Trong thời kỳ thanh tra (2021-2023), bên cạnh nhiều kết quả đạt được, kết luận thanh tra và kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh Hoà Bình cũng chỉ rõ một số hạn chế, khuyết điểm tại các đơn vị.

Nhiều hồ sơ TTHC quá hạn

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy, có 50 hồ sơ TTHC giải quyết quá hạn, trong đó: UBND huyện Lương Sơn có 31 hồ sơ; Sở Tài chính có 1 hồ sơ; Sở Kế hoạch và Đầu tư có 18 hồ sơ.

Ngoài ra, UBND huyện Lương Sơn có 472 hồ sơ từ chối giải quyết, do yêu cầu bổ sung thành phần hồ sơ, chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đất đai, tài nguyên môi trường.

Tại một số phòng giải quyết TTHC hồ sơ lưu thiếu căn cứ theo quy định pháp luật; một số hồ sơ chưa đính kèm kết quả giải quyết lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC; chưa có sự tham gia của lãnh đạo phòng, lãnh đạo UBND huyện trong quá trình giải quyết TTHC; chưa phân loại, ký số hồ sơ, lưu trữ, tái sử dụng theo quy định; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2023 còn thấp; thời gian kết quả giải quyết TTHC ghi trên hồ sơ trước thời gian tiếp nhận trên hệ thống một cửa điện tử... 

Theo báo cáo của 3 cơ quan, đơn vị, việc giải quyết TTHC còn một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc phân loại, ký số hồ sơ để lưu trữ, tái sử dụng chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tập huấn về quy trình thực hiện, về hạ tầng lưu trữ và biện pháp khai thác tái sử dụng nên chưa thực hiện được. 

leftcenterrightdel
Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: TK 

Một số hệ thống phần mềm giải quyết TTHC của một số bộ, ngành như Bộ Tài chính, cơ quan thuế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... chưa được tích hợp, liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau và với hệ thống một cửa điện tử của tỉnh, do đó gây khó khăn cho việc thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Các cơ quan chuyên môn phải lấy dữ liệu từ hệ thống một cửa điện tử của tỉnh để nhập lại vào các hệ thống riêng của từng bộ, ngành chủ quản để thực hiện giải quyết TTHC. 

Hệ thống phần mềm một cửa điện tử thay đổi đơn vị cung cấp nhiều lần, do đó các hồ sơ lưu trữ trên hệ thống cũ không được cập nhật lên hệ thống mới, khó khăn cho việc tra cứu, kiểm tra, trích xuất số liệu báo cáo cũng như theo dõi, lưu trữ quá trình giải quyết TTHC của đơn vị. 

Trang thiết bị kỹ thuật và trình độ công nghệ thông tin của nhiều người dân còn hạn chế, mặt khác chưa quen với việc thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, còn khó khăn trong việc đăng ký tài khoản dịch vụ công cá nhân và nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công. 

Việc đồng bộ giữa phần mềm một cửa của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia còn có sai sót. 

Các hệ thống phần mềm giải quyết TTHC chưa thiết kế hoàn thiện biểu mẫu điện tử tương tác. Các mẫu đơn, tờ khai phải in ra viết tay gây khó khăn và dễ nhầm lẫn cho người dân và công chức tiếp nhận, nhất là khai thuế trong các TTHC lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khai mã ngành trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh...

Việc kết xuất báo cáo từ hệ thống phần mềm theo lĩnh vực, nội dung công việc còn hạn chế, dẫn đến cán bộ thụ lý phải xử lý thủ công để kết xuất báo cáo, số liệu; dung lượng hồ sơ được phép tải lên hệ thống phần mềm (không quá 50MB) chưa đáp ứng thực tế công việc, dẫn tới việc số hóa tài liệu và thực hiện dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn. 

Phần mềm một cửa điện tử của tỉnh chưa kết nối, tích hợp, liên thông với Hệ thống quản lý văn bản điều hành tác nghiệp điện tử, gây khó khăn trong việc giải quyết TTHC cần sự tham gia của người có thẩm quyền trong quy trình. 

Yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc, xử lý cán bộ, công chức

Đối với kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh, thông báo kết luận kiểm tra cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, các đơn vị đã thực hiện chỉ đạo khắc phục, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan và báo cáo kết quả các nội dung đã khắc phục

leftcenterrightdel
Sở Tài chính. Ảnh: TK 

Thanh tra tỉnh Hoà Bình kiến nghị các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và UBND huyện Lương Sơn tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, đôn đốc, xử lý cán bộ, công chức, viên chức nhằm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, các chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh về thực hiện giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Không để xảy ra tình trạng giải quyết TTHC chậm, quá hạn, từ chối giải quyết không có lý do đúng quy định. 

Thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá, kiểm soát TTHC để đề xuất với UBND tỉnh xem xét, quyết định công bố TTHC mới, TTHC thay thế, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế…

Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu biện pháp khắc phục các vướng mắc bất cập trong việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử cho người dân và doanh nghiệp tại các đơn vị qua thanh tra.

Trần Kiên