Kiểm tra theo nội dung báo đăng

Báo Thanh tra ngày 28/5/2024 đăng bài: “Thanh Hóa: Khu dân cư bị “tra tấn” bởi bụi than từ Trạm Kinh doanh than Lễ Môn”, phản ánh người dân khu phố 3 và phố 4, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa hằng ngày phải hứng chịu bụi than của Trạm Kinh doanh than Lễ Môn bay khắp nơi, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt. Vào mùa hanh khô thì bụi than xuất hiện nhiều hơn, kèm theo gió thổi khiến người dân trong khu dân cư liên tục phải hít khí đen từ bụi than bay vào.

Đặc biệt, mỗi khi ô tô ra vào Trạm Kinh doanh than Lễ Môn để vận chuyển than, bụi than kéo theo các bánh xe vương vãi ra đường giao thông, nhất là khu vực đường Bạch Đằng. Xe cộ của người dân đi lại dính đầy bụi than mỗi khi mưa nắng, ra đường tham gia giao thông thì hít đầy bụi đen…

Nhiều lần Nhân dân kiến nghị tới các cấp chính quyền và các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường từ bụi than vẫn tiếp diễn, chưa thể có biện pháp khắc phục…

leftcenterrightdel
 Người dân hằng ngày đều phải hít bụi than. Ảnh: VT

Sau khi báo đăng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi UBND TP Thanh Hóa đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin Báo Thanh tra phản ánh.

Ngày 7/6/2024, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an thành phố, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thành phố và UBND phường Quảng Hưng kiểm tra thực tế tình hình hoạt động của Công ty Kinh doanh than Thanh Hóa (Công ty Than Thanh Hóa).

Theo biên bản kiểm tra cho thấy, Công ty Than Thanh Hóa hoạt động tập kết, kinh doanh than trên 2 khu vực tại phường Quảng Hưng, tổng diện tích 12.788,8m2, thuê lại của Hợp tác xã (HTX) Thương binh Lam Sơn. Khu vực 1 có diện tích 7.400m2 được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án mở rộng kho tàng, bến bãi bốc dỡ hàng hóa bến thủy nội địa tại phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa của HTX Thương binh Lam Sơn tại Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 24/1/2019. Khu vực 2 có diện tích 5.388,8m2 được UBND TP Thanh Hóa cấp giấy xác nhận đăng ký môi trường cho dự án đầu tư xây dựng kho hàng, bãi chứa tại phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa của HTX Thương binh Lam Sơn tại Công văn số 1256/UBND-TNMT ngày 21/3/2019. Hiện trạng đang tập kết, chế biến và kinh doanh than.

Phản ánh của Báo Thanh tra có cơ sở

Kết quả kiểm tra thực tế, trong quá trình hoạt động, Công ty Than Thanh Hóa đã thực hiện một số biện pháp để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm đến môi trường xung quanh, cụ thể như đã xây dựng bể tự hoại để thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; nước mưa chảy tràn được thu gom bằng hệ thống rãnh và bể lắng. Chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý; bố trí khu vực lưu chứa chất thải rắn nguy hại.

Công ty cũng đã trang bị bạt che chắn, trồng cây phi lao, lắp đặt hệ thống phun sương quanh khu vực sản xuất, thuê nhân công quét dọn và phun nước tuyến đường Chương Dương... để giảm thiểu bụi than phát tán ra môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, bạt che chắn của công ty ở một số vị trí đã bị hỏng, rách; mật độ cây trồng ít, nhỏ và một số cây đã chết; hệ thống phun sương hoạt động chưa thường xuyên nên hiệu quả không cao; hệ thống rửa lốp bánh xe ra vào bãi đã hỏng; phía trước công ty có một đoạn đường chưa được bê tông hóa nên trời mưa xuống bị ứ đọng nước, lầy lội gây mất vệ sinh.

Do đó, nội dung phản ánh của Báo Thanh tra về hoạt động của Công ty Than Thanh Hóa gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân phố 3 và phố 4, phường Quảng Hưng là có cơ sở.

leftcenterrightdel
 Bui than bay tứ tung, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân khu phố 3 và khu phố 4, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa. Ảnh: VT

Để khắc phục và hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh từ hoạt động của Công ty Than Thanh Hóa, đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty và các đơn vị khẩn trương thực hiện nghiêm túc các nội dung kết luận của UBND phường Quảng Hưng tại Công văn số 593/UBND-ĐCXD ngày 17/5/2024: Trồng bổ sung hệ thống cây xanh cách ly phía tường rào, thay thế các bạt chắn đã hư hỏng và đầu tư thêm hệ thống lưới chắn, nâng cấp và vận hành thường xuyên hệ thống phun sương để đáp ứng công suất hoạt động của công ty, sửa chữa hệ thống bể nước để thực hiện việc rửa lốp bánh xe trước khi ra khỏi bến bãi; bố trí lao động tăng cường công tác vệ sinh công nghiệp, thường xuyên quét và phun nước đường Chương Dương, tăng tần suất phun nước rửa đường và các ngày khô hanh, giông gió.

Phối hợp với HTX Thương binh Lam Sơn rà soát và thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động theo nội dung đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Các nội dung nêu trên đề nghị Công ty Than Thanh Hóa khắc phục và báo cáo về UBND TP Thanh Hóa và UBND phường Quảng Hưng kết quả thực hiện.

Đề nghị HTX Thương binh Lam Sơn lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường cho 2 cơ sở trình cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

UBND phường Quảng Hưng chủ trì, mời các đơn vị có liên quan đến hoạt động vận chuyển qua tuyến đường Chương Dương để lên kế hoạch, phương án đầu tư đoạn đường chưa được bê tông để tránh lầy lội, tù đọng nước, gây mất vệ sinh và an toàn giao thông. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục và thực hiện của Công ty Than Thanh Hóa.

Văn Thanh