Tăng trưởng sôi động trở lại

Cục Du lịch Quốc gia, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Sau 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế (tăng gần 60% so với cùng kỳ 2023 và tăng hơn 4% so với năm 2019), phục vụ hơn 66,5 triệu lượt khách nội địa.

Đáng chú ý, mặc dù đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, nhưng lượng khách đến trong tháng 6 vẫn đạt 1,2 triệu lượt (tăng hơn 5% so với cùng kỳ 2019), đạt một nửa mục tiêu đề ra cả năm. Kết quả này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.

Chiếm tới hơn 47% thị phần, Hàn Quốc và Trung Quốc thay phiên nhau là hai thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc liên tục dẫn đầu với hơn 2,2 triệu lượt khách ghé thăm, chiếm gần 26% và Trung Quốc chiếm hơn 21% thị phần. Các thị trường gửi khách tiếp theo là Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia. Khách Ấn Độ và Úc tăng trưởng ấn tượng, lọt top 10 thị trường khách lớn nhất.

Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á đã tạo nên động lực chính cho sự phục hồi của ngành công nghiệp không khói nước nhà với ghi nhận lượng khách Trung Quốc tăng gần 230%, Hàn Quốc tăng 42%, Nhật Bản tăng 39% so với cùng kỳ 2023.

Các thị trường ở khu vực Đông Nam Á cũng đang dần phục hồi với lượng khách Indonesia năm nay tăng 116%, Philippines tăng 57%, Lào tăng gần 20%, Campuchia tăng 17%, Malaysia tăng 9%, Singapore tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, Thái Lan lại giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách từ châu Âu (là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, áp dụng từ 15/8/2023) cũng tăng trưởng khá sôi động 6 tháng đầu năm, trên 1 triệu lượt khách châu Âu đến Việt Nam, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, Đơn cử như Nga tăng 75%, Italy tăng 67%, Tây Ban Nha tăng 43%, Pháp tăng 37%, Đan Mạch tăng 33%, Đức tăng 32%, Anh tăng 29%.

Khối lữ hành cũng ghi nhận tín hiệu kinh doanh tích cực, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái, khách Việt Nam ra nước ngoài tăng gấp 3 lần.

5 địa phương cán mốc doanh thu cao nhất

Sau thời gian “ì ạch,” tổng thu du lịch Việt đã dần có tín hiệu tích cực. Hai quý đầu năm doanh thu từ ngành công nghiệp không khói ước đạt 436,5 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Nhiều tỉnh, thành đã gặt hái được "quả ngọt" từ ngành Du lịch, dẫn đầu là TP Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm với 92,6 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023). Số khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,7 triệu lượt (tăng 38% so với cùng kỳ 2023); khách nội địa đạt hơn 17 triệu lượt (tăng 4,4% so với cùng kỳ 2023).

Thành quả này có được nhờ Sở Du lịch thành phố đã tích cực tổ chức, tham gia nhiều chương trình kích cầu, ra mắt 17 sản phẩm du lịch đường thủy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch; luôn luôn nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tại từng sản phẩm khác nhau, những sản phẩm nào đã hoạt động tốt thì cố gắng để phát huy tốt hơn.

Thống kê cho thấy, ngành Du lịch Thủ đô Hà Nội đã bứt phá mạnh mẽ giữa cao điểm nắng nóng của mùa hè năm nay, để đạt tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm gần 55,4 nghìn tỷ đồng (tăng gần 23% so với cùng kỳ 2023); khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt (tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái); khách nội địa ước đạt hơn 10 triệu lượt.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: Tạo các đường bay thẳng trực tiếp đến TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, ngoài ra cũng tập chung để xây dựng định hướng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch các sự kiện văn hóa, thể thao để thu hút khách có chi tiêu cao.

Đón lượng khách quốc tế đông gần bằng TP  Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm với gần 2,4 triệu lượt (gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái), khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt (tăng 40% so với cùng kỳ) đã mang về cho tỉnh Khánh Hòa doanh thu hơn 26 nghìn tỷ đồng (tăng 97% so với cùng kỳ 2023).

Xếp vị trí thứ tư là tỉnh Quảng Ninh với doanh thu đạt hơn 22,2 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ 2023); tổng lượng khách đạt hơn 10,4 triệu lượt (tăng 18% so với cùng kỳ 2023), trong đó khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt.

Xếp vị trí thứ 5 trong top các địa phương có tổng doanh thu du lịch nhiều nhất cả nước 6 tháng qua là Thanh Hóa với hơn 19,8 nghìn tỷ đồng; tổng số khách ước đạt gần 10 triệu lượt (tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 261 nghìn lượt (tăng hơn 21% so với cùng kỳ). Địa phương này thời gian gần đây là “ngôi sao mới nổi” trong bảng “xếp hạng” điểm đến nội địa.

Các chuyên gia nhận định, nhiều địa phương trên cả nước đạt được kết quả tăng trưởng lạc quan trong 6 tháng đầu năm một phần nhờ chính sách thị thực thông thoáng đã thu hút khách quốc tế đến, cùng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, liên tục của toàn ngành cũng như Chính phủ. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực, cơ hội cho du lịch Việt đạt được dấu mốc như trước đại dịch trong năm nay và mục tiêu 25-28 triệu lượt khách quốc tế trong 2025.

Ưu tiên phát triển du lịch đêm

Các chuyên gia cho rằng, với những kết quả đã đạt được và nửa cuối năm là thời điểm bùng nổ du lịch hè, mùa tết và các lễ hội, nếu toàn ngành tập trung các giải pháp đồng bộ, chọn các điểm đột phá tăng trưởng thì hoàn toàn có thể đạt và vượt các chỉ tiêu của cả năm.

Tuy nhiên, du lịch nước ta vẫn đang phải cạnh tranh gay gắt không chỉ với các cường quốc du lịch mà ngay với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ngành vẫn thiếu liên kết, chất lượng dịch vụ và sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, sức hấp dẫn còn hạn chế, nhất là các sản phẩm du lịch về đêm... Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ.

 Các tour, tuyến, điểm đến du lịch chưa đạt được tiêu chuẩn dịch vụ cao, giá vé máy bay "nóng" và chi phí tăng trong nửa đầu năm đã tác động đến quyết định du lịch của khách trong nước cũng biểu hiện sự thiếu liên kết giữa các ngành với ngành kinh tế tổng hợp như du lịch, giữa các loại hình du lịch vận chuyển du khách và lưu trú, nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội. 

Để nâng cao tính cạnh tranh và xa hơn là câu chuyện phát triển bền vững, các chuyên gia này cho rằng, cần tập trung các giải pháp đồng bộ từ đẩy mạnh quảng bá du lịch nội địa, tại các thị trường quốc tế, tận dụng tối đa sức ảnh hưởng của công nghệ số và mạng xã hội để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng.

Đồng thời, phát triển, làm mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đồng thời khai thác tiềm năng của các loại hình du lịch mới như MICE, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm. Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối các điểm đến du lịch, trong đó quan tâm đến các phương thức kết nối, các giải pháp tăng cường liên kết các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp văn hóa, giao thông với ngành du lịch. Tăng cường liên kết các vùng du lịch, các trung tâm du lịch và hệ thống vệ tinh lan tỏa, tạo ra không gian du lịch cho các sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn. Đặc biệt, phải quan tâm và có nhiều chính sách phát triển du lịch đêm, bởi đây là cốt lõi, là nét đặc thù của ngành. 

Thái Hải