Nữ bản Nưa làm du lịch cộng đồng

Trong danh sách kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở huyện vùng cao, biên giới Con Cuông, Nghệ An chúng tôi ấn tượng với nữ đại biểu Lô Thị Hoa bởi những thông tin ngắn ngủi, gây sự tò mò: Sinh năm 1974, dân tộc Thái, nghề nghiệp Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê.

Qua câu chuyện, chị Hoa tâm sự, hành trình đến với du lịch thật tình cờ. Ấy là năm 2011, khi huyện có chủ trương xây dựng Con Cuông trở thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái vào năm 2030. Lúc bấy giờ chị được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ Du lịch cộng đồng bản Nưa, nơi chị cùng gia đình sinh sống.

Không thể hình dung hết những khó khăn trong buổi đầu đến với loại hình kinh doanh du lịch - dịch vụ này như thế nào, cũng như cách "làm" du lịch ra sao. Từ một người phụ nữ của bản làng, quanh năm đầu tắt mặt tối với vườn đồi, ruộng nương, bắt tay làm cái nghề vừa mới, vừa lạ, chưa có "tiền lệ” trong vùng, trong huyện, thậm chí trong toàn tỉnh, nên cả Tổ Du lịch cộng đồng bản Nưa đầy băn khoăn, lo lắng và cả áp lực.

Vừa làm vừa học hỏi, từ sự quyết tâm của bản thân, sự đồng hành của người thân và chị em trong Chi hội Phụ nữ, nhất là sự động viên của huyện và các phòng chuyên môn, chị em của bản Nưa và cá nhân chị Hoa đã có việc làm ổn định ngay chính trên bản làng, với những triển vọng để hội viên thoát nghèo. Khi cách làm đi vào quy củ, chị và các thành viên của tổ đã không ngừng học hỏi, đúc rút từ những buổi tập huấn, tham quan một số địa phương ở các tỉnh có thế mạnh đến tham khảo từ sách, báo… Đến nay, tổ hợp do chị "đứng mũi chịu sào" đã từng bước giúp các thành viên vững tin hơn trên con đường làm du lịch.

"Đến giờ, mình cũng không nghĩ du lịch cộng đồng ở quê mình đã có những nền tảng thực sự. Bà con đã biết thay đổi trong nhận thức và hành động để "kéo khách" về bản làng, để thưởng ngoạn, lưu trú, sử dụng các dịch vụ từ cây nhà lá vườn do chính chị em mình tạo nên. Du lịch cộng đồng đã làm thay đổi con người mình, cho mình được mở mang kiến thức, được gặp gỡ, kết nối nhiều người từ mọi miền, nhất là du lịch đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững", chị Hoa tự hào.

leftcenterrightdel
Chị Hoa bên sản phẩm mây tre đan truyền thống đồng bào Thái. Ảnh: NVCC 

Ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho hay, từ khi thành lập Tổ Du lịch cộng đồng, hàng năm bản thân chị Hoa và các thành viên trong tổ được các tổ chức và cơ quan chuyên môn cử đi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm về kỹ năng, kiến thức làm du lịch cộng đồng. Với niềm đam mê sẵn có, chị và các thành viên trong tổ đã tự tìm hiểu chế biến những món ăn truyền thống của đồng bào Thái, kết hợp với sự linh hoạt của chị, từng bước "cách tân" các món ăn nhưng vẫn mang nét đặc trưng của đồng bào, đồng thời phục dựng văn hoá của đồng bào Thái như nghề dệt thổ cẩm, đan lát, mây tre đan… Không những vậy, chị đã chủ động tìm hiểu và liên kết với các công ty du lịch trong và ngoài nước, làm tốt công tác truyền thông, quảng bá du lịch trên truyền hình, mạng xã hội với mong muốn đem du lịch cộng đồng bản, thương hiệu "homestay Hoa Thụ" đến gần hơn với bạn bè, được du khách muôn phương biết và tìm đến.

Tin lành đồn xa, khi tên tuổi du lịch cộng đồng bản Nưa do chị Hoa quản lý chỉ trong thời gian ngắn tạo được uy tín bằng chất lượng sản phẩm và cung cách phục vụ đã thu hút du khách. Năm 2018, điểm du lịch cộng đồng, sinh thái bản Nưa được Sở Du lịch trình UBND tỉnh Nghệ An công nhận "Điểm du lịch" cấp tỉnh. Để mở rộng quy mô và cách làm, được sự hỗ trợ, tư vấn của huyện, năm 2020, tổ du lịch hoàn thiện thủ tục, được chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã (HTX). HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê do chị Hoa làm Giám đốc được hình thành từ đó.

Chỉ không lâu sau đó, năm 2021, sản phẩm “HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê” được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đây là động lực để chị Hoa cùng các thành viên trong HTX tiếp tục cố gắng, duy trì, phát huy và quảng bá với du khách những giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái ở Con Cuông.

leftcenterrightdel
Nhiều hoạt động trải nghiệm của du khách khi đến với du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê. Ảnh: CSCC 

Anh Lê Thăng, một du khách đến từ TP Vinh, trong một lần về với vùng đất Trà Lân, Con Cuông, cảm nhận: "Bản thân đã có dịp đến với nhiều vùng miền trong cả nước nhưng khi đến với du lịch cộng đồng miền Tây của tỉnh, chỉ 2 ngày 1 đêm trải nghiệm ở điểm du lịch bản Nưa của xã Yên Khê, dừng chân ở homestay Hoa Thụ, được sống cùng bà con đồng bào dân tộc Thái nơi đây, chúng tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Không những được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Thái, được tìm hiểu phong tục tập quán của họ, mà còn được thưởng thức các làn điệu dân ca Thái cùng với tiếng cồng chiêng, tiếng khèn ngân vang, được hòa mình trong các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, múa lăm vông... đến từ các khúc hát dân ca, dân nhạc, dân vũ của chị em trong bản "tự biên tự diễn". Bên cạnh đó, còn có nhiều trải nghiệm khác như tham quan khe nước Mọc, hang Thắm Nàng Màn, tham quan làng nghề dệt thổ cẩm, tái hiện nếp sinh hoạt cộng đồng như xem cảnh bà con cấy lúa, gặt lúa, xúc cá, bắt cua...".

Đến đại biểu dân cử miền Trà Lân

Ngoài niềm đam mê cống hiến hết mình cho hoạt động du lịch bản địa, bản thân chị Hoa còn được biết đến là đại biểu HĐND huyện rất tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động nơi bầu cử. Nhận nhiệm vụ được bà con tin tưởng, gửi trao làm cầu nối của "ý Đảng, lòng dân", chị đã tham gia một cách trách nhiệm, đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát, tích cực phát biểu trong các phiên thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND huyện, kịp thời phản ảnh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến HĐND huyện và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết ý kiến cử tri, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện tại địa phương.

leftcenterrightdel
Đại biểu HĐND huyện Lô Thị Hoa trong cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp. Ảnh: Lương Hương

Hàng năm, chị Hoa và HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê đã có nhiều đóng góp cho các thôn bản trong việc xây dựng bản làng như hỗ trợ chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các hoạt động văn hoá, văn nghệ của bản. Đặc biệt là việc phục hồi, giữ gìn, phát huy và truyền dạy nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát mây tre đan…

Chia sẻ về điều này, chị Lô Thị Hoa cho biết: “Để xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng của cử tri, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, tham gia tích cực các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, đến tận các thôn bản. Qua đó, giúp bản thân có nhiều thông tin, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó phản ánh với HĐND huyện, kiến nghị với các cơ quan chức năng để có những điều chỉnh phù hợp trong triển khai, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân”.

leftcenterrightdel
Với một đại biểu HĐND huyện, chị Hoa đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của đại biểu dân cử, nơi gửi gắm, cầu nối giữa bản làng người Thái ở Con Cuông. Ảnh: L.H 

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện Con Cuông nhìn nhận, chị Lô Thị Hoa là một trong số đại biểu tiêu biểu của HĐND huyện, không chỉ thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử, mà chị còn giỏi kinh doanh du lịch, xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Thái. Sau khi huyện tập trung các nguồn lực để xây dựng thành đô thị sinh thái, đến nay toàn huyện đã hình thành nên nhiều điểm, tuyến du lịch khá ấn tượng, được du khách biết đến, trong số đó có mô hình HTX do chị Hoa làm giám đốc cũng như hộ làm du lịch theo homestay của gia đình chị. Với cách làm bài bản, chú trọng đến sản phẩm, tổ hợp của chị ngày một lan tỏa, trở thành "chị cả" trong các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở miền Trà Lân, vùng quê văn hóa và cách mạng.

Trải qua 12 năm gắn bó với hoạt động du lịch, đến nay HTX của chị Lô Thị Hoa đã thực sự là “chủ thể” của điểm du lịch cộng đồng, đã biến các con khe, cọn suối, nếp nhà sàn nơi núi rừng bản Nưa thành các cơ sở lưu trú, giải trí, nghỉ dưỡng khang trang với các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc người Thái Con Cuông. Chỉ riêng năm 2022, đã có 2.760 lượt khách đến tham quan du lịch, mang lại tổng thu nhập trên 414 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo việc làm thời vụ cho hơn 30 hộ dân địa phương.

Xuân Thống