng cần chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, đặc biệt là sạt lỡ rất nguy hiểm. Các địa điểm nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cần phải khẩn trương sơ tán người dân ngay lập tức.

Thái Hải