Năm nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn diễn ra từ ngày 1 - 3/10. Những ngày diễn ra lễ hội tại quần thể tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã có rất đông người dân và du khách tham dự.

Dưới chân tháp là hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ Chăm diện những bộ trang phục truyền thống với những gam màu, họa tiết sặc sỡ cùng cúng tế và cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trái với những hình ảnh sinh động, tươi vui của lễ hội là những hình ảnh phản cảm khi nhiều người leo trèo để chụp ảnh ngay dưới bảng cấm, thậm chí vẽ bậy trên thân tháp.

Một bảo vệ tại đây bức xúc nói: "Mấy anh em bảo vệ chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở người dân và du khách không nên leo trèo lên thân tháp để xem văn nghệ hay chụp ảnh. Nhưng, nhiều người vẫn không nghe mà cứ muốn leo lên để "săn ảnh"".

Ông Lê Xuân Lợi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận cho biết: Theo các bậc chức sắc ở các làng Chăm, quần thể tháp Pô Klong Garai được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để thờ vua Pô Klong Garai, vị vua đã có nhiều công lớn trong việc cai trị đất nước.

leftcenterrightdel

Một người đàn ông vô tư ngồi hút thuốc ngay cạnh bảng cấm. Ảnh: Khoa Lê

Không chỉ là di tích độc đáo về kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Champa, nhiều năm qua, quần thể tháp Pô Klong Garai còn là nơi thu hút khách tham quan.

Đây cũng là nơi hành hương, tụ hội của đồng bào Chăm trong mỗi dịp lễ hội, nhất là Lễ hội Katê tổ chức vào tháng 7 hàng năm theo lịch Chăm (tháng 10 Dương lịch) để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Tháp Po Klong Garai là một trong những cụm tháp Chàm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam. Công trình này có kiểu kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc đạt đến trình độ đỉnh cao. Năm 2016, tháp Po Klong Giarai Lai đã được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia đặc biệt.

Với ý nghĩa ấy, quần thể tháp Pô Klong Garai đương nhiên phải được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ gìn hiện trạng cảnh quan, song thực tế những ngày này, tháp đang bị "bức tử" đủ kiểu khi 1 bộ phận người dân leo trèo, chụp ảnh, vẽ bậy bất chấp những biển cấm cảnh báo về ngọn tháp đang xuống cấp, khiến người dân và du khách tham quan không khỏi chạnh lòng.

Khoa Lê