Phần lớn các TTHC bị xử lý chậm, muộn
Theo số liệu tổng hợp của đoàn thanh tra, từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/11/2023, Cục Chăn nuôi thực hiện 27 TTHC, trong đó có 9 thủ tục không phát sinh hồ sơ; trong số 18 thủ tục phát sinh hồ sơ, chỉ có 2 thủ tục là không có hồ sơ trả lời quá hạn là cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đơn đặt hàng và miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có thời hạn. Còn lại, 16 thủ tục đều có hồ sơ quá hạn, đặc biệt là 2 thủ tục “chỉ định tổ chức chứng nhận VietGAP” và “cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (lĩnh vực chăn nuôi, tổ chức chứng nhận chăn nuôi hữu cơ”, mỗi thủ tục chỉ có 6 hồ sơ, nhưng tất cả đều bị trả lời quá hạn (tỷ lệ 100%).
Hoặc các thủ tục khác có tỷ lệ trả lời muộn rất cao như cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa (lĩnh vực chăn nuôi) với 21/16 hồ sơ trả lời muộn, chiếm tỷ lệ hơn 80%; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (lĩnh vực chăn nuôi) với 32/43 hồ sơ trả lời muộn, chiếm 74,4%...
Đoàn thanh tra kiểm tra xác suất với các bộ hồ sơ giải quyết TTHC, các lỗi phổ biến được chỉ ra như quá hạn giải quyết, hồ sơ không đúng theo mẫu quy định: 40/44 hồ sơ giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đơn đặt hàng bị giải quyết quá hạn so với quy định; 75/179 hồ sơ cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do sản phẩm thức ăn chăn nuôi (CFS), đơn đề nghị không thống nhất mẫu chung, đơn thiếu cả những nội dung bắt buộc như: mã hồ sơ, thông tin nước nhập khẩu, tên, địa chỉ, số điện thoại của tổ chức, cá nhân đăng ký, tên sản phẩm trong đơn xin cấp khác với tên sản phẩm tại các tài liệu gửi kèm.
Một số quy trình giải quyết TTHC do Cục Chăn nuôi ban hành không cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới, dẫn đến việc nhiều nội dung quy định đã được sửa đổi, hủy bỏ nhưng Cục Chăn nuôi vẫn áp dụng vào quy trình để giải quyết.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo đoàn thanh tra, việc bộ phận một cửa không trả phiếu tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức nộp hồ sơ đối với các hồ sơ thực hiện một phần trên Cổng thông tin điện tử của Bộ là do cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại bộ phận một cửa không thực hiện đúng quy định; lãnh đạo Văn phòng Cục không kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công việc của các cán bộ tại bộ phận một cửa. Trách nhiệm trực tiếp thuộc các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa từ 15/6/2021 đến 30/12/2023; trách nhiệm người đứng đầu là Cục trưởng và Tổ trưởng, Tổ phó Tổ ISO giai đoạn từ 15/6/2021 đến 30/12/2022, Cục trưởng và Phó Cục trưởng trong Ban chỉ đạo ISO giai đoạn từ 30/12/2022 đến 30/12/2023.
Để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC chậm muộn đối với các hồ sơ giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của các cán bộ, công chức trực tiếp nhận hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa và cán bộ các phòng chuyên môn: Phòng Thức ăn chăn nuôi, Phòng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Phòng Giống vật nuôi.
Để xảy ra tồn tại nhưng lãnh đạo Văn phòng Cục không biết, không tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Cục giải pháp giải quyết. Trách nhiệm này thuộc lãnh đạo Văn phòng Cục trong thời gian từ 30/12/2022 đến 30/12/2023; Tổ trưởng Tổ ISO, Tổ Phó Tổ ISO, Ban chỉ đạo ISO và lãnh đạo Cục Chăn nuôi.
Việc giải quyết TTHC cấp CFS sai, trách nhiệm thuộc cán bộ Phòng Thức ăn chăn nuôi giải quyết TTHC và cán bộ bộ phận một cửa không rà soát trước khi trả kết quả giải quyết TTHC cho doanh nghiệp;
Tình trạng không thống nhất hướng dẫn mẫu chung cho doanh nghiệp (TTHC cấp CFS); quy định thành phần hồ sơ tại quy trình chưa đúng quy định hiện hành (cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa lĩnh vực chăn nuôi; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa (tổ chức chứng nhận hợp quy); không quy định việc thẩm định báo cáo khắc phục dẫn đến hiện tượng sai lỗi sau khi các đơn vị đã có báo cáo khắc phục (từ 6/2021 đến 12/2022), trách nhiệm thuộc cán bộ soạn thảo, sửa đổi, bổ sung (Chánh Văn phòng Cục), lãnh đạo Cục Chăn nuôi ký ban hành các quy trình đã nêu trên.
Trách nhiệm không tổ chức đánh giá chất lượng nội bộ định kỳ để phát hiện bất cập, sai sót thuộc về Tổ trưởng Tổ ISO, Trưởng ban ISO và Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Cục.
Việc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu không thuộc danh mục tài liệu bắt buộc (danh mục cơ sở sản xuất) (giải quyết TTHC cấp CFS), do cán bộ Phòng Thức ăn chăn nuôi và cán bộ bộ phận một cửa có cách hiểu không thống nhất quy định của pháp luật. Các cán bộ thực thi nhiệm vụ đã hiểu cụm từ “nếu có” là nếu có danh mục cơ sở sản xuất thì phải nộp cho cơ quan cấp CFS nếu không có thì không phải nộp chứ không hiểu cụm từ “nếu có” là có nộp cũng được không nộp không bắt buộc. Trách nhiệm thuộc cán bộ công chức giải quyết TTHC cấp CFS, lãnh đạo Phòng Thức ăn chăn nuôi - kết luận thanh tra nêu.