Đa dạng giải pháp giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo.

Hằng năm, các địa phương trong tỉnh đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp và chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả.

Cùng với đó, để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Lắk chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các tổ chức đoàn thể nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện công tác giảm nghèo…

leftcenterrightdel
 Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giúp nhiều gia đình ở xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk thoát nghèo. Ảnh: AM

Với sự quyết tâm và triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án kết hợp với những giải pháp, cách làm sáng tạo, năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 46.091 hộ, giảm 1,79%, đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu kế hoạch 1,5 - 2%). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào DTTS là 31.229 hộ; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm 19,7%.

Trong năm 2023, toàn tỉnh đã mở 46 lớp đào tạo nghề cho 1.361 người, đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 1.361 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, thu nhập thấp; các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; xây mới 794 căn nhà, sửa chữa 516 căn nhà; thực hiện cấp trên 863.391.000 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, DTTS; hỗ trợ tiền điện cho trên 54.689 lượt hộ nghèo, tổng kinh phí trên 37 tỷ đồng,…

leftcenterrightdel
 Trồng trọt kết hợp chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân ở Đắk Lắk thoát nghèo. Ảnh: AM

Về tín dụng cho hộ nghèo, tính đến hết năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đã có 47.858 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với tổng số vốn cho vay hơn 2.086 tỷ đồng.

Trên cơ sở các dự báo về thuận lợi và khó khăn của năm 2024, Đắk Lắk đã chủ trương điều tra, thống kê hộ nghèo theo kế hoạch, rà soát chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh nếu chưa phù hợp.

Mục tiêu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5 - 2%; hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 3 - 4%; hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đối với huyện phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (huyện M’Drắk) giảm từ 6 - 7%.

leftcenterrightdel
Việc đi lại của người dân thôn Ea Boa, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk thuận lợi từ khi có đường bê tông. Ảnh: AM

Động lực vươn lên thoát nghèo ở địa phương

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bằng nhiều giải pháp giảm nghèo phù hợp, như: Khuyến khích người dân phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp tập quán canh tác, thực hiện hỗ trợ vay vốn, cây, con giống, đồng thời tập trung triển khai thực hiện linh hoạt, đồng bộ các chương trình, dự án và chính sách dân tộc ưu đãi cho địa phương… đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống.

Đến xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk những ngày này mới cảm nhận được không khí tươi vui, phấn khởi vì đời sống người dân đã có nhiều khởi sắc. Những ngôi nhà khang trang hiện lên, các trục đường thôn, buôn được bê tông hóa đến tận ngõ từng nhà. Điện, đường, trường, trạm, các công trình được đảm bảo phục vụ công tác dân sinh… Sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp người dân tiếp cận chương trình hỗ trợ giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo ông Võ Hữu Chút - Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu, hằng năm xã chỉ đạo công tác rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, sau đó tổ chức đối thoại trực tiếp với hộ nghèo, cận nghèo tại từng thôn, buôn và nắm nhu cầu của từng hộ, đồng thời giao cho các tổ chức đoàn thể xem xét để quản lý và có hướng hỗ trợ cụ thể. Do đó công tác hỗ trợ luôn kịp thời, đúng đối tượng.

Điển hình như gia đình ông Ai Dên, ở buôn Ra Lu, xã Ea Hiu từng là một trong những hộ nghèo của xã bởi kinh tế rất khó khăn. Đầu năm 2019, được địa phương hỗ trợ cây giống tái canh cà phê, ông Ai Dên tiến hành cải tạo 4 sào cà phê già cỗi bằng cách nhổ bỏ, trồng mới 400 cây cà phê giống TR4. 

Lấy ngắn nuôi dài, cùng với nguồn vốn 40 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pắc, ông đầu tư chăn nuôi bò, heo, dê để có nguồn thu thường xuyên. Để sản xuất hiệu quả, ông Ai Dên được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho tham gia lớp các lớp tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi. 

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật cùng lợi thế đất đai, nguồn nước thuận lợi, hiện mô hình kinh tế của gia đình ông Ai Dên phát triển tốt. Có nguồn thu ổn định, trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2023 tại địa phương, gia đình ông Ai Dên đã tự nguyện xin thoát nghèo.

leftcenterrightdel
 Địa phương, các hội, đoàn thể thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nông dân. Ảnh: AM

Việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn và khơi dậy ý thức vươn lên của hộ nghèo đã giúp đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp. 

Đơn cử như xã Ea Trang, huyện M’Đrắk – một trong những xã đặc biệt khó khăn với trên 90% người dân là đồng bào DTTS. Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, địa phương này còn được thụ hưởng đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông. Điển hình là công trình đường giao thông liên thôn từ buôn Bơn B vào làng Ea Kiu (thuộc thôn Ea Boa) dài hơn 750m.

Anh Hoàng Văn Cường, Trưởng thôn Ea Boa cho hay, làng Ea Kiu cách trung tâm xã hơn 10 km, gần như cách biệt với bên ngoài bởi đường đi lại khó khăn, nắng bụi mưa lầy. Được Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường bê tông, việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con ở đây thời gian qua đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Để tiếp tục hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các địa phương… góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Minh