Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh và phối hợp tốt của các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận, nhất trí cao của toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Trao cần câu thoát nghèo

Gia đình chị Phan Thị Mộng Điệp ở thôn 8, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk trước đây có kinh tế rất khó khăn. Năm 2019, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi heo. Được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng, gia đình chị đã nâng cấp chuồng trại, mua con giống và thức ăn để chăn nuôi. 

Để bảo đảm đàn heo khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, chị chủ động nhập 30 con heo giống đã qua kiểm định của một công ty ở Đồng Nai. Song song đó, chị tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại để thả nuôi 200 con gà ta. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày, dùng vắc xin phòng bệnh đầy đủ nên đàn heo, gà của gia đình chị luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện mỗi năm gia đình chị xuất 4 lứa heo, 2 lứa gà, cùng với trồng trọt, cho chị tổng thu hơn 200 triệu/năm. Từng bước có thu nhập ổn định, chị Điệp tích cực tham gia các hoạt động của các hội, đoàn thể, đối với những chị em khó khăn hoặc thiếu kinh nghiệm sản xuất chị tận tình giúp đỡ.

leftcenterrightdel
 Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắk Lắk có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: AM

May mắn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tháng 5/2022, gia đình ông Y Cum Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm.

Ông Y Cum chia sẻ, những tháng đầu năm 2022, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, con trai ông làm việc tại TP Hồ Chí Minh phải trở về địa phương do bị mất việc làm nên gia đình ông rất khó khăn. Sau khi tìm hiểu và đề xuất, ông được tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương bình xét và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư Kuin cho vay số tiền phù hợp với nhu cầu của gia đình và được hỗ trợ lãi suất ưu đãi.

Từ số vốn này, ông đã mua cây giống, phân bón để cải tạo, trồng mới, mở rộng quy mô vườn cà phê. Nhờ đó, nhu cầu cấp bách của gia đình là tạo công ăn việc làm cho con đã được giải quyết. Nguồn vốn trên còn giúp gia đình ông vượt qua khó khăn sau dịch và có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Hay cũng từ nguồn vốn chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Trường Mầm non Phong Lan (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) đã được hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng để sửa chữa khu vui chơi cho trẻ.

Ông Lê Hồng Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cũng như nhiều cơ sở mầm non tư thục khác, dịch COVID-19 đã gây những tổn thất nặng nề về kinh tế cho trường. Trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường vẫn phải hỗ trợ lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên... nên nhu cầu vay vốn của nhà trường là rất lớn. Vì vậy, gói vay đã phần nào giúp trường ổn định hơn khi hoạt động trở lại.

leftcenterrightdel
 Nhờ nguồn vốn ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có điều kiện an cư để lạc nghiệp. Ảnh: AM

Nỗ lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo

Cùng với sự quan tâm, phối hợp, giám sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng có hiệu quả, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được vay vốn.

Mỗi chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách đều mang một mục đích và ý nghĩa khác nhau, nhưng trên hết vẫn là vì mục tiêu giúp đỡ người dân phát triển sản xuất và giải quyết đời sống.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 7.356 tỷ đồng, tăng hơn 1.025 tỷ đồng so với cuối năm 2022.

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh có trên 76.000 khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng, với tổng dư nợ gần 2.728 tỷ đồng, chiếm 37%/tổng dư nợ của toàn chi nhánh.

Tại các huyện, thành phố, thị xã, nguồn vốn chính sách đã và đang “trợ lực” tạo ra chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với các địa phương rà soát kịp thời những hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo điều kiện cho họ tiếp cận và sử dụng vốn vay nhanh chóng, hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk khảo sát nhu cầu vay vốn của người dân. Ảnh: AM

Thông qua các phiên giao dịch trực tiếp, cán bộ phòng giao dịch ngân hàng chính sách đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nghèo để họ không ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thoát nghèo… Chất lượng tín dụng cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh luôn bảo đảm.

Theo thống kê, nguồn vốn của ngân hàng đã phủ kín toàn địa bàn 184 xã, phường, thị trấn ở 15 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc. 100% hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được tiếp cận tới nguồn vốn tín dụng chính sách.

Bên cạnh hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk còn ưu tiên các chính sách để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Dạy nghề, khuyến nông, hỗ trợ về y tế, giáo dục... Qua đó góp phần tạo việc làm, phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

leftcenterrightdel

Nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp người dân huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: AM

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Phấn đấu đến cuối năm 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2,0%; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%; hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%; mức giảm hộ nghèo đa chiều đối với huyện phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (huyện M’Drắk) giảm từ 6 - 7%.

Anh Minh