Kết luận thanh tra 1452/KL-TTCP ngày 21/8/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có đất nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng Công ty Chè Việt Nam.

Các công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được nhắc tên trong Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình (Công ty Lộc Bình) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập (Công ty Đình Lập). Đây là các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor.

Kết luận thanh tra số 1452 xác định, ngày 2/11/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 2021/QĐ-UBND phê duyệt phương án sử dụng đất (lần 2) của Công ty Đình Lập, thu hồi 1.825 m2 đất phi nông nghiệp tại Nhà nghỉ Lâm Đình, TP Lạng Sơn trái với Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sử dụng đất của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam sau cổ phần hóa và các quy định của pháp luật về đất đai. 

UBND huyện Lộc Bình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 37 hộ dân tại xã Lợi Bác, cấp bìa xanh cho 28 hộ dân tại xã Nam Quan, diện tích đất này trùng với diện tích đất mà UBND tỉnh Lạng Sơn giao cho Công ty Lộc Bình quản lý và sử dụng để trồng rừng và cấp 3 GCNQSDĐ cho ông Chu Văn Đặng, nguyên Giám đốc Công ty Lộc Bình 292m2 đất (xây dựng nhà ở) là vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ; UBND huyện Đình Lập cấp sổ (bìa xanh) cho người dân trùng lên đất của Công ty Đình Lập là 112,5 ha. 

Giám đốc Công ty Lộc Bình, Công ty Đình Lập (thời điểm trước khi chuyển 2 công ty này từ tỉnh Lạng Sơn về Tổng Công ty Lâm nghiệp) ký hợp đồng với Chi nhánh Viettel Lạng Sơn cho thuê, cho mượn đất (Công ty Đình Lập cho thuê 0,3 ha; Công ty Lộc Bình cho mượn 0,24 ha) để xây dựng 5 trạm phát sóng trên đất trồng rừng là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013; Công ty Lộc Bình để người dân lấn, chiếm và UBND Thị trấn Lộc Bình tự ý xây dựng 1 nhà văn hóa với diện tích khoảng 500m2 đất phi nông nghiệp tại thị trấn Lộc Bình. 

Theo Báo cáo số 159/BC-UBND ngày 29/3/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình, cá nhân với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1546/QĐ-UBND ngày 14/8/2018 (Ban Chỉ đạo 1546), ban hành quy chế làm việc, kế hoạch thực hiện, chương trình kiểm tra, tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, làm việc về tình hình quản lý, sử dụng đất tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trực thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam để xử lý, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp, lấn chiếm đất đai theo quy định, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương. 

Tính đến ngày 31/12/2023, các công ty lâm nghiệp đã xử lý, giải quyết thu hồi lại đất để sản xuất được 2.656,71ha, đạt 64,7% tổng diện tích tranh chấp, lấn chiếm. Diện tích cần xử lý trong thời gian tới là 1.383,65ha.

Đánh giá về tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa người dân và các công ty lâm nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc tranh chấp, lấn chiếm diễn ra phức tạp do các công ty lâm nghiệp trước đây được giao cho thuê với diện tích đất lớn. Việc quản lý, sử dụng đối với các diện tích đất này thiếu chặt chẽ, không thường xuyên theo dõi tình hình sử dụng đất của các hộ dân để có biện pháp ngăn chặn ngay từ khi phát sinh, chưa kịp thời đề xuất với chính quyền cơ sở để phối hợp giải quyết theo quy định. Các công ty không thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giao khoán, nhiều hộ sử dụng đất không đúng theo ranh giới đất đã ký kết hợp đồng với công ty, nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời. 

Một số diện tích đất còn tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng không hiệu quả (xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình), UBND tỉnh đã có ý kiến đề nghị trả lại địa phương, tuy nhiên Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam chưa thống nhất, do Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, trong đó bao gồm việc quản lý sử dụng đất tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ. 

Công tác rà soát, xây dựng, triển khai phương án sử dụng đất đối với các huyện có đất công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương còn chậm tiến độ; chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt để rà soát tình hình quản lý sử dụng đất của hộ dân trên địa bàn để xây dựng phương án sử dụng đất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; việc thực hiện giao giao đất, cho thuê đất theo phương án sử dụng đất các công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương hiện có vướng mắc về cơ chế chính sách giữa Nghị định số 118/2014/NĐ-CP và Luật Đất đai 2013 nên phải xin ý kiến cơ quan quản lý đất đai Trung ương, sau đó phải thực hiện sửa đổi, điều chỉnh phương án sử dụng đất dẫn đến việc giao đất, cấp GCNQSDĐ cho người dân để đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, đúng quy định còn chậm. Chưa xử lý được dứt điểm tài sản còn lại của các công ty lâm nghiệp trên đất bàn giao về địa phương... 

Việc triển khai bán cổ phần ưu đãi cho người nhận khoán còn khó khăn vì người nhận khoán chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở miền núi kinh tế khó khăn không có khả năng để tham gia mua cổ phần, đồng thời người dân chưa hiểu được việc mua cổ phần là gì, sẽ mang lợi ích gì nên hầu hết họ không mua... 

Hoàng Nam