Lý do là giá đấu thầu thường gần bằng giá thị trường, làm cho các doanh nghiệp không muốn tham gia.

Khác với chứng khoán và tỷ giá ngoại tệ, vốn là những yếu tố thường chỉ ảnh hưởng đến người giàu, giá vàng đang có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng triệu người lao động. Ước tính còn khoảng  400 -500 tấn vàng nằm trong dân, nhưng việc huy động để ổn định giá vàng và sử dụng cho kinh doanh vẫn gây ra tranh cãi.

Đối với người hiểu biết về kinh tế, việc giá vàng tăng lên cũng làm tăng tỷ giá và gây khó khăn cho việc điều hành kinh tế và kinh doanh. Từ nhiều tháng nay, ngành chức năng tìm cách quản lý và bình ổn thị trường này để không gây ra hậu quả xấu nhưng vẫn chưa có cách giải quyết dứt điểm.  

Dường như vàng ở Việt Nam vẫn cứ tăng theo một quy luật riêng và có phần bất thường so với nhiều nước.

Khách quan mà nói, Việt Nam đã hội nhập và hội nhập thương mại vào quốc tế và khu vực nên không tránh khỏi sự tác động từ thế giới bên ngoài. Một trong những lý do dẫn đến cơn sốt giá vàng là sự không ổn định trong tình hình kinh tế toàn cầu. Các yếu tố như biến động chính trị, thương mại và dầu mỏ, cùng với sự không chắc chắn về tương lai của nền kinh tế toàn cầu, đã tạo ra một môi trường đầu tư không ổn định, khiến các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định và an toàn trong việc đầu tư vào vàng.

Đối với người dân trong nước, vàng ngoài kênh đầu tư, cũng được xem là một phương án tích lũy tài sản an toàn. Việc này đã có truyền thống từ lâu đời và thành một thói quen tiêu dùng ăn sâu vào tâm lý nhiều người. Bởi vậy khi giá bất động sản đang tăng cao, giá nhà chung cư chưa hạ nhiệt, lãi suất ngân hàng giảm, khi đó tiền nhàn rỗi trong dân sẽ tìm đến thị trường vàng. Việc này vừa là một lựa chọn an toàn với người nghèo, nhưng đồng thời cũng là kênh đầu tư với nhiều người dư dả. Khi dân tăng mua vàng để giữ giá tiền, thì người buôn cũng gia tăng nguồn cung để bán cho dân, điều này dẫn đến đột biến giá trong thị trường vàng.

Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, nhưng điều quan trọng là sự lành mạnh của thị trường và hiệu quả của các biện pháp thực tiễn.

Vàng, tỷ giá và các công cụ tài chính khác đều ảnh hưởng đến cuộc sống và thu nhập của hàng triệu người. Điều này đặt ra yêu cầu về sự minh bạch và quản lý chặt chẽ là hợp lý.

Trước khi quyết định huy động vàng hoặc tiền từ dân, cần có các biện pháp quản lý và sử dụng tài nguyên hiện có một cách hiệu quả. Sự tin tưởng và minh bạch của chính sách là rất quan trọng trong việc huy động vốn từ dân. Mọi sự tham góp, thổi giá vàng, đầu cơ, lợi ích nhóm nếu có, rất cần được ngăn chặn để tận dụng tối đa nguồn lực tài sản tích lũy từ vàng trong dân.

Giá vàng bất ổn, phải chăng đang phản ánh sự lo lắng của người dân với giá trị tài sản của chính mình?

Có lẽ việc giảm nhiệt giá vàng, cần phải tính tới sự liên thông đồng bộ của chính sách liên quan đến ngân hàng, nhà đất và kiểm soát lạm phát, chống thất thoát, tham nhũng.

Ngô Quốc Đông