Trong số những điển hình ấy, có Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh (tên thường gọi là Trần Thanh), Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

“Bà đỡ" hộ nghèo

Sau nhiều năm công tác tại nhiều đơn vị trong lực lượng Biên phòng Nghệ An, trước khi lên với xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông nhận nhiệm vụ, Trung tá Trần Thanh có quãng thời gian làm công tác Đảng ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, với chuyên môn là nhân viên thống kê tổ chức Đảng.

Năm 2018, cùng với chủ trương “tăng cường cơ sở” của cấp trên, Trung tá Trần Thanh (SN 1972), thời điểm đó mang hàm thiếu tá, đã viết đơn tình nguyện lên đồn biên phòng công tác.

Lúc ấy, với 46 tuổi đời, 25 năm tuổi quân, bằng năng lực và bề dày kinh nghiệm công tác, chị có nhiều cơ hội để ở lại phố thị tiếp tục con đường binh nghiệp trong quãng thời gian còn lại. Với bản tính muốn khám phá, thử thách bản thân ở môi trường khác, hơn hết thảy và chính cái lý do quyết định là chị muốn lên biên giới để cảm nhận rõ hơn những khó khăn, gian khổ mà đồng đội đang trải qua, cùng chút nung nấu trong tâm trí là muốn chia sẻ, đóng góp một điều gì đó có ích cho bà con nơi đây qua những chuyến công tác cơ sở với đồng bào vùng biên giới. Từ suy nghĩ ấy, lá đơn của chị được gửi đến các bộ phận, nói rõ nguyện vọng của mình khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.

Là nhân viên vận động quần chúng, lại công tác tại vùng đặc thù, hình ảnh nữ cán bộ biên phòng rong ruổi trên chiếc xe máy từ bản này qua bản khác đã trở nên quen thuộc với người dân Môn Sơn. Miệng nói, tay làm, từ người "ở tỉnh lên", Trung tá Trần Thanh dần trở thành người thân của đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai ở xã biên giới này. Họ quý chị, nghe chị, tin tưởng và tìm đến chị khi cần tư vấn, sẻ chia. Được dân yêu, dân tin, chị càng có thêm động lực để phấn đấu trong công tác, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng ủy, chỉ huy đồn phân công.

Gần 4 năm qua, người dân xã biên giới Môn Sơn đã quen thuộc với hình ảnh nữ quân nhân Trần Thanh có mặt khắp các bản làng, đến tận các hộ gia đình để hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế. Chị và đồng đội đến từng nhà, vào tận chuồng, chia sẻ với bà con những kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt.

Trong số các trường hợp được chị Thanh quan tâm, giúp đỡ có gia đình chị La Thị Phượng, bản Tân Sơn, xã Môn Sơn. Trước đây, vợ chồng chị Phượng là một trong những hộ nghèo nhất bản Tân Sơn, chỉ biết hàng ngày lên rừng chặt keo thuê cho các gia đình trong bản để lấy tiền công sống qua ngày, cuộc sống bấp bênh, bữa đói, bữa no.

Trong thời gian lên công tác tại đây, chị Thanh cùng cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Môn Sơn từng bước giúp gia đình chị Phượng thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ngay tại địa phương. Với sự giúp đỡ của Trung tá Trần Thanh, đến nay, vợ chồng chị Phượng đã biết làm ăn, phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn.      

Cùng hoàn cảnh chị Phượng, gia đình chị Vi Thị Mai, bản Thái Sơn 2 cũng là một hộ nghèo được hỗ trợ nguồn giống để phát triển chăn nuôi gà. Tận mắt chứng kiến gia cảnh, Trung tá Trần Thanh đến hỏi thăm, thấy hoàn cảnh khó khăn vất vả đã hỗ trợ cho gia đình 50 con gà giống để chăn nuôi. Chị còn hỗ trợ thức ăn ban đầu, thuốc phòng, chống dịch bệnh và kỹ thuật chăn nuôi. Nghe lời chị Thanh, gia đình thực hiện theo cách hướng dẫn và rất thành công, gà nhanh lớn, bán được giá.

Không chỉ hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế, Trung tá Trần Thanh còn kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức hỗ trợ kinh phí, con giống trao tặng cho các hộ dân nghèo trên địa bàn xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Trong 5 năm (2016 - 2020), bản thân chị đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí và vật chất trên 3 tấn quần áo các loại, 5 tivi, 100 con dê, 30 tấn xi măng, 7 xe đạp, 70 triệu đồng tiền mặt, gần 1.000 suất quà cho hộ nghèo và gia đình chính sách…

Cùng với đó, chị đã đứng ra trực tiếp kêu gọi, vận động hỗ trợ xi măng sửa nhà cho 2 hộ gia đình người Đan Lai là La Thị Mừng và La Thị Cang. Bằng uy tín cũng như mối quan hệ của bản thân, nhiều năm qua, chị còn giúp đỡ,  chăm sóc nhiều con em Đan Lai cả trong cuộc sống sinh hoạt và học tập. Chị đã đứng ra vận động quần áo, chăn màn, mỳ tôm, tivi... cho những đứa trẻ. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, sự quan tâm bằng tấm chân tình, giờ đây, nhiều đứa trẻ Đan Lai đã không ngại ngần gọi chị với cái tên trìu mến “mẹ Thanh”. 

leftcenterrightdel
Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh tại Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021". Ảnh: NVCC

“Noi gương và làm theo Bác từ việc nhỏ”

Xã Môn Sơn là vùng quê cách mạng, nơi đây 91 năm trước, vào tháng 4/1931, tại ngôi nhà sàn của cụ Vi Văn Khang, Chi bộ Đảng xã Môn Sơn được thành lập. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở địa bàn miền núi, vùng cao của Nghệ An. Ngôi nhà (hiện còn được bảo tồn, lưu giữ) cũng là địa điểm hội họp, nơi in ấn tài liệu, truyền đơn và là nơi làm việc của nhiều cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy trong phong trào 1930-1931.

Đồn Biên phòng Môn Sơn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 36,5km đường biên giới và 7 cột mốc tiếp giáp với tỉnh Bô-ly-khăm-xay, Lào. Địa bàn đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, khó khăn trong trồng trọt, chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,4% dân số. Đây là nơi sinh sống của bà con các dân tộc Thái, Kinh và tộc người Đan Lai. Đặc biệt, tộc người Đan Lai sống ở vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, là tộc người còn giữ hầu như nguyên bản các tập tục, hủ tục cổ hủ, cách biệt xa với văn minh, văn hóa mới, trong một thời gian dài tồn tại nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Gần 4 năm gắn bó với bản làng vùng cao, biên giới, với Trung tá Trần Thanh, trong suy nghĩ của mình, chị chưa bao giờ hối hận với quyết định rời phố thị để đến với đồng bào. Chừng ấy thời gian không phải là dài với một đời người cũng như một người khi chọn binh nghiệp, nhưng đã cho chị nhiều trải nghiệm, để được thử mình ở môi trường công tác mới, và đón nhận nhiều niềm vui, nhiều tình cảm thân thiết ruột rà của đồng bào Đan Lai nơi “thâm sơn cùng cốc” yêu mến dành cho mình.

Chia sẻ về việc làm của mình, Trung tá Trần Thanh cho biết: “Tấm gương đạo đức của Bác Hồ có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi trong cuộc sống và công việc. Học ở Bác, trong cuộc sống là lối sống giản dị, gần gũi của Người, trong công việc thấm nhuần tư tưởng lấy dân làm gốc. Bác nói trong bầu trời không có gì bằng nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng đó, tôi đã cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Môn Sơn có những việc làm thiết thực trong giúp nhân dân trên địa bàn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo; góp phần xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh”.

Đánh giá về Trung tá Trần Thanh, Thiếu tá Đặng Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Môn Sơn nói: “Là phụ nữ công tác ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, xa gia đình và chịu nhiều thiệt thòi, nhưng Trung tá Trần Thanh đã khắc phục mọi khó khăn, cùng đồng đội bám địa bàn, gần gũi với đồng bào, hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chị là tấm gương về dân vận của đơn vị, được nhân dân trên địa bàn tin yêu”.

Với những cố gắng trong công việc và hoạt động xã hội, Trung tá Trần Thanh nhiều năm liền được suy tôn Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, là đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được nhận Bằng khen Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bằng khen Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Năm 2021, Trung tá Trần Thanh vinh dự được chọn là cá nhân duy nhất của tỉnh Nghệ An tham dự Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng năm 2021” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhằm biểu dương các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Xuân Thống