Cấp thêm trữ lượng khoáng sản không đấu giá

Hồ Ô Tưk Sa là một trong các hồ chứa nước theo quy hoạch thủy lợi vùng Bảy Núi, tọa lạc tại xã An Cư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Sau nhiều năm đưa vào khai thác sử dụng phải tiến hành nạo vét để nâng sức chứa nhằm phục vụ việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu của địa phương.

Năm 2019, UBND huyện (nay là thị xã) Tịnh Biên phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình nâng sức chứa hồ Ô Tưk Sa phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư hơn 14,2 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021.

Ngày 10/9/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn hướng dẫn thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản để thu hồi vật liệu nạo vét từ dự án hồ Ô Tưk Sa, trong đó xác định việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. UBND Tịnh Biên (đơn vị có tài sản đấu giá) có trách nhiệm lập, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Sau khi trúng đấu giá, Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Vĩnh Tường (Công ty Vĩnh Tường) được cấp Giấy phép số 48/GP-UBND khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên trong diện tích dự án hồ Ô Tưk Sa, với trữ lượng khai thác 324.978m3, công suất khai thác 324.978m3/năm. Thời hạn khai thác là 1 năm.

Ngày 17/3/2023, Công ty Vĩnh Tường có đơn đề nghị gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, với sản lượng đã khai thác 258.228m3, trữ lượng còn lại 66.750m3 (cập nhất đến hết ngày 17/3/2023). Khối lượng nạo vét bùn lòng hồ khoảng 46.882m3.

Ngày 6/7/2023, UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 584/GP-UBND gia hạn Giấy phép số 48/GP-UBND. Theo đó, Công ty Vĩnh Tường được tiếp tục khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên trong diện tích dự án hồ Ô Tưk Sa thời hạn 4 tháng. Đồng thời, công ty được phép nạo vét, thu hồi khối lượng 46.882m3 bùn cát tại vùng 3 của dự án.

Theo Thanh tra tỉnh An Giang, Công ty Vĩnh Tường không đủ điều kiện được gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, UBND Tịnh Biên vẫn thống nhất đề nghị gia hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh gia hạn giấy phép là không đúng quy định khoản 1 Điều 39 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Khoáng sản.

Việc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung phần khối lượng 46.882m3 là không có cơ sở và không đúng quy định Luật Khoáng sản 2010 và Luật Đấu giá tài sản 2016, quyền khai thác khoáng sản phải được tổ chức đấu giá.

Kê khai sản lượng nộp thuế chưa phù hợp

Sau khi được cấp giấy phép, Công ty Vĩnh Tường đã ủy quyền cho Công ty Vĩnh Tường - Chi nhánh Cà Mau thực hiện việc khai thác khoáng sản theo các giấy phép được cấp. Tổng khối lượng được cấp phép khai thác theo 2 giấy phép là 371.860m3.

Công ty Vĩnh Tường - Chi nhánh Cà Mau đã cung cấp cho đoàn thanh tra 27 hóa đơn thuế giá trị gia tăng với tổng lượng hàng xuất bán 299.410m3, tổng tiền hàng hơn 48 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng đầu ra hơn 4,7 tỷ đồng. Tổng thanh toán hơn 52,8 tỷ đồng.

Qua thanh tra nhận thấy, công ty kê khai sản lượng tài nguyên nộp thuế chưa phù hợp với số lượng tài nguyên xuất bán. Theo kết quả giám định, khối lượng thực tế đã khai thác là 405.341m3. Trong đó, Công ty Vĩnh Tường - Chi nhánh Cà Mau đã bán 299.410m3 và xuất hóa đơn giá trị gia tăng, còn lại 105.931m3 đã đưa ra khỏi nơi khai thác, chưa được công ty xuất hóa đơn giá trị gia tăng.

leftcenterrightdel
 Kết luận thanh tra số 07/KL-TTT của Thanh tra tỉnh An Giang. Ảnh: CN

Công ty kê khai đơn giá tính thuế là 60.000 đồng/m3 không đúng với đơn giá bán sản phẩm trên hóa đơn giá trị gia tăng. Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định.

Ngoài ra, công ty kê khai mức phí bảo vệ môi trường là 3.000 đồng/m3 không đúng mức thu phí bảo vệ môi trường theo Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND ngày 1/8/2017 của UBND tỉnh An Giang về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Mức thu đối với “các loại cát khác” (ngoài cát vàng, cát trắng) là 4.000 đồng/m3.

“Về khối lượng 105.931m3 tăng thêm, công ty không cung cấp hồ sơ chứng minh, do đó không có cơ sở xem xét nội dung giải trình và đối với tổng khối lượng 105.931m3 tăng thêm này, công ty đều chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng, chưa thực hiện nghĩa vụ thuế”, kết luận thanh tra nêu.

Đoàn thanh tra xác định lại nghĩa vụ thuế, phí đối với khối lượng 405.341m3 đã khai thác, trong đó công ty đã kê khai và thực nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng thuế tài nguyên và 981 triệu đồng phí bảo vệ môi trường. Số thuế, phí còn phải thực hiện hơn 7,1 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề nghị của đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh An Giang đã ban hành quyết định thu hồi hơn 7,1 tỷ đồng của Công ty Vĩnh Tường - Chi nhánh Cà Mau, gồm khoản thuế tài nguyên hơn 6,3 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường hơn 802 triệu đồng (công ty đã nộp khắc phục).

Thanh tra tỉnh An Giang kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thị xã Tịnh Biên tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan đến những hạn chế, vi phạm phát hiện qua thanh tra.

Cảnh Nhật