Chương trình TCVM được Hội Liên hiệp Phụ nữ Quảng Bình đăng ký thành lập, ủy quyền giao cho Quỹ thực hiện và vận hành; được NHNN Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô số 111/CNĐK-TCVM ngày 24/1/2018. Địa bàn hoạt động của Quỹ: Toàn bộ các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Quảng Bình.

Chương trình TCVM hoạt động theo Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tài chính vi mô, không vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần tạo việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo; Chương trình TCVM sử dụng con dấu của Quỹ.

Theo số liệu kiểm tra, đến thời điểm 31/10/2023, tổng nguồn vốn đạt hơn 62 tỷ đồng, tổng số thành viên vay vốn là 2.655, với 2.803 khoản vay, tổng dư nợ cho vay đạt 49,7 tỷ đồng; không có dư nợ nhóm 2, dư nợ xấu là 26 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ.

Đơn vị lưu giữ hồ sơ phát vốn cho khách hàng, có đầy đủ chữ ký các thành phần: Đại diện Hội Phụ nữ xã, tổ trưởng tổ giao dịch, cán bộ tín dụng, trưởng chi nhánh, khách hàng và người làm chứng. Kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay đối với 43 khoản vay của 40 khách hàng, tổng dư nợ 1,6 tỷ đồng, các khoản vay được khách hàng nhận đủ số tiền vay và có dư nợ được theo dõi đúng theo hợp đồng tín dụng.

Kết luận thanh tra số 25 đã nêu ưu điểm của Chương trình TCVM là hoạt động cơ bản an toàn, nợ xấu thấp, hiệu quả (lợi nhuận) cao trong thời kỳ thanh tra.

leftcenterrightdel
Những thành tích của Quỹ và Chương trình TCVM. Ảnh: Lê Hữu Chính 

Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra nhiều tồn tại như:

Về cơ cấu tổ chức và việc ban hành các quy định nội bộ: Kể từ ngày ký ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ, Quỹ chưa gửi các quy định nội bộ được ban hành, sửa đổi, bổ sung đối với Chương trình TCVM cho NHNN Quảng Bình.

Về nguồn vốn hoạt động: Tại thời điểm 31/10/2023, tổng vốn điều lệ của Chương trình TCVM là 6,6 tỷ đồng, được hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình (theo Quyết định số 4484/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình). Dư nợ vay là 1.546.000 USD, quy đổi VNĐ là 36.509.272.800 đồng; lãi suất vay quy đổi VNĐ là 0,75%/năm; không có văn bản, hồ sơ, tài liệu thể hiện việc nguồn vốn trên thuộc hoạt động huy động vốn của Chương trình TCVM.

Đây là nguồn vốn vay thực hiện Hợp phần 2 “Dịch vụ tài chính nông thôn” của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình; trong đó, đối tượng sử dụng thể hiện “giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thông qua Quỹ tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thực hiện hoàn trả khoản vay số I-901-VN (Quyết định số 608/QĐ-UBND ngày 12/3/2015 của UBND tỉnh Quảng Bình).

Về hoạt động cho vay: Xác minh ngẫu nhiên 304 hồ sơ phát hiện bên cho vay là Quỹ, không phải là Chương trình TCVM; đơn vị có quy định thời hạn, mức hoàn trả nợ gốc, lãi vốn vay và có phụ lục trả chi tiết toàn bộ các kỳ hạn. Tuy nhiên, phụ lục này không thực hiện ký 2 bên. Các trưởng chi nhánh không có ủy quyền của Trưởng ban Quản lý Chương trình TCVM về việc ký kết các hợp đồng vay vốn vi phạm nguyên tắc cho vay được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Quyết định 20/2017/QĐ-TTg.

Về công tác kế toán, quản lý tài chính và báo cáo: Các hoạt động của Chương trình TCVM chưa được đơn vị hạch toán kế toán độc lập với các hoạt động khác của Quỹ. Việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản của Chương trình TCVM đang được theo dõi, hạch toán chung với vốn, tài sản khác của Quỹ; việc ghi nhận doanh thu, ghi nhận chi phí, các khoản chi khác đang thực hiện ghi nhận tại hoạt động của Quỹ.

Với các tồn tại trên, Thanh tra NHNN Quảng Bình đã kiến nghị các biện pháp xử lý.

Đối với Chương trình TCVM: Ban hành kịp thời các quy định nội bộ và gửi đến NHNN Quảng Bình để báo cáo; lập thỏa thuận cho vay giữa chương trình, dự án tài chính vi mô và khách hàng tài chính vi mô, bảo đảm đúng, đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật; thực hiện hạch toán kế toán độc lập với các hoạt động khác của Quỹ; gửi báo cáo tình hình hoạt động đảm bảo chính xác, kịp thời theo quy định.

Ngoài ra, Chương trình TCVM phải hoàn trả cho Quỹ số tiền 1.546.000 USD đối với nguồn vốn vay thực hiện Hợp phần 2 “Dịch vụ tài chính nông thôn” của Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình. Thời gian thực hiện trước ngày 30/6/2024.

Đối với Quỹ - tổ chức thực hiện và vận hành Chương trình TCVM: Ban hành các quy định nội bộ đầy đủ đảm bảo cho Chương trình TCVM hoạt động. Tổ chức thực hiện và vận hành Chương trình TCVM đảm bảo độc lập trong hạch toán với các hoạt động khác của Quỹ.

Đối với UBND tỉnh Quảng Bình - cơ quan cấp phép và phê duyệt Điều lệ Quỹ: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ trong hoạt động tài chính, kế toán. 

Theo ông Phạm Anh Đài, Chánh Thanh tra, Giám sát NHNN Quảng Bình, với các vi phạm về chế độ tài chính, hạch toán, kế toán của Chương trình TCVM, NHNN Quảng Bình đã gửi báo cáo cho NHNN Việt Nam nhằm đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình tiến hành thanh tra toàn diện Chương trình TCVM và Quỹ. Thời gian đề nghị thực hiện thanh tra là trong năm 2024.

Ngoài ra, NHNN Quảng Bình đã đưa Chương trình TCVM là đối tượng thanh tra định kỳ, 2 năm 1 lần thanh tra. Kết luận thanh tra cũng yêu cầu người quản lý, điều hành Chương trình TCVM triển khai thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về NHNN Quảng Bình theo định kỳ báo cáo việc thực hiện kiến nghị thanh tra.

Lê Hữu Chính