Dự án Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tỉnh Hải Dương được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3401/2002/QĐ-UB ngày 16/8/2002. Tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh là 137.438.914.000 đồng, gồm vốn ODA của Tây Ban Nha và vốn đối ứng ngân sách tỉnh. UBND tỉnh đã giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương làm chủ đầu tư.

Qua thanh tra cho thấy, nhiều vi phạm xảy ra trong việc chuyển giao đơn vị thực hiện dự án từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT- Seraphin Hải Dương.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh bàn giao nhà máy từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương (doanh nghiệp ngoài Nhà nước) quản lý, sử dụng theo hình thức bàn giao nguyên trạng là không đúng theo quy định.

Khi thẩm định phương án tiếp nhận nhà máy, Sở Kế hoạch và Đầu tư không tham mưu với UBND tỉnh xin ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính theo quy định.

Dẫn đến, sau khi thực hiện bàn giao nguyên trạng Nhà máy theo phương án, Bộ Tài chính không chấp thuận việc chuyển giao chủ dự án từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương theo đề nghị của UBND tỉnh. Lý do là, Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương không đủ năng lực tài chính.

Theo Quyết định số 2285/QĐ-UBND ngày 9/10/2012, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát việc bàn giao, tiếp nhận và triển khai vận hành nhà máy sau khi tiếp nhận. Tuy nhiên, khi tổ chức bàn giao, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa yêu cầu các đơn vị thực hiện bàn giao số liệu theo dõi trên sổ sách kế toán.

Mặc dù, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu với UBND tỉnh bàn giao nhà máy chưa đúng theo quy định như trên, thế nhưng Sở Tài chính không có văn bản báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh là chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương không thông báo và xin ý kiến Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Hải Dương chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện bàn giao tài sản, bàn giao công nợ, trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA cho Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương là vi phạm hợp đồng vay vốn ODA đã ký.

Nhà máy được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 5/7/2012, nhưng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương vẫn thực hiện theo dõi, hạch toán trên TK 241 (xây dựng cơ bản dở dang), chưa ghi nhận tăng tài sản cố định là chưa đúng theo quy định

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt quyết toán toàn bộ dự án.

Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương chưa phản ánh, ghi nhận trên sổ sách kế toán đối với tài sản nhận bàn giao.

Năm 2015, do không đủ năng lực về tài chính, Công ty Cổ phần Môi trường APT- Seraphin Hải Dương có tờ trình trả lại Nhà máy cho tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với UBND tỉnh quyết định chuyển giao Nhà máy từ Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương sang cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương.

Ngày 1/11/2017, Công ty Cổ phần Môi trường APT-Seraphin Hải Dương đã thực hiện bàn giao nguyên trạng Nhà máy cho Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3151/QĐ-UBND ngày 3/11/2016 có nội dung chuyển giao nghĩa vụ trả nợ vốn vay ODA và giao Sở Tài chính chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận chuyển giao chủ thể trả nợ đối với khoản vốn vay từ Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương sang Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương là chưa phù hợp với quy định.

Sở Tài chính chưa tham mưu cho UBND tỉnh trong việc định giá giá trị tài sản trên đất còn lại của nhà máy đã được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Dẫn đến, Công ty Cổ phần Quản lý công trình đô thị Hải Dương chưa có cơ sở để thực hiện thanh toán với UBND tỉnh các khoản chi phí được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cho nhà máy theo giá trị định giá lại.

Trước đó, Báo Thanh tra thông tin về việc, mặc dù Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã ban hành kết luận thanh tra và UBND tỉnh Hải Dương liên tục yêu cầu Công ty APT-Seraphin xử lý 22.800 tấn rác thải tồn đọng, thế nhưng công ty không chấp hành suốt nhiều năm qua.

Thanh Hoa