Trào lưu nói lên một thực tế về sức khỏe tinh thần của con người thời hiện đại rõ ràng đang có những bất an, lo âu và vô vàn áp lực. Từ thực tế này đã mở ra một nhu cầu rất lớn cho ngành Du lịch. Các tour đã nhanh chóng nắm bắt và quảng bá về sự bù đắp cho những thiếu hụt của tinh thần con người đang gặp phải. Sự vận dụng cụm từ “chữa lành” trong tình huống này đã đem lại một nguồn doanh thu không nhỏ cho các đơn vị kinh doanh liên quan đến lữ hành, du lịch trong đợt nghỉ lễ dài vừa qua, nhờ biết kích hoạt và đánh động vào đúng vấn đề tâm lý mà con người đang gặp phải.

Vậy là không ít người tham gia các hoạt động và trải nghiệm “chữa lành” như du lịch, tận hưởng thiên nhiên, thực hành thiền, nghe podcast (tập tin âm thanh trên thiết bị dị động kết nối mạng), hoặc tham gia các hoạt động xã hội như làm từ thiện, trao tặng các món quà thể hiện tình yêu thương, vào mạng bói bài tarotvv… Họ tin rằng,, những hoạt động này có thể giúp hàn gắn những tổn thương tinh thần và tạo ra một cuộc sống ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, khái niệm “chữa lành” vẫn còn khá mơ hồ và thường bị hiểu sai lạc hoặc bị lạm dụng. Nhiều người hiểu “chữa lành” như một biện pháp tạm thời để giảm căng thẳng mà không nhận ra rằng nó đòi hỏi sự cam kết và thời gian để thực sự hồi phục. Có nghĩa là sự bùng nổ của vấn đề “chữa lành” mới thiên về các hiện tượng, chứ chưa đi sâu vào các vấn đề nội tâm, đạo đức, hành vi ứng xử và các khuôn mẫu hành động. Người tham gia thường làm một việc ý nghĩa với cá nhân hoặc trả phí cho một dịch vụ được quảng cáo là có thể chữa lành.

Cũng phải khẳng định những dịch vụ này không phải không có ý nghĩa. Nhiều người sau khi trải qua nỗi đau về tình yêu, tiền bạc, danh vọng, sự phản bội… đã tìm lại sức mạnh từ các hoạt động như thiền và yoga, họ bắt đầu nhìn nhận cuộc sống tích cực hơn.

Người ta đang đặc biệt quan tâm đến “chữa lành” trong bối cảnh tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Thống kê cho thấy rằng có đến 14,9% dân số Việt Nam mắc các vấn đề tâm thần, với trầm cảm và lo âu chiếm tỷ lệ cao nhất. Từ vấn đề này cũng cảnh báo tới các yếu tố tâm lý của con người hiện đại cần phải có các dịch vụ thực sự chuyên nghiệp để đáp ứng. Đồng thời nó cũng phải ánh tới một nhu cầu tương lai của xã hội hiện đại, không chỉ quá chú ý tới các dịch vụ kinh tế, sản xuất, mà cần có các dịch vụ về nhu cầu, tinh thần con người tương ứng với trình độ phát triển.

Các dịch vụ tư vấn tâm lý học đường, phòng khám tâm lý và ngành công tác xã hội cần được đầu tư và chú trọng hơn trong xu hướng nghề nghiệp tương lai vì có liên quan đến an ninh tinh thần và an sinh xã hội.

“Chữa lành” là một nhu cầu của con người hiện đại thì ắt sẽ có dịch vụ cung ứng. Tuy nhiên người dân tham gia vào quy trình này cần có sự thấu hiểu rõ ràng về khái niệm “chữa lành” và các biện pháp liên quan, cũng như sự chăm sóc chuyên môn khoa học. Điều này sẽ giúp họ nhận được lợi ích thực sự, qua đó không bị lợi dụng để trục lợi.

Ngô Quốc Đông